Bước ngoặt đưa Ấn Độ vào hành trình ngăn chặn thảm họa khí hậu
Sa mạc Thar bang Rajasthan của Ấn Độ được xem là điểm lý tưởng để xây dựng trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.
Hành trình khó khăn
Theo hãng CNN, nhiệt độ ở sa mạc Thar thuộc bang Rajasthan của Ấn Độ luôn ở mức 48 độ C. Ngay cả khi nhiệt độ giảm thì những cơn gió nóng quét qua cũng khiến vùng sa mạc trở nên nóng nực và vô cùng khó chịu. Đất bạc màu, khan hiếm nước. Sa mạc Thar gần như không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của con người nhưng lại là điểm lý tưởng để xây dựng trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.
Công viên năng lượng mặt trời Bhadla ở bang Rajasthan là biểu tượng cho tham vọng đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc về năng lượng xanh. Đến năm 2030, Thủ tướng Ấn Độ Modi muốn 1/2 năng lượng của nước này là từ năng lượng tái tạo. Đây là mục tiêu to lớn và tham vọng của nhà phát thải carbon lớn thứ ba thé giới. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này sẽ cần đến hàng nghìn tỷ đô la và những quyết định khó khăn từ chính quyền Thủ tướng Modi.
Trong khi năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh hơn ở Ấn Độ so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác trên thế giới thì quốc gia này vẫn phụ thuộc vào than đá nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Than đá cũng chiếm hơn 80% tổng sản lượng năng lượng quốc gia. Giới chức trách Ấn Độ cho biết nước này vẫn phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch mặc dù gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường lớn. Trong quá khứ, Ấn Độ đã sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, một phần nguyên nhân khiến Trái đất nóng lên. Vấn đề này từng bị chỉ trích trong các cuộc họp về khí hậu trên toàn cầu.
Giữa bối cảnh này, Chính quyền Thủ tướng Modi đã đặt ra mục tiêu cao cả, trong đó nhấn mạnh đến nỗ lực vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện mục tiêu trung hòa carbon. Trước những thách thức gây ra từ nhiên liệu hóa thạch, Bộ trưởng Bộ Điện lực Ấn Độ Raj Kumar Singh đã công bố kế hoạch bổ sung 56 giggawatt điện than vào năng lượng Ấn Độ tới năm 2030 đồng thời tiếp tục đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặt ra tính cần thiết ưu tiên của loại năng lượng này vì sự phát triển của đất nước.
Theo dữ liệu do EU thu thập, Ấn Độ ước tính đã thải ra hơn 2,4 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm. Phân tích các kế hoạch của Tổ chức Theo dõi Hành động Khí hậu cho rằng mục tiêu mà quốc gia này đặt ra sẽ chưa đủ sức để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức chỉ 1,5 độ C - ngang với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. Các chuyên gia khoa học khí hậu cho rằng sự nóng lên vượt quá ngưỡng cho phép sẽ gây ra thiệt hại không thể phục hồi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.
"Là một trong những quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Ấn Độ đóng vai trò quan trọng để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình của cả thế giới ở 1,5 độ C", ông Hannah Fekete, đồng sáng lập của Viện NewClimate cho biết. Và hiện tại, dù bang Rajasthan, Ấn Độ đang trở thành tâm điểm phát triển năng lượng mặt trời nhưng cũng là nơi sở hữu tới 7 nhà máy nhiệt điện than.
Theo Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2021, bang Rajasthan, Ấn Độ chỉ cách công viên mặt trời Bhadla một khoảng cách không xa nhưng lại một trong 4 những khu vực ô nhiễm nhất thế giới. Vào bất kỳ ngày nào, bang Rajasthan cũng bị bao phủ trong lớp bụi màu xám và tro của đốt than.
Lựa chọn chi phí tốn kém
Theo báo cáo về Biến đổi khí hậu từ Đại học Yale, 81% người dân Ấn Độ tham gia khảo sát đều lo lắng trước sự nóng lên toàn cầu, trong đó 50% người nói rằng họ thực sự rất lo lắng. Khoảng 64% nói rằng chính phủ nên làm nhiều hơn nữa để giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu. Bức tranh biến đổi khí hậu do lượng khí thải lớn được nhìn thấy rõ hơn trong bối cảnh dân số đông ở Ấn Độ. Tại Delhi, thành phố ô nhiễm thứ tư trên thế giới, mọi người đang tận mắt chứng kiến những tác động xấu của việc tiêu thụ than trên khắp đất nước.
"Chúng tôi thất vọng khi nhìn vào các thành phố khác, nơi không có ô nhiễm còn chúng tôi thì không thể. Ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ. Chúng tôi sẽ gặp vấn đề về sức khỏe, vấn đề về hô hấp và tuổi thọ của chúng tôi sẽ bị cắt ngắn", Rohit Sharma, người dân Ấn Độ nói.
Trong bối cảnh này, Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường năng lượng tái tạo. Báo cáo năm 2022 từ Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi cho biết năng lượng tái tạo của Ấn Độ đã tăng đáng kể gần 3% từ năm 2019 đến năm 2021.
Ông Nandini Das, nhà phân tích chính sách và nghiên cứu năng lượng tại Viện nghiên cứu Climate Analytics cho rằng Ấn Độ đã ghi nhận "sự gia tăng bền vững" trong việc lắp đặt năng lượng tái tạo. Ngay cả trong Covid, nước này vẫn chưa dừng lại.
Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ đang trên hành trình đi tới mục tiêu không sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng cách tăng năng lượng hạt nhân và thủy điện. Tuy nhiên, mục tiêu ngắn hạn của đất nước, chẳng hạn như đảm bảo 175 gigawatt năng lượng tái tạo vào cuối năm 2022 đủ để cung cấp cho khoảng 131 triệu hộ gia đình – được cho là rất khó đạt được. Một báo cáo của S&P Global vào đầu năm nay cho biết Ấn Độ có thể không đạt được mục tiêu trong năm 2022, một phần do nước này vẫn thiếu cam kết rõ ràng trong việc loại bỏ dần than. Và một phần cũng là vì chi phí rất tốn kém.
Các quốc gia phát triển sẽ cần phải hỗ trợ khoảng 100 tỷ đô la mỗi năm cho các quốc gia đang phát triển nhằm giúp cắt giảm lượng khí thải và thích ứng với cuộc khủng hoảng khí hậu. Mục tiêu đó chưa bao giờ được đáp ứng. Tại Ấn Độ, dự án Công viên năng lượng mặt trời Bhadla đã giúp tiểu bang Rajasthan vượt qua mục tiêu về năng lượng tái tạo, nhưng các chuyên gia nói rằng thành công này chưa đủ đáp ứng ở quy mô lớn./.