Bước đột phá về tư duy phát triển
Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm thay đổi sâu sắc và tác động đến mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã xác định đường lối, chính sách thích hợp để chủ động tham gia và thích ứng với sự chuyển dịch này, trong đó, đáng chú ý là Chương trình chuyển đổi số quốc gia cùng sự phát triển của ba trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tiến trình chuyển đổi số, với kinh tế số là trọng tâm, đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức về sự tăng trưởng và phát triển trong kỷ nguyên mới, thúc đẩy chính phủ số và xã hội số cùng phát triển.
Kinh tế số tăng trưởng mạnh
Thúc đẩy phát triển kinh tế số chính là giải pháp thể hiện sự nhạy bén nhằm thích ứng và nắm bắt cơ hội mà cuộc cách mạng kỹ thuật số đưa đến, chuyển hóa và tạo thành tiềm lực, nguồn lực mới cho sự phát triển của Việt Nam.
Kinh tế số cũng góp phần quan trọng cho sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế từ những hoạt động kinh tế thâm dụng tài nguyên, thâm dụng nguồn lực, gây ô nhiễm và tăng trưởng thiếu bền vững chuyển sang sử dụng tài nguyên thông minh hơn, sạch và xanh hơn, giảm thiểu mức độ ô nhiễm, định hình những hoạt động kinh tế mới từ dữ liệu, thông tin, tri thức, theo hướng bền vững hơn. Kinh tế số cũng đòi hỏi khoa học - công nghệ phải là động lực và nền tảng căn bản của sự phát triển kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đưa đến những giải pháp mới, không ngừng cập nhật, tiến bộ.
Và, cũng chỉ có phát triển kinh tế số mới có thể tiếp tục duy trì hiệu quả những thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã ký với những điều khoản của các FTA thế hệ mới, trong đó, thương mại kỹ thuật số và các hoạt động kinh tế số đóng vai trò quan trọng.
Nhìn lại những gì đã đạt được và những dự định của Việt Nam, chúng ta có được bức tranh cụ thể hơn về sự phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện nay và triển vọng tương lai. Theo báo cáo do Google, Temasek và Bain&Company về kinh tế số tại Việt Nam, triển vọng kinh tế số đến năm 2025 của Việt Nam đang trên đà đạt mức 45 tỷ USD.
Số liệu cho thấy mức độ chuyển dịch tăng trưởng kinh tế số với nền kinh tế, thể hiện rõ rằng kinh tế số là hướng đi đúng, hiệu quả đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam. Bốn lĩnh vực chủ đạo của kinh tế số là: Thương mại điện tử; gọi xe số và đặt đồ ăn trực tuyến; du lịch trực tuyến; truyền thông trực tuyến. Đó là những điển hình để đánh giá kinh tế số Việt Nam.
Về mức độ phân bố của các hoạt động kinh tế số, có thể thấy, kinh tế số tập trung chủ yếu ở nơi có sự phát triển kinh tế ở trình độ cao, đó là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các khu vực công nghiệp phát triển. Nói cách khác, điều kiện căn bản để phát triển kinh tế số là các hoạt động kinh tế truyền thống phát triển và đạt đến một trình độ nhất định.
Như vậy, chúng ta cũng thấy được một ý nghĩa quan trọng của kinh tế số trong bối cảnh hiện tại, đó là, kinh tế số trở thành giải pháp có tính đột phá giúp vượt qua thời kỳ khó khăn và thách thức nếu chúng ta nhận thức đúng về kinh tế số và hành động đúng cách để đưa kinh tế số trở thành trọng tâm phát triển.
Trong bối cảnh cầu thị trường thế giới suy giảm, tình trạng lạm phát trên toàn cầu tăng cao đặc biệt do sự gia tăng về giá năng lượng, lương thực và các nguồn nguyên vật liệu chủ chốt, việc mở rộng thị trường tiêu thụ bị hạn chế..., cách tốt nhất là tạo ra được giá trị gia tăng nhiều hơn trên những thị trường hiện có, bằng cách chuyển hóa thị trường, chuyển hóa nhu cầu tiêu dùng, chuyển hóa mô hình giá trị và đặc biệt là chuỗi giá trị, lấy thị trường trong nước làm trọng tâm, lấy thị trường xuất khẩu làm cầu kéo. Trước những yêu cầu đó, kinh tế số là giải pháp khả dĩ.
Sự phát triển của kinh tế số cũng sẽ giúp thúc đẩy phát triển một loạt hoạt động trong lĩnh vực khác của nền kinh tế. Chẳng hạn, khi kinh tế truyền thống được thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bởi kinh tế số, lĩnh vực tài chính số cũng sẽ có mức độ tăng trưởng cao hơn.
Quan điểm này có thể được củng cố một cách rõ ràng khi chúng ta nhìn vào những điều kiện cơ bản cho sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam thông qua mức chi tiêu trực tuyến của người tiêu dùng. Theo phân tích, sự thay đổi tích cực nhất trong triển vọng chi tiêu liên quan tới mức độ tiếp cận các thiết bị công nghệ số, sự phổ cập của internet và sự sẵn sàng đón nhận những cách thức giao dịch mới. Ở Việt Nam, sự thay đổi đó, đặc biệt là ở giới trẻ, là rất cao và mang tính tích cực.
Bứt phá nhờ kinh tế số
Trong bức tranh tổng thể đó, có thể thấy việc xác định mục tiêu phát triển kinh tế số một cách mạnh mẽ, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội vào năm 2030 đạt mức 40% (năm 2025 đạt 30%), tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%... là phù hợp, khả thi.
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, chỉ số thương mại điện tử (EBI) của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, đạt 85,7 điểm; doanh số thương mại điện tử B2C được 85,3 điểm, cao hơn cả thành phố Hồ Chí Minh (80,4 điểm). Thương mại điện tử phát triển giúp hoạt động xuất khẩu của Hà Nội dần phục hồi. Trong 11 tháng năm 2023, doanh nghiệp Hà Nội đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 15,2 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 33,8 tỷ USD; thương mại điện tử đã góp phần quan trọng để đạt được kết quả này.
Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu giữ hạng từ thứ 2 trở lên về chỉ số EBI; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến là 53%; tỷ lệ thanh toán không sử dụng tiền mặt là 48%... Đây chắc chắn là nền tảng quan trọng để kinh tế số phát triển.
Mức độ đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân vào nửa đầu năm 2023 cũng phần nào củng cố và chỉ rõ xu hướng kinh tế cần được thúc đẩy. Có thể thấy, các lĩnh vực mới nổi đang là động lực thu hút đầu tư, là cơ sở để duy trì và thúc đẩy xu hướng này. Do vậy, để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế số, Hà Nội cần phải có những chính sách thích ứng kịp thời, có tư duy đột phá cùng sự chuyển đổi nhận thức một cách tích cực nhằm tiếp nhận hiệu quả những cái mới, những cái chưa có tiền lệ, tạo ra không gian cho đổi mới sáng tạo và những sandbox cho phép duy trì, khuyến khích và tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế số.
Chúng ta đang ở trong giai đoạn bản lề của sự chuyển dịch cơ cấu và hình thái kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, không thể tránh tác động từ những xu hướng mới mà bên cạnh thách thức thì còn có cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Lê Nguyễn Trường Giang
Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số, Hội Truyền thông số Việt Nam
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/buoc-dot-pha-ve-tu-duy-phat-trien-658129.html