Bước đột phá từ Nghị quyết 24

PTĐT - Nhằm đưa Nghị quyết Đại hội V của Đảng vào cuộc sống, đồng thời bàn các biện pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm trên địa bàn toàn tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú lần thứ V được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 22/1/1983 tại thành phố Việt Trì.

Nhờ chủ động vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, đến nay, nhiều mô hình phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang cho hiệu quả thiết thực.

Nhờ chủ động vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, đến nay, nhiều mô hình phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang cho hiệu quả thiết thực.

Đại hội kiểm điểm kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực; đánh giá thực trạng, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ; đề ra nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ tới, trong đó tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, coi sản xuất lương thực, thực phẩm là nhiệm vụ hàng đầu; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, chú trọng mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết để tăng nhanh hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa V gồm 45 đồng chí. Đồng chí Hoàng Quy tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Tôn được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Dụ được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.Thực hiện Nghị quyết Đại hội V của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú lần thứ V, cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, vận dụng các chủ trương, chính sách của Trung ương vào điều kiện cụ thể của địa phương, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Đến năm 1985, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 39,8 vạn tấn; tổng mức huy động lương thực trong 5 năm đạt 32,9 vạn tấn; sản lượng lương thực bình quân đầu người vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra, từ 206kg năm 1980 lên 250kg năm 1985. Không kể các nông trường quốc doanh, tính riêng 9 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn Phú Thọ, tổng sản lượng lương thực thu được trên 21 vạn tấn, chiếm 53% tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh. Tổng đàn trâu, bò gần 200 ngàn con; đàn lợn đạt 379 ngàn con.

Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết 24 về quản lý và sử dụng đất đồi rừng trên cơ sở tận dụng tối đa đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế được coi là bước đột phá của tỉnh. Nghị quyết nêu ra 4 hình thức tổ chức sản xuất là trại rừng, trại cây ăn quả, vườn rừng và vườn cây ăn quả nhằm khai thác, phát huy tốt cả 3 hình thức quốc doanh, tập thể, gia đình. Trên cơ sở đó, tỉnh có kế hoạch hướng dẫn các hình thức tổ chức sản xuất theo vùng với quy mô lớn theo phương châm: Tích cực, khẩn trương nhưng phải vững chắc, có bước đi phù hợp với khả năng lao động, tiền vốn, lấy thâm canh lương thực và hiệu quả kinh tế làm mục tiêu. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 24, Vĩnh Phú đã cơ bản hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đồi rừng phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Ngoài 9 lâm trường quản lý và kinh doanh trên 40% diện tích đồi rừng của toàn tỉnh, một số HTX cải tiến chế độ khoán quản đối với cây công nghiệp và các cây rừng, mạnh dạn khoán sản phẩm cuối cùng cho nhóm và người lao động, gắn lao động với đất đai, cây trồng, do đó đã đem lại lợi ích thiết thực, đồng thời ngăn chặn được tệ nạn khai thác, sử dụng, đốt phá rừng bừa bãi. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã trồng được hơn 16 ngàn ha rừng; khai thác gỗ trên 100 ngàn m3 và trên 100 ngàn ste củi.Đồng chí Hồ Văn Lập- Chủ tịch UBND xã Minh Nông, thành phố Việt Trì thời kỳ ấy, hiện là đảng viên cao tuổi sinh hoạt tại Đảng bộ phường Minh Nông nhớ lại: Từ khi thực hiện Nghị quyết 24, các HTX đã xóa bỏ tình trạng làm ăn bao cấp, tổ chức giao đất, giao rừng cho bà con xã viên, tạo ra khí thế lao động mới. Người người, nhà nhà hăng say lao động sản xuất, năng suất hiệu quả đạt cao, không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại, tạo chuyển biến mới trong nhiệm vụ xây dựng kinh tế, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt.Trải qua những khó khăn do chiến tranh, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú đã chủ động vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn của địa phương; có những nghị quyết mang tính đột phá trong phát triển kinh tế, đã hình thành cơ cấu công- nông - lâm nghiệp trên địa bàn từng huyện, từ đó tạo ra được vùng sản xuất tương đối tập trung, từng bước đưa nền nông nghiệp của tỉnh từ thế độc canh đến phát triển toàn diện, góp phần giữ vững và phát triển kinh tế ổn định.

Chính Văn

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202006/buoc-dot-pha-tu-nghi-quyet-24-171398