Bước đột phá trong tín dụng chính sách ở Diễn Châu

Là phòng giao dịch có số dư nợ lớn nhất tỉnh, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội', nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách ở Diễn Châu đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, giúp hàng trăm nghìn hộ nghèo, gia đình chính sách vươn lên phát triển kinh tế.

Trao chiếc cần câu

Theo định kỳ, ngày 21 hàng tháng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu về giao dịch tại UBND xã Diễn Ngọc. Từ sáng sớm, chị Phó Thị Thi - Tổ trưởng tổ vay vốn phụ nữ xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc đã đến điểm giao dịch của UBND xã để nộp tiền tiết kiệm (hơn 15 triệu đồng) của các hộ do tổ phụ trách gửi vào Ngân hàng Chính sách. Chị Thi cho biết, tổ của chị quản lý 57 hội viên với tổng vốn 1,643 tỷ đồng, chủ yếu người dân vay chương trình nước sạch, đầu tư mua ngư lưới cụ, máy móc thiết bị, xây ki- ốt bán tạp hóa… Từ khi có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách, đời sống của hội viên ngày một ổn định, phát triển.

Quá trình sản xuất, kinh doanh, các hội viên ý thức tiết kiệm chi tiêu gửi Ngân hàng Chính sách. Qua đó, không chỉ tiết kiệm cho bản thân và gia đình mà còn đồng hành với Nhà nước thực hiện công cuộc giảm nghèo, tăng thêm nguồn vốn để cho vay tới người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chị Phó Thị Thi - Tổ trưởng tổ vay vốn phụ nữ xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc

Diễn Vạn là xã bãi ngang cùng khó khăn, trước đây người dân chủ yếu chỉ nhìn vào con cá, hạt muối… Thế nhưng, về Diễn Vạn hôm nay, diện mạo nông thôn đã đổi thay. Dọc sông Bùng, nhiều nhà tầng san sát. Người dân nơi đây sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, gắn phát triển tiểu thủ công nghiệp và nuôi trồng chế biến hải sản.

Đầm tôm của gia đình anh Trần Đình Quyến ở xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn. Ảnh: Thu Huyền

Đầm tôm của gia đình anh Trần Đình Quyến ở xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn. Ảnh: Thu Huyền

Tới thăm gia đình anh Trần Đình Quyến ở xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn, chị vợ bận rộn với việc bán buôn hàng tạp hóa, còn anh Quyến thì lo việc chăn nuôi hươu và đầm tôm. Năm 2015, với 50 triệu đồng được duyệt vay từ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, anh Quyến bắt tay xây dựng chuồng trại và mua 1 cặp hươu giống về nuôi. Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, hươu lớn nhanh và sinh sản, tăng nhanh về số lượng. Có thời điểm, chuồng hươu có đến 16 con.

Ngoài bán nhung hươu, gia đình anh cũng trở thành địa chỉ cung cấp hươu giống tin cậy cho người dân. Lợi nhuận từ việc chăn nuôi hươu, gia đình tiếp tục dùng để để đầu tư ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Anh Quyến cho biết, với chủ trương khuyến khích cải tạo diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển nuôi trồng thủy, hải sản của địa phương, anh đã cải tạo nuôi tôm. Hiện nay, mỗi vụ, bán được từ 2,5 - 3 tấn tôm thương phẩm. Việc chăn nuôi hươu và tôm mang về cho gia đình hơn 200 triệu đồng/năm, có điều kiện để nuôi các con ăn học.

Ở huyện Diễn Châu, có không ít mô hình kinh tế hiệu quả nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách. Về xã Diễn Liên, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước mô hình vườn-ao-chuồng của gia đình anh Dương Văn Khiếu, chị Phan Thị Huệ ở xóm 3, xã Diễn Liên. Là hộ cận nghèo, năm 2019, gia đình anh được vay 50 triệu đồng để đầu tư ao nuôi cá. Sau khi trả xong khoản vay này, gia đình anh tiếp tục được xét duyệt vay thêm 100 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình đã đầu tư mở rộng lên 4 ha ao nuôi cá; trồng các loại cây ăn quả như mít, bưởi, hồng xiêm và nuôi thêm gà, vịt, mỗi năm mang lại lợi nhuận cho gia đình anh hơn 200 triệu đồng.

Gia đình anh Dương Văn Khiếu ở xã Diễn Liên (Diễn Châu vay vốn Ngân hàng Chính sách đầu tư mô hình vườn ao chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thu Huyền

Gia đình anh Dương Văn Khiếu ở xã Diễn Liên (Diễn Châu vay vốn Ngân hàng Chính sách đầu tư mô hình vườn ao chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thu Huyền

Nhờ siêng năng chịu khó học hỏi, trang trại đơm hoa kết trái, mùa nào thức đó, rất mát mắt. “Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó nhờ ứng dụng khá hiệu quả các nền tảng công nghệ số để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đến mùa thu hoạch cá, gia cầm hay hoa trái trong vườn tôi đều đăng trên Facebook, Zalo, TikTok kèm số điện thoại để mọi người biết đến, ai có nhu cầu có thể liên hệ trước. Từ ngày ứng dụng công nghệ, các nông sản của gia đình tiêu thụ nhanh hơn gấp nhiều lần, có thêm những khách hàng thân thiết mới. Gia đình mong muốn tiếp tục được vay vốn Ngân hàng Chính sách để mở rộng chăn nuôi sản xuất, phát triển kinh tế bền vững”, chị Huệ chia sẻ.

Chính quyền cùng vào cuộc

Chỉ thị số 40 được xem như một làn gió mới làm chuyển biến tích cực tín dụng chính sách xã hội, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo địa bàn huyện Diễn Châu. Và trong quá trình đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã đồng hành cùng người dân, giải ngân nhanh nguồn vốn với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, giao dịch tận nơi, là trợ lực thiết thực để nhiều hộ gia đình vươn lên, ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu thăm mô hình sản xuất ở Diễn Vạn. Ảnh: Thu Huyền

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu thăm mô hình sản xuất ở Diễn Vạn. Ảnh: Thu Huyền

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu cho biết: Là phòng giao dịch có số dư nợ lớn nhất tỉnh, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu đã cho 53.261 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn với doanh số hơn 1.837 tỷ đồng, chiếm 81% tổng doanh số cho vay để sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, nguồn vốn phục vụ cho mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới đạt doanh số cho vay hơn 432,2 tỷ đồng.

Đồ họa: Hữu Quân

Đồ họa: Hữu Quân

Nhờ đó, trong 10 năm đã có 75.128 lượt hộ có vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo, 2.888 hộ xóa được nhà tạm bợ, dột nát, xây dựng được 49.876 công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn, gần 24.528 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 3.659 lao động được vay vốn tạo việc làm, 896 người đi xuất khẩu lao động... Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn huyện giảm từ 5,2% năm 2014 xuống còn 1,66% năm 2023.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu giải ngân nguồn vốn tại xã Diễn Ngọc. Ảnh: Thu huyền

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu giải ngân nguồn vốn tại xã Diễn Ngọc. Ảnh: Thu huyền

Kết quả có được không thể không nói tới vai trò, sự đồng hành vào cuộc của chính quyền các cấp đối với nguồn vốn chính sách. Ông Hà Xuân Quang - Bí thư Huyện ủy Diễn Châu cho biết: Diễn Châu là huyện ven biển, có dân số đông, nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cao, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Chỉ thị số 29 ngày 17/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chúng tôi chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác tín dụng cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn, sử dụng vốn vay hiệu quả. Huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội cũng là nhiệm vụ được địa phương quan tâm. Dư nợ vốn chính sách trên địa bàn đang gần một nghìn tỷ đồng, trong đó, hơn 7 tỷ đồng trích từ ngân sách huyện chuyển sang.

Có thể khẳng định, nguồn vốn vay chính sách đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Diễn Châu trang trải cuộc sống, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đây cũng chính là động lực quan trọng giúp huyện Diễn Châu tiếp tục hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Thu Huyền

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/buoc-dot-pha-trong-tin-dung-chinh-sach-o-dien-chau-10274273.html