Bước đột phá về công tác cán bộ ở Hà Tĩnh: Không lựa chọn cán bộ theo cơ cấu
Quan trọng hơn không phải là vì cơ cấu mà Hà Tĩnh phải lựa chọn được cán bộ thực sự có phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng, trình độ, uy tín và đủ năng lực cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ tới.
Như VOV đã đề cập ở bài viết trước về cách làm của Hà Tĩnh trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, đạo đức trong sáng, đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đáng chú ý là, việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp phải đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Hà Tĩnh xác định để thực hiện được các nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ và kế hoạch đề ra thì công tác cán bộ phải đi trước một bước trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thị xã Kỳ Anh sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh vào năm 2025 và trở thành trung tâm kinh tế động lực của Hà Tĩnh trong tương lai. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đã giao nhiệm vụ cho thị xã Kỳ Anh cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung để tháo gỡ vướng mắc các dự án trên địa bàn, đồng thời phủ kín quy hoạch phân khu, tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Sứ mệnh đặt lên vai đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Hà Tĩnh xác định, thực hiện nhiệm vụ quan trọng này cần đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu để vận dụng vào thực tế, gỡ khó, bứt phá.
Tháng 5 năm 2024, ông Phan Thành Biển, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh được “chọn mặt gửi vàng” chỉ định tham gia Ban Thường vụ Thị ủy, giới thiệu để HĐND thị xã Kỳ Anh bầu giữ chức Chủ tịch UBND thị xã để cùng với tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, gánh vác trọng trách quan trọng này.
"Phải đồng, bộ thống nhất giữa các loại quy hoạch với nhau, tạo không gian quy hoạch thông thoáng, thống nhất, cho nhà đầu tư vào tiếp cận các dự án vào địa bàn thị xã Kỳ Anh; điểm thứ 2 là chúng tôi phải xác định nhiệm vụ trọng tâm là giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh, an toàn, tạo môi trường an toàn, yên tâm cho nhà đầu tư; trong công tác giải phóng mặt bằng phải xác đinh tuyên truyền là khâu quan trọng để đảm bảo người dân hiểu được chủ trương, chính sách, đồng thuận với đường lối phát triển kinh tế địa phương, từ đó người dân ủng hộ"-ông Phan Thành Biển nói.
Người dân đồng thuận, cán bộ, đảng viên đồng tình, vai trò người đứng đầu, tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành được phát huy cao độ đã quyết định thành công khi thực hiện nhiệm vụ.
Cũng là trường hợp vừa được điều động về nhân nhiệm vụ tại thị xã Kỳ Anh theo diện “chọn mặt gửi vàng”, ông Nguyễn Huy Trọng - Phó Bí thư Thường trực thị xã Kỳ Anh cho rằng, nhiệm vụ đặt ra đối với thị xã Kỳ Anh là rất to lớn, muốn thực hiện thành công cần tiếp tục quan tâm, bồ dưỡng, đào tạo và quan trọng hơn là bố trí cán bộ đúng sở trường, năng lực và phát huy được thế mạnh.
"Ban Thường vụ thị ủy nhận thấy một số lĩnh vực, ngành cần có cán bộ có trách nhiệm và chuyên môn cao để bố trí, đặc biệt là lĩnh vực tài nguyên môi trường liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, lĩnh vực văn hóa... bên cạnh đó cần chọn những cán bộ có chuyên ngành cao, qua quá trình sàng lọc, đào tạo, luân chuyển, bố trí cán bộ phải chọn được cán bộ có trách nhiệm để đảm đương vị trí phòng, ngành có tính chất quyết định nhiệm vụ địa phương"-ông Nguyễn Huy Trọng nói.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi...”. Bác cũng dặn, trong đánh giá, lựa chọn cán bộ phải trọng dụng cán bộ năng động, sáng tạo; phải hết sức tạo điều kiện cho cán bộ đột phá, đổi mới, dám nghĩ ra việc khó và hoàn thành việc khó vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác cán bộ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hà Tĩnh đã luân chuyển, điều động hơn 100 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý. Việc luân chuyển, điều động phải được soi-xét kỹ càng trên cơ sở năng lực, sở trường, chuyên môn của cán bộ, lãnh đạo và yêu cầu, nhiệm vụ đặc ra. Hà Tĩnh đã ban hành kết luận cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực, nói không với chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện theo hướng xuyên suốt, đa chiều, bằng sản phẩm cụ thể, đảm bảo khách quan, sát với thực tế. Công tác quy hoạch cán bộ có “động” và “mở”, hằng năm tiến hành rà soát, bổ sung các nhân tố nổi trội, có triển vọng, tính khả thi cao.
Theo bà Hà Thị Việt Ánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Xuyên, trong những năm qua, huyện Cẩm Xuyên có 2 cán bộ luân chuyển từ tỉnh về huyện, bầu bổ sung 4 ủy viên BTV Huyện ủy, 5 ủy viên BCH Đảng bộ huyện, bầu bổ sung Chủ tịch HĐND huyện; bổ sung 27 ủy viên BCH đảng bộ, chi bộ cơ sở... Công tác cán bộ được xác định quan trọng thì việc kiểm soát và rèn giũa cán bộ phải làm thường xuyên và quyết liệt.
"Trong mỗi lần đánh giá xếp loại đối với tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ quản lý, nếu ở đâu, tổ chức Đảng nào có biểu hiện vi phạm đạo đức lối sống và có dấu hiệu chưa thống nhất, hoặc xa rời mục tiêu, thiếu quyết liệt, nêu gương và chưa phát huy được sở trường, năng lực ở địa phương đó thì chúng tôi làm việc, chấn chỉnh và có những thời điểm mạnh dạn thay đổi. Có những địa phương chúng tôi thay đổi cả người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sẵn sàng điều động, luân chuyển cán bộ từ huyện về"-bà Hà Thị Việt Ánh cho biết.
Bước vào đầu nhiệm kỳ 2020-2025, đội ngũ cán bộ các cấp ở Hà Tĩnh đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là một số chỉ tiêu về cơ cấu, tỷ lệ trẻ, nữ chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, chỉ tiêu về cán bộ có đủ năng lực, nhất là về trình độ ngoại ngữ để làm việc được trong môi trường quốc tế còn đạt rất thấp.... Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mới chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt của các cơ quan, đơn vị, chưa gắn với tính tổng thể, đồng bộ trong xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh; chưa bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, để đảm bảo sự chuyển tiếp vững chắc giữa các thế hệ cán bộ, nhất là tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ...
Xác định muốn địa phương phát triển, việc khắc phục những điểm yếu trong công tác cán bộ là yêu cầu cần thiết và cấp bách, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025, Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 03 về xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhất là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2030 và những năm tiếp theo, với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cùng 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác căn bộ, nhất là đề ra hai nhiệm vụ trọng tâm, ba nhiệm vụ đột phá. Với trọng tâm là, thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản thu nhập cá nhân đúng quy định; không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Điều này phần nào lý giải, công tác cán bộ là việc khó, nhưng Hà Tĩnh đã quyết tâm chọn làm khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025. Theo ông Trần Thế Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch, và kết quả có tươi hồng đến đâu mà không có giải pháp con người thực hiện nhiệm vụ đó thì cũng thất bại. Hà Tĩnh xác định đây là việc khó, nhưng phải làm, làm trước.
Theo ông Dũng, Quá trình thực hiện, phải rà soát lại đội ngũ cán bộ toàn tỉnh, phân loại và đánh giá quá trình của từng cán bộ. Trên cơ sở luân chuyển thì bố trí cán bộ về địa phương, quy định là phải đảm bảo ít nhất trên 2 nhiệm kỳ và được đào tạo bài bản; chọn về địa phương có địa bàn trọng điểm của tỉnh thì chọn những cán bộ có kinh nghiệm đã kinh qua các vị trí công tác; những lĩnh vực chuyên môn của ngành, tỉnh thì chọn cán bộ hợp với năng lực, đặc biệt như vừa qua chúng tôi ban hành Nghị quyết về Văn hóa thì tỉnh xác định phải rà soát lại đội ngũ văn hóa cấp tỉnh và lựa chọn toàn bộ am hiểu có năng lực và phải có tâm huyết trách nhiệm, bố trí ngành văn hóa tỉnh đã ban hành Nghị quyết.
Từ nay cho đến đại hội đảng các cấp thời gian không còn nhiều, theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị thì đại hội cấp cơ sở hoàn thành trước tháng 4/2025, cấp huyện trước tháng 8/2025, cấp tỉnh trước 31/10/2025, công tác nhân sự đại hội là 1 trong 4 nội dung đặc biệt quan trọng mà các cấp ủy các cấp phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, chu đáo, không chỉ đúng mà còn phải trúng.
Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh xác định cần quan tâm sắp xếp, bố trí cán bộ để chuẩn bị thật tốt cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2025-2030 theo hướng, tiếp tục thực hiện việc luân chuyển, điều động gắn với sắp xếp, bố trí cán bộ một bước trước đại hội; chủ động phát hiện nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có bản lĩnh, uy tín cao, năng lực thật sự nổi trội, có triển vọng phát triển để quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; Đối với các địa phương, đơn vị dự kiến có cơ cấu cấp ủy nhưng chưa chuẩn bị được nhân sự tại chỗ thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn của cán bộ để đảm nhiệm vị trí chủ trì, qua đó nắm bắt tình hình địa phương, đơn vị để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; việc sắp xếp, bố trí cán bộ chủ trì tại các địa phương, cơ quan, đơn vị có dự kiến cơ cấu cấp ủy, tỉnh sẽ phải gắn với việc đảm bảo cơ cấu về tỷ lệ nữ, tỷ lệ trẻ, 3 độ tuổi trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2025- 2030.
Quan trọng hơn không phải là vì cơ cấu mà Hà Tĩnh phải lựa chọn được cán bộ thực sự có phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng, trình độ, uy tín và đủ năng lực cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ tới.