Bước lùi trong quan hệ Mỹ - Trung sau vụ bắn hạ khinh khí cầu

Chia sẻ với Zing, chuyên gia kỳ vọng Washington và Bắc Kinh sớm khép lại mâu thuẫn sau vụ khinh khí cầu bị bắn hạ, không để sự việc làm chệch hướng tiến trình đối thoại.

Ngày 6/2 từng được cho là một ngày mang đến đôi chút hy vọng cho quan hệ Mỹ - Trung, vốn đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến có mặt ở Bắc Kinh, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nỗ lực quyết liệt nhằm giảm bớt căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo AP.

Thay vào đó, ông Blinken dành cả ngày ở Washington sau khi đột ngột hủy bỏ chuyến thăm, khi Mỹ và Trung Quốc liên tục “khẩu chiến” về vật thể bị nghi là khí cầu do thám Trung Quốc mà Mỹ đã bắn hạ.

 Benjamin Ho - điều phối viên chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore). Ảnh: RSIS.

Benjamin Ho - điều phối viên chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore). Ảnh: RSIS.

Ngay cả khi cả hai bên khẳng định họ sẽ xử lý tình hình một cách bình tĩnh, những lời cáo buộc lẫn nhau, đặc biệt là kể từ vụ bắn hạ khinh khí cầu hôm 4/2, đã khiến phía Trung Quốc phản đối gay gắt. Bước lùi này trong mối quan hệ xảy ra vào thời điểm cả hai bên đang tìm cách cải thiện mối quan hệ không mấy nồng ấm giữa họ.

“Trung Quốc đang cho rằng Mỹ là nước gây căng thẳng và chính họ là nước bị kiềm chế. Do đó, (động thái tiếp theo) phần lớn phụ thuộc vào những gì đang xảy ra và liệu một trong hai quốc gia - do quan điểm trong nước - có làm tình hình leo thang hay không”, ông Benjamin Ho - điều phối viên chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) - chia sẻ với Zing.

Mỹ đã tính toán kỹ

Vụ việc về khinh khí cầu của Trung Quốc có nguy cơ trở thành bước ngoặt trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường trên thế giới: Lần đầu tiên, người dân Mỹ chứng kiến một biểu tượng hữu hình về thách thức an ninh quốc gia từ Bắc Kinh, theo CNN.

Chiếc khinh khí cầu đã di chuyển trên bầu trời Mỹ trước khi bị bắn rơi ở ngoài khơi Carolina. Sự kiện tạo ra khoảnh khắc bất ngờ khi quan niệm về mối đe dọa của Trung Quốc đối với đất nước Mỹ không còn xa vời, lý thuyết, vô hình hay nhiều năm nữa trong tương lai.

 Các thủy thủ thu hồi một quả khí cầu do thám tầm cao bị nghi ngờ là khí cầu Trung Quốc do Mỹ bắn rơi vào cuối tuần qua. Ảnh: Hải quân Mỹ/ Reuters.

Các thủy thủ thu hồi một quả khí cầu do thám tầm cao bị nghi ngờ là khí cầu Trung Quốc do Mỹ bắn rơi vào cuối tuần qua. Ảnh: Hải quân Mỹ/ Reuters.

Mặc dù các quan chức Mỹ hàng đầu nói họ có ý định mở các kênh liên lạc với Trung Quốc, những tranh luận về khinh khí cầu đang khiến căng thẳng leo thang.

Bên cạnh đó, chính quyền ông Biden bắt đầu chiến dịch thông báo cho các quốc gia trên thế giới về quy mô chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc và những vụ vi phạm chủ quyền của nước này, với hy vọng họ sẽ giúp đẩy lùi các hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Washington cũng tin nhà sản xuất khinh khí cầu bị bắn hạ vào cuối tuần có "mối liên hệ trực tiếp" với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Reuters dẫn tuyên bố từ quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/2.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này sẽ xem xét hành động chống lại các thực thể có liên hệ với quân đội Trung Quốc tham gia hỗ trợ vụ xâm nhập khinh khí cầu.

Nhiều nhà quan sát hiện cho rằng sự kiện khí cầu Trung Quốc như bước đầu đưa hai nước đến cuộc Chiến tranh Lạnh mới, theo CNN. Dẫu vậy, theo ông Ho, cả hai quốc gia đang làm những gì có thể, ngăn tình trạng này leo thang nhưng cố gắng tỏ ra không yếu thế trước người dân trong nước.

“Tôi chắc chắn Mỹ đã cân nhắc những ưu và nhược điểm đối với bất kỳ thời điểm và biện pháp đối phó”, ông Ho nhận định về động thái bắn hạ khí cầu. Trước những quan điểm trái chiều về vụ việc, ông Ho cho biết bản thân không quá lo lắng về điều đó, “đó là nền dân chủ và mọi người đều có quyền đưa ra quan điểm của mình”.

Liên quan đến chuyến thăm Trung Quốc bị hoãn của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Ho cho rằng sự việc đó sẽ không thu hẹp lại cánh cửa cho hai nước ổn định mối quan hệ, mà tạo thêm thời gian chờ sự việc lắng xuống.

Đầu tuần này, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby lưu ý chuyến đi của ông Blinken “bị hoãn chứ không bị hủy”. Dẫu vậy, triển vọng sắp xếp một chuyến thăm khác vẫn còn mơ hồ.

Kỳ vọng khép lại mâu thuẫn và “tiến về phía trước”

Theo AP, ông Blinken và các quan chức cấp cao Trung Quốc có kế hoạch tham dự ít nhất hai hội nghị quốc tế - Hội nghị An ninh Munich vào giữa tháng 2 và cuộc họp ngoại trưởng G20 ở Ấn Độ vào đầu tháng 3. Những sự kiện này tạo ra hy vọng 2 bên có thể gặp gỡ.

Tuy nhiên, những cơ hội bị đánh mất do sự cố khí cầu khó có thể khôi phục được.

Mỹ và Trung Quốc vẫn đối thoại. Tuy nhiên, họ đối thoại khi 2 bên có quan điểm cực kỳ khác biệt, với rất ít thời gian để 2 bên thay đổi quan điểm hiện tại, vốn bị tác động trực tiếp từ điều kiện chính trị trong nước.

 Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với vòng xoáy chính trị trong nước ngay trước khi phát biểu thông điệp liên bang hôm 7/2. Đảng Cộng hòa đã chỉ trích gay gắt trước cách ông Biden phản ứng với sự hiện diện của khí cầu Trung Quốc trong không phận Mỹ.

Trong khi đó, Bắc Kinh ban đầu có phản ứng tương đối ôn hòa. Họ đã “lấy làm tiếc” khi thiết bị nghiên cứu khí tượng đi lạc vào không phận Mỹ. Tuy nhiên sau đó, Trung Quốc có lập trường cứng rắn hơn, lên án vụ bắn hạ là hành vi vi phạm luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế không thể chấp nhận được, cản trở khả năng đối thoại.

Trước đó, quân đội 2 bên vẫn giữ kênh liên lạc, nhưng thường bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan hay có hành động gây căng thẳng tại Biển Đông. Kết quả là Mỹ tăng cường các chuyến bay do thám và tàu chiến qua eo biển Đài Loan.

Các kênh ngoại giao vẫn mở, nhưng trong vài năm, chúng bị chi phối bởi những bất đồng, hơn là trở thành cơ sở cho sự hợp tác tiềm năng. Hiện tại, kênh này đang đầy những lời phàn nàn từ cả hai nước sau vụ khí cầu.

 Tiến sĩ Shen Dingli, một học giả về quan hệ quốc tế ở Thượng Hải. Ảnh: APLN.

Tiến sĩ Shen Dingli, một học giả về quan hệ quốc tế ở Thượng Hải. Ảnh: APLN.

Do đó, tiến sĩ Shen Dingli, một học giả về quan hệ quốc tế ở Thượng Hải, cho rằng “hai nước nên liên lạc càng sớm càng tốt để kiểm soát tổn hại trong mối quan hệ, không cho sự việc leo thang”.

“Trung Quốc và Mỹ có thể thảo luận về cách xử lý các sự cố như vậy trong tương lai: Thông báo sớm về việc khinh khí cầu của nước khác bay vào không phận, hợp tác đưa khinh khí cầu hạ cánh và thực hiện đánh giá chung, cơ chế ngăn ngừa các sự cố như vậy trong tương lai,...”, vị chuyên gia cho biết. Ông đồng thời bày tỏ hy vọng hai quốc gia sẽ không để vụ việc làm chệch hướng tiến trình đối thoại.

Mặc dù nhận định việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu là “vấn đề nhạy cảm và sẽ không mang đến điều tốt đẹp gì cho quan hệ hai nước”, tiến sĩ Shen Dingli vẫn hy vọng Mỹ - Trung có thể bỏ qua mâu thuẫn lần này.

“Tôi hy vọng hai quốc gia sẽ có thể khép lại trang này và tiếp tục tiến về phía trước”, ông kết luận.

Phương Linh - Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-lui-trong-quan-he-my-trung-sau-vu-ban-ha-khinh-khi-cau-post1400643.html