Dựng bể trong vườn, làm giàu từ 'sâm nước ngọt'
Nuôi cá chạch lấu mang lại cho anh Tâm lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/năm. Đây cũng là bước đệm để anh phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm chế biến từ loại thủy sản này.
Bỏ nghề nấu ăn về quê khởi nghiệp
Không nuôi cá dưới ao hay lồng bè ở các sông lớn như nhiều nông dân vẫn làm, anh Nguyễn Chí Tâm (40 tuổi, ngụ phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) lại dựng bể bạt dưới tán vườn xoài để nuôi cá chạch lấu và nhiều loài cá đặc sản khác.
Dẫn phóng viên tham quan mô hình nuôi cá đặc biệt và cho lợi nhuận cao, anh Tâm chia sẻ, trước đây, anh làm nghề đầu bếp tại những nhà hàng lớn trong và cả ngoài tỉnh Đồng Tháp.
Năm 2021, bỏ nghề nấu ăn, anh trở về quê nhà ở thành phố Cao Lãnh và khởi nghiệp với mô hình nuôi cá chạch lấu. Loài thủy sản này được dân gian ví là "sâm nước ngọt" bởi giá trị dinh dưỡng cao và được thị trường ưa chuộng.
Qua thời gian nghiên cứu, anh Tâm mạnh dạn gom hết vốn liếng trên 250 triệu đồng để đầu tư bể lót bạt khoảng 800m3 ngay dưới tán vườn xoài của gia đình. Ban đầu, anh thả nuôi 10.000 cá chạch lấu giống và 100kg cá heo đuôi đỏ.
Thời gian đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi nên tỷ lệ cá hao hụt khá cao, sản lượng sụt giảm hơn 1/3 so với dự tính ban đầu. Tuy nhiên, bù lại cá vào size lớn nên sau 12 tháng thả nuôi, anh Tâm thu hoạch được khoảng 3,5 tấn cá chạch lấu.
Với giá bán tại nhà là 250.000 đồng/kg, doanh thu của anh đạt khoảng 200 triệu đồng. Riêng cá heo đuôi đỏ, thu hoạch được trên 800kg với giá bán khoảng 500.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 300 triệu đồng.
Liên tục mở rộng diện tích
Từ những kinh nghiệm đúc kết trong vụ nuôi đầu, anh Tâm nhận thấy mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ thả nuôi trong bể bạt có triển vọng kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của gia đình.
Vì vậy, trong những năm tiếp theo, anh liên tục mở rộng diện tích ao nuôi, nâng sản lượng cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ cung cấp cho thị trường. Hiện có 5 bể lót bạt trên 1.110m3 được anh Tâm tập trung phục vụ cho mô hình nuôi cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ.
Với việc mở rộng quy mô sản xuất như hiện tại, trung bình mỗi năm anh Tâm cung cấp cho thị trường trên 8 tấn cá chạch lấu và khoảng 1 tấn cá heo đuôi đỏ thương phẩm.
Hiện nay, tình hình tiêu thụ hai loại cá này khá thuận lợi, thương lái đến tận ao để thu mua với giá khá cao. Bên cạnh đó, anh Tâm còn kết nối cung cấp các loại cá thương phẩm cho một số chợ đầu mối, hệ thống các nhà hàng, quán ăn.
Nhờ linh hoạt trong việc tổ chức nuôi và tiêu thụ nên mô hình nuôi này đem lại thu nhập khá ổn định cho gia đình anh Tâm. Trung bình mỗi năm, sau khi khấu trừ hết các khoản chi phí đầu tư, anh Tâm có lợi nhuận từ 500 - 550 triệu đồng.
"Mô hình này có nhiều ưu điểm so với cách nuôi truyền thống trong ao đất. Người nuôi không cần diện tích đất lớn, có thể nuôi thâm canh.
Việc này còn giảm chi phí vận hành, chăm sóc, quản lý, kiểm soát được nguồn nước, dịch bệnh, nguồn thức ăn và cá tạp", anh Tâm chia sẻ bí quyết.
Cũng theo anh Tâm, bên cạnh thả nuôi cá chạch lấu chung với cá heo đuôi đỏ, anh còn tận dụng nguồn nước thải từ bể nuôi để bón cho vườn xoài.
Giải pháp này giúp xử lý tốt nguồn chất thải trong quá trình nuôi và giảm chi phí phân bón cho vườn xoài, hướng đến xây dựng và phát triển mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ bền vững.
Đa dạng hóa sản phẩm
Không dừng lại ở mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ, hiện anh Tâm còn tiếp tục nghiên cứu và thả nuôi thêm một số giống cá đặc sản nước ngọt của miền Tây như: Cá trèn bầu, cá rô biển để phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của thị trường và hướng đến chế biến.
"Sau hơn 4 năm khởi nghiệp, tôi thấy, để sản phẩm cá chạch lấu đi xa hơn và dễ dàng tiếp cận với số đông người tiêu dùng thì việc phát triển sản phẩm chế biến là hướng đi tất yếu", anh Tâm chia sẻ ý tưởng phát triển mô hình.
Để đưa cá chạch lấu vươn xa trên thị trường, anh Tâm đã phát triển một số sản phẩm đóng gói như: Cá chạch lấu kho sả nghệ, cá chạch lấu một nắng và cá chạch lấu làm sẵn...
"Tôi hi vọng với việc phát triển thêm các dòng sản phẩm mới sẽ góp phần giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn. Đặc biệt, đây còn là giải pháp giúp chủ động hơn trong việc tiêu thụ. Trong định hướng sắp tới, tôi sẽ đưa các sản phẩm chế biến tiếp cận với thị trường xuất khẩu", anh Tâm nói.
Cũng theo anh Tâm, đến nay, ngoài cung cấp cho hệ thống các nhà hàng, quán ăn, các sản phẩm cá chạch lấu chế biến của anh còn được phân phối tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng đặc sản trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp.
Ông Trần Hữu Lý, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 6, thành phố Cao Lãnh đánh giá, mô hình nuôi cá chạch lấu của anh Tâm chỉ mới xuất hiện tại địa phương nhưng đã mang lại những hiệu quả và có triển vọng phát triển.
Do vậy, địa phương cũng đang vận động một số hộ dân lân cận có cùng ý tưởng để nhân rộng trong thời gian tới.
Cá chạch lấu là loài cá đặc sản nước ngọt có thân màu xanh đậm hoặc đen xám, trên thân nhiều đốm vàng hình tròn hoặc bầu dục, có vây lưng, vây hậu môn và vây ngực có đốm đen nhỏ, không có vây bụng.
Khi còn nhỏ, thức ăn chủ yếu của cá chạch là giun, ấu trùng, côn trùng, giáp xác nhỏ. Khi lớn, cá chạch lấu ăn côn trùng trưởng thành, tôm tép, cá nhỏ và mùn bã hữu cơ. Hiện nay, người dân nuôi công nghiệp nên cho cá ăn bằng thức ăn. Cá chạch lấu giống cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao.