Bước đột phá trong thực hiện chương trình OCOP ở Giao Thủy

Xác định thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) là giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, huyện Giao Thủy đã có cách làm bài bản, căn cơ, hiệu quả nên đã tạo được những kết quả đáng ghi nhận, tạo sức bật mới trong thực hiện các nội dung chương trình OCOP từ huyện đến cơ sở. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Xác định thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) là giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, huyện Giao Thủy đã có cách làm bài bản, căn cơ, hiệu quả nên đã tạo được những kết quả đáng ghi nhận, tạo sức bật mới trong thực hiện các nội dung chương trình OCOP từ huyện đến cơ sở.

Sản phẩm nem nắm Giao Thủy của cơ sở sản xuất Nem nắm Phan Văn Trịnh, thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao được sản xuất hoàn toàn thủ công.

Đến gia đình bác Phan Văn Trịnh, chủ cơ sở sản xuất Nem nắm Phan Văn Trịnh nổi tiếng ở thị trấn Ngô Đồng, nem nắm không chỉ mua được ngon, sạch mà còn được nghe câu chuyện hấp dẫn về nét đẹp ẩm thực nức tiếng của Giao Thủy. Theo bác Trịnh, với những kỹ thuật, sáng tạo riêng về nguyên liệu và chế biến, nem nắm Giao Thủy có một hương vị, nét đẹp riêng để tạo dựng “chỗ đứng” nhất định trên thị trường. Nguyên liệu chính để làm món nem nắm Giao Thủy là thịt mông sấn và bì lợn. Thịt mông để làm nem phải là thịt nạc, còn tươi nguyên từ những con lợn vừa giết mổ. Sau khi làm sạch, thịt được chần qua cho chín tới. Sau đó thái mỏng rồi dùng sống (lưng) dao dần cho mềm thịt. Bì lợn sau khi chần qua đem cạo sạch lông rồi rửa sạch bằng nước muối. Bì cũng luộc vừa chín tới để không bị dai, mất độ giòn. Sau khi luộc xong vớt bì ra, ngâm một lúc trong nước đun sôi để nguội rồi mang thái chỉ. Phần thịt được nêm một chút nước mắm cốt, tỏi băm nhỏ rồi bóp thật đều cho thịt thấm gia vị, sau đó cho bì đã thái chỉ vào trộn đều, cuối cùng là thính. Thính gạo rang từ những hạt gạo tám thơm nức tiếng của quê hương được rang vàng, xay mịn cho ra sản phẩm thơm ngào ngạt hấp dẫn. Tất cả tập hợp ấy tạo hương vị thơm ngon khó cưỡng cho món nem nắm. Sau khi trộn kỹ nguyên liệu được nắm chặt thành những quả nem tròn để nem “chín” kỹ. Thưởng thức nem nắm vị ngọt bùi, đậm đà của thịt lợn, sự giòn dai của bì, thoang thoảng hương thơm hăng nồng của tỏi xen với vị thơm phức của thính. Làm nên vị ngon khi ăn nem còn ở nước chấm pha bằng nước mắm cốt giấm, đường, tỏi, ớt đủ vị chua cay mặn ngọt. Cũng có người thích chấm nước mắm cho đậm. Miếng nem khi ăn kèm quấn với các loại lá. Tổng hợp vị ngọt của thịt, hương thơm của thính, tỏi, thêm vị bùi bùi, chan chát của lá sung, hăng cay của lá đinh lăng cùng với vị mặn ngọt đậm đà của nước chấm. Tất cả quyện lại làm người ta ăn tới no vẫn không thấy chán, và nhớ mãi một đặc sản ẩm thực của quê hương Giao Thủy.

Để tạo bước đột phá trong thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn, UBND huyện Giao Thủy đã ban hành các Kế hoạch số 313/KH-UBND ngày 6-5-2019 triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020; Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 19-3-2021 về việc triển khai thực hiện chương trình OCOP năm 2021; xây dựng Đề án số 304/ĐA-UBND ngày 17-4-2021 của UBND huyện về việc khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP huyện Giao Thủy giai đoạn 2021-2025. Tổ chức các hội nghị triển khai chương trình OCOP gắn với chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, khuyến khích, động viên các cơ sở trên địa bàn tham gia chương trình OCOP; tập trung lựa chọn đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện để khích lệ và tạo nguồn sản phẩm tuyển chọn trình UBND tỉnh đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm từ hạng 3 sao trở lên. Tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chương trình OCOP; mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc thực hiện, phát triển chương trình OCOP để nhiều doanh nghiệp cơ sở và hộ sản xuất biết tham gia. Tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn cho cán bộ xã phụ trách chương trình OCOP và các cơ sở trên địa bàn huyện để giới thiệu về chương trình OCOP; hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đăng ký tham gia chương trình. Phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và đơn vị tư vấn chương trình OCOP của tỉnh tổ chức khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí OCOP trực tiếp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Đặc biệt, việc thực hiện Đề án số 304/ĐA-UBND ngày 17-4-2021 của UBND huyện với cơ chế khuyến khích hỗ trợ cụ thể đối với sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao là 20 triệu đồng, sản phẩm đạt hạng 4 sao là 30 triệu đồng và sản phẩm 5 sao là 50 triệu đồng đã khích lệ các cơ sở tích cực tham gia với trách nhiệm cao. Nhờ có các biện pháp tích cực, hiệu quả nên năm 2021, toàn huyện có 19/22 xã, thị trấn có sản phẩm tham gia chương trình OCOP với 49 sản phẩm của 24 cơ sở sản xuất được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, trở thành địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, huyện Giao Thủy phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện có ít nhất 60 sản phẩm OCOP trở lên đạt 3 sao; có trên 10 sản phẩm đạt 4 sao; có từ 1-2 sản phẩm chủ lực đạt 5 sao, định hướng các sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn, tham gia thị trường xuất khẩu. Khuyến khích phát triển từ 1-2 sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch Bảo tàng đồng quê. Mỗi xã có ít nhất 2 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, huyện tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích ý nghĩa và cách thức tổ chức thực hiện chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện, các xã, thị trấn. Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiêu chí phát triển sản xuất trong Bộ tiêu chí NTM. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; phát triển mới, nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; tổ chức các hội chợ chuyên sản phẩm OCOP... Ban hành các cơ chế, chính sách theo hướng ưu tiên hỗ trợ khuyến khích phát triển các sản phẩm được chế biến và chế biến sâu; hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP; hỗ trợ để áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... vào sản xuất để các sản phẩm OCOP có điều kiện tiếp cận và tham gia vào thị trường xuất khẩu. Đối với các sản phẩm đã được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên trong năm 2019-2021 huyện chủ trương hướng dẫn các cơ sở củng cố, nâng cấp để nâng hạng sao trong các năm tiếp theo.

Sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tích cực của đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện chương trình OCOP từ huyện xuống cơ sở và sự tham gia trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tạo nên những kết quả tích cực trong thực hiện chương trình OCOP của huyện Giao Thủy, tạo tiền đề vững chắc để thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng xã, huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202202/buoc-dot-pha-trong-thuc-hien-chuong-trinh-ocop-o-giao-thuy-2549388/