Bước ngoặt đối thoại chính thức đầu tiên giữa Ấn Độ với Taliban sau tuyên bố kết thúc chiến tranh của Mỹ
Theo CNBC, Ấn Độ thông báo có cuộc đối thoại chính thức đầu tiên với đại diện Taliban về vấn đề chống khủng bố xuyên biên giới.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Đại sứ Ấn Độ tại Qatar – ông Deepak Mittal đã có cuộc đối thoại chính thức đầu tiên với người đứng đầu văn phòng chính trị Taliban - ông Sher Mohammad Abbas Stanikzai vào ngày 31/8 ở Doha.
"Taliban đã yêu cầu tổ chức cuộc đối thoại chính thức tại Đại sứ quán Ấn Độ ở Doha", Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói thêm.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Mittal và ông Stanikzai đã thảo luận về vấn đề an toàn, an ninh và công tác đảm bảo quá trình trở về nước sớm của công dân Ấn Độ hiện đang mắc kẹt tại Afghanistan cũng như việc di chuyển của công dân Afghanistan tới Ấn Độ. Đại sứ Ấn Độ Deepak Mittal cũng bày tỏ về mối lo ngại của New Delhi xung quanh vấn đề Afghanistan đang được xem là "nơi trú ẩn của chủ nghĩa khủng bố".
"Đại diện Taliban cam kết với Đại sứ Ấn Độ sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề nêu trên", Bộ Ngoại giao Ấn Độ lên tiếng.
Trước cuộc họp ngày 31/8, truyền thông Ấn Độ dẫn lời ông Stanikzai cho biết Taliban mong muốn thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa Afghanistan và Ấn Độ. Theo CNBC, đây là lần đầu tiên một đại diện đứng đầu của Taliban nhắc đến tương lai trong quan hệ giữa Ấn Độ và Afghanistan. Giới quan sát nhận định, việc Taliban giành lại quyền kiểm soát Afghanistan đang ảnh hưởng đến các quốc gia láng giềng bởi những lo ngại về bất ổn khu vực, dòng người tị nạn và viễn cảnh Afghanistan sẽ trở thành "thiên đường" cho chủ nghĩa khủng bố.
Ông Harsh Pant – người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Observer ở New Delhi nhận định, cuộc đối thoại chính thức đầu tiên giữa Taliban và Ấn Độ là động thái cần thiết.
David Roberts, Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu An ninh thuộc Đại học King của Anh cho rằng Taliban sẽ tích cực theo đuổi mục tiêu mở rộng cơ hội hòa giải với thế giới. Ông Roberts cũng nhắc đến vai trò của Qatar trong việc kết nối Taliban và thế giới sau khi tích cực hỗ trợ chiến dịch sơ tán công dân Mỹ và những nước khác.
"Gần đây, Qatar đóng vai trò tích cực trở thành nước trung gian hòa giải các vấn đề quốc tế", ông nhận định.
Một số chuyên gia cho rằng, sự hỗ trợ của Doha có thể sẽ trở thành yếu tố quan trọng với tình hình Afghanistan trong tương lai.
Mỹ tuyên bố kết thúc chiến tranh tại Afghanistan
Theo Washington Post, Tổng thống Mỹ Biden đã tuyên bố kết thúc chiến tranh tại Afghanistan trong bài phát biểu vào ngày 31/8, nhấn mạnh Mỹ hoàn thành sứ mệnh quân sự trong 20 năm qua ở khu vực này. Từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden tuyên bố kết thúc chiến tranh và lên tiếng bất kỳ sự tấn công nào vào người dân Mỹ - chắc chắn sẽ bị đáp trả mạnh mẽ.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Joe Biden cũng tuyên bố tiếp tục chống lại chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu, khẳng định Mỹ sẽ luôn "truy lùng khủng bố ở bất cứ đâu trong hiện tại, chứ không phải ở hai thập niên trước".
"Đây là lựa chọn giữa việc từ bỏ và leo thang. Tôi không muốn cuộc chiến này kéo dài mãi mãi", Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Ông Biden cũng ca ngợi "thành công phi thường của sứ mệnh này", xem nỗ lực sơ tán là một thành tựu lịch sử.
Ben Rhodes, nguyên Phó cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ đối mặt với hai vấn đề cấp bách trong thời gian tới, bao gồm khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Afghanistan và cuộc chiến chống khủng bố ở vùng đất vốn dĩ từ lâu đã là nơi trú ngụ cho phần tử khủng bố.
Liên hợp quốc cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
"Cuộc khủng hoảng trước mắt là hiện thực hàng ngày của hàng triệu người dân Afghanistan... Chúng ta không thể quay lưng lại. Cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều mới chỉ bắt đầu", ông Filippo Grandi – Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn nói.
Giới phân tích cho rằng quá trình rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan không chỉ là điểm kết thúc cho cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ mà còn báo hiệu các thách thức mới mà Washington có thể phải đối mặt trong thời gian tới.