Bước ngoặt của ngành Chăn nuôi: Nhân bản vô tính giống lợn ỉ
Lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã nghiên cứu thành công và làm chủ công nghệ nhân bản lợn ỉ từ tế bào soma mô tai (trưởng thành).
Đó là giống vật nuôi bản địa đặc hữu của Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng. Việc nhân bản vô tính giống lợn ỉ là giải pháp duy nhất duy trì giống vật nuôi này và mở ra hướng bảo tồn các loài vật nuôi bên bờ tuyệt chủng.
Thịt lợn ỉ nhân bản có an toàn không?
Về sự an toàn và chất lượng của thịt lợn ỉ nhân bản, TS Nguyễn Khánh Vân-Phó Giám đốc phụ trách Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật (Viện Chăn nuôi) khẳng định: Thịt lợn nhân bản hoàn toàn không khác gì thịt lợn bình thường. Vì an toàn và đảm bảo chất lượng nên công nghệ nhân bản động vật được dùng để bảo tồn các giống đặc hữu. Thịt lợn nhân bản về nguyên lý vẫn mang đặc trưng của giống lợn ỉ, khả năng sinh trưởng bình thường. Tuy nhiên, đến giai đoạn khai thác thịt và sinh sản Viện sẽ tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để đánh giá nhằm đảm bảo khách quan nhất.
Bảo tồn muộn
Ngày 10/3 vừa qua, 4 chú lợn ỉ con đã chào đời khỏe mạnh, phát triển tốt từ công nghệ nhân bản lợn ỉ từ tế bào soma mô tai. Đây là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu tạo lợn ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma” thuộc “Chương trình trọng điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, do các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) thực hiện.
Chia sẻ về chặng đường dài bảo tồn giống lợn ỉ quý hiếm, TS Võ Văn Sự - nguyên Trưởng khoa Động vật quý hiếm, Viện Chăn nuôi, người nhiều năm trăn trở “cứu” lợn ỉ trước họa tuyệt chủng cho hay: Từ năm 1969 điều tra số lượng vật nuôi cho thấy cả nước còn 2 triệu con, thế nhưng đến năm 1990 thì giống lợn này gần như tuyệt chủng.
“Giống lợn này quá chậm lớn, nuôi cả năm cũng chưa được 50 kg, nên không so sánh được với các giống lợn “Tây” nuôi 4 tháng đã đạt 80 kg. Những năm 1980, khi ngành chăn nuôi nước ta hô hào phong trào “lai kinh tế”, dùng lợn Đại Bạch của Liên Xô phối giống với lợn ỉ tạo con lai F1 cho ưu thế lai. Chương trình ngoại hóa đàn lợn thành công tới mức tận diệt nguồn gen nội thuần chủng” -TS Sự lý giải nguyên nhân giống lợn ỉ biến mất.
Sau đó, đầu những năm 1990, TS Võ Văn Sự được giao nhiệm vụ tìm lại giống lợn ỉ thuần chủng. Tuy nhiên, sau nhiều tháng lặn lội ở khắp các làng quê vùng đồng bằng sông Hồng, TS Sự mới tìm được giống lợn ỉ pha, nhưng chỉ đạt 70% máu lợn ỉ.
Về việc “chậm chân” trong công tác bảo tồn các giống vật nuôi truyền thống. Theo TS Sự, từ năm 1985, thế giới đã bắt đầu hướng tới việc bảo tồn những giống vật nuôi truyền thống, những chủng giống vật nuôi nào mà số lượng giảm xuống dưới 1.000 con thì phải được bảo tồn. Chương trình bảo tồn vật nuôi của Việt Nam được thực hiện muộn hơn, mãi tới năm 1992, nước ta mới bắt đầu công bố đa dạng sinh học, thống kê các giống vật nuôi và triển khai đề án “Bảo tồn nguồn gen vật nuôi quốc gia”. Vào thời điểm đó, các nhà khảo sát đều không tìm thấy lợn ỉ thuần chủng. Vì vậy, trong tập bản đồ các giống vật nuôi ở Việt Nam do Bộ NNPTNT phát hành, lợn ỉ được xếp vào loài đã bị tuyệt chủng.
Liên quan tới công nghệ nhân bản vô tính tại Việt Nam. Cách đây 15 năm, tại Hội nghị Công nghệ sinh học sinh sản châu Á lần thứ 3 tổ chức tại Hà Nội, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã công bố một số kết quả nghiên cứu nhân bản vô tính đạt được.
Theo đó, nghiên cứu và phát triển công nghệ nhân bản vô tính tại Việt Nam đã bắt được nhịp độ phát triển công nghệ trên thế giới. Các nhà khoa học Việt Nam đã nhân bản được giống lợn mini hoang dã sạch dòng chưa bị ảnh hưởng bởi các chương trình lai tạo như các giống lợn Mẹo, lợn Sóc, lợn Bản. Tế bào sinh dưỡng của các giống lợn này được bảo quản trong ngân hàng lạnh và có thể khai thác sử dụng trong các nghiên cứu thụ tinh trong ống nghiệm và nhân bản vô tính với mục đích bảo vệ đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, đại diện Viện Công nghệ sinh học thời điểm đó cho rằng: Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu về nhân bản vô tính từ 1998 như nhân bản được phôi các loài chuột, trâu, bò nhà, bò tót, gấu, lợn mọi, khỉ và sao la... Thế nhưng, khó khăn hiện nay là sau khi nhân bản thành công phôi động vật quý, khó tìm được con mẹ để cấy phôi và kinh phí thực hiện.
Bước ngoặt quan trọng
Trở lại với sự kiện nhân bản thành công giống lợn ỉ, theo TS Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, các nhà khoa học đã ngày đêm nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện thành công công nghệ nhân bản động vật với quy trình tạo dòng “tế bào cho” từ mô tai lợn ỉ sử dụng trong quá trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản. Công nghệ áp dụng không phải là mới nhưng đòi hỏi rất cao về những thao tác, kỹ năng làm việc rất khó, ngay cả các phòng thí nghiệm lớn trên thế giới.
Kết quả đạt được của Đề tài đã được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế (Tạp chí Công nghệ sinh học, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tạp chí Theriogenology). Thành tựu nổi bật này đã mở ra các hướng nghiên cứu mới về: Ứng dụng Công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống; Bảo tồn các loài động vật có giá trị cao, động vật quý hiếm; Kết hợp công nghệ nhân bản động vật với công nghệ chỉnh sửa gen để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tạo ra những con lợn nhân bản theo ý muốn, phục vụ cho việc cấy ghép nội tạng trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Sự kiện nhân bản thành công lợn ỉ bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma mô tai đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, góp phần vào thành tựu phục vụ cho ngành chăn nuôi nói riêng và nền nông nghiệp của đất nước. Kết quả cho thấy chúng ta đã chọn đúng và trúng đối tượng vật nuôi vì con lợn chiếm từ 65 - 70 % trong “rổ thực phẩm”. “Đây cũng là hướng chiến lược của ngành chăn nuôi sắp tới hướng đến từng bước phục hồi những vật nuôi đặc hữu của Việt Nam để trở thành sản phẩm đặc sản không chỉ cung ứng nhu cầu trong nước mà còn cho thế giới” - ông Cường nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ NNPTNT cho biết: Công nghệ áp dụng không phải là mới nhưng đòi hỏi rất cao về những thao tác, kỹ năng làm việc rất khó, ngay cả các phòng thí nghiệm lớn trên thế giới có thể làm thành công ra đến cái phiên bản để nhân bản được, nhưng chúng ta cũng đã nhân bản thành công chứng tỏ năng lực của các nhà khoa học của Việt Nam trong điều kiện cơ sở vật chất còn rất khiêm tốn đã hết sức nỗ lực để duy trì và phát triển, bảo tồn lưu giữ và phục tráng những giống bản địa.