BRICS mở rộng định hình trật tự toàn cầu mới

Hội nghị BRICS 2025 không chỉ là dịp để các quốc gia thành viên tái khẳng định cam kết hợp tác, mà còn là bước đi chiến lược nhằm định hình lại trật tự kinh tế - chính trị toàn cầu theo hướng đa cực và bao trùm hơn.

Với sự tham dự của lãnh đạo từ hơn 15 quốc gia thành viên và đối tác mới, hội nghị đã đưa ra hàng loạt tuyên bố chung đáng chú ý, bao gồm việc mở rộng sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại, tăng cường vai trò của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và thúc đẩy cơ chế hợp tác an ninh trong khuôn khổ "BRICS+". Những kết quả này không chỉ phản ánh tiếng nói ngày càng mạnh mẽ của Nam bán cầu, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng về tương lai của hệ thống tài chính và quyền lực toàn cầu.

Tăng cường ảnh hưởng địa chính trị

Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025 tại Brazil đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của nhóm các nền kinh tế mới nổi, với việc khối này chính thức mở rộng từ 5 lên 11 thành viên. Từ một nhóm ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, BRICS nay đã chào đón thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út và Argentina. Điều này không chỉ tạo ra một khối kinh tế khổng lồ – chiếm gần 45% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu – mà còn khẳng định tham vọng của BRICS trong việc tái cấu trúc trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu. Lãnh đạo BRICS cũng nhất trí tiếp tục mời thêm 13 quốc gia vào cơ chế đối tác BRICS+.

Các quốc gia này được xem là “vòng ngoài chiến lược”, có khả năng mở rộng tầm ảnh hưởng của khối đến Đông Nam Á, Trung Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Với mạng lưới quan hệ rộng khắp, BRICS đang xây dựng hình ảnh của một tổ chức đại diện cho tiếng nói của Global South – những nền kinh tế đang phát triển đang khao khát một hệ thống toàn cầu công bằng hơn, đa cực hơn.

BRICS đang bước vào một giai đoạn mở rộng mạnh mẽ cả về quy mô lẫn ảnh hưởng địa chính trị. Hơn 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, dưới hình thức thành viên chính thức hoặc đối tác hợp tác, cho thấy sức hút ngày càng lớn của nhóm trong vai trò là tiếng nói đại diện cho các nước đang phát triển thuộc Nam bán cầu. Việc mở rộng này không chỉ tạo nên sức nặng ngoại giao đáng kể, mà còn góp phần thúc đẩy làn sóng cải cách toàn cầu, khi BRICS tiếp tục kêu gọi điều chỉnh cơ cấu các thể chế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để phản ánh đúng thực tế đa cực của thế kỷ XXI.

Chính tại địa điểm này, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã được tổ chức vào năm ngoái. Phần lớn những thành công đạt được khi đó là nhờ sự tham gia mang tính xây dựng của các nước BRICS. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình quốc tế đã xấu đi đến mức một số sáng kiến mà chúng ta từng thông qua khi đó giờ đây sẽ không còn khả thi nữa."

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva.

Để cụ thể hóa yêu cầu cải cách, ông Lula đề xuất quyền biểu quyết của các nước BRICS tại IMF cần được tăng lên mức tối thiểu 25%, thay vì 18% như hiện tại.

Phát biểu qua cầu truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi đi thông điệp rõ ràng về sự chuyển dịch địa chính trị toàn cầu.

Chúng ta đều thấy rằng những thay đổi căn bản đang diễn ra trên thế giới. Hệ thống quan hệ quốc tế đơn cực đang dần trở thành lạc hậu. Nó đang được thay thế bởi một thế giới đa cực, công bằng hơn. Quá trình thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu đang tăng tốc. Mọi dấu hiệu đều cho thấy mô hình toàn cầu hóa tự do đã lỗi thời. Trung tâm của các hoạt động kinh doanh đang dịch chuyển về phía các thị trường đang phát triển.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuyên bố chung thể hiện lập trường cứng rắn của BRICS về một loạt vấn đề quốc tế. Nhóm đã lên án các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự và các cơ sở hạt nhân hòa bình của Iran, coi đó là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Đồng thời, BRICS bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình tại Gaza, kêu gọi bảo vệ người dân Palestine khỏi các hành động quân sự của Israel. Ngoài ra, nhóm cũng lên án một vụ tấn công khủng bố xảy ra ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Trên phương diện kinh tế, BRICS cảnh báo rằng xu hướng gia tăng thuế quan đang đe dọa nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu – một động thái được nhiều người xem là chỉ trích gián tiếp chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đặt nền móng cho hệ thống tiền tệ mới

Bên cạnh mục tiêu mở rộng địa chính trị, BRICS cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính độc lập với phương Tây – đặc biệt là đồng USD. Điều này được cụ thể hóa qua hai trụ cột quan trọng: phi đô la hóa và tăng cường hợp tác tài chính nội khối. Một trong những nội dung nổi bật nhất của hội nghị BRICS 2025 là việc đẩy mạnh triển khai hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nội tệ.

Trọng tâm là sáng kiến BRICS Pay – một nền tảng thanh toán kỹ thuật số cho phép các quốc gia thành viên giao dịch mà không cần thông qua hệ thống SWIFT hay đồng USD. Hệ thống này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ các lệnh trừng phạt tài chính, đồng thời tăng cường khả năng tự chủ tiền tệ cho các nước đang phát triển.

Song hành cùng BRICS Pay là sáng kiến BRICS Clear – hệ thống thanh toán bù trừ nhằm đơn giản hóa quy trình giao dịch, nâng cao tính minh bạch và giảm chi phí tài chính. Đây được xem là một bước tiến dài trong tham vọng hình thành hệ thống tài chính riêng của BRICS, tách biệt với những quy chuẩn truyền thống do phương Tây áp đặt.

Ngân hàng Phát triển Mới, vốn được thành lập từ năm 2014, nay đóng vai trò ngày càng lớn trong việc tài trợ các dự án hạ tầng, năng lượng tái tạo và khí hậu ở các nước thành viên. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu hạ tầng ngày càng cao ở các nước đang phát triển, NDB được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hiệu quả thay thế phần nào vai trò của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Mối quan hệ hoạt động của chúng tôi dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa các thành viên, bảo đảm rằng không có quốc gia nào chi phối và mọi tiếng nói đều được lắng nghe. Ngân hàng không áp dụng quyền phủ quyết."

Bà Dilma Rousseff - Chủ tịch Ngân hàng Phát triển BRICS

Các cơ chế tài chính mới cũng được đề xuất như: Quỹ tái bảo hiểm nội khối nhằm giảm sự phụ thuộc vào các công ty bảo hiểm phương Tây, hay các nền tảng tín dụng song phương giữa các nước BRICS+. Một số quốc gia như Nga và Trung Quốc đã tiến hành ký kết các thỏa thuận thanh toán bằng đồng nội tệ, chẳng hạn rúp – nhân dân tệ, hoặc real – nhân dân tệ, thay vì sử dụng đồng USD.

Mặc dù các bước đi này chưa thể thay thế ngay lập tức hệ thống tài chính toàn cầu, nhưng đã cho thấy một quá trình định hình rõ ràng và có chiều sâu của BRICS trong việc tạo dựng một trật tự tiền tệ mới. Theo các chuyên gia tài chính, điều quan trọng không phải là BRICS có thể loại bỏ USD hay không, mà là họ đang dần xây dựng một lựa chọn thay thế đáng tin cậy, ít nhất là cho các giao dịch nội khối.

Trí tuệ nhân tạo hướng đến một trật tự số công bằng

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025 vừa diễn ra ở Brazil, các quốc gia thành viên không chỉ tập trung vào mở rộng tổ chức và củng cố tầm ảnh hưởng chính trị – kinh tế, mà còn đặt nền móng vững chắc cho hợp tác sâu rộng trong hai lĩnh vực then chốt của thế kỷ XXI: trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo vệ môi trường. Đây được coi là những trụ cột mới giúp BRICS định hình vị thế toàn cầu trong một thế giới ngày càng phức tạp và chịu nhiều biến động do cách mạng công nghệ cũng như khủng hoảng khí hậu.

Lĩnh vực công nghệ cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu tại hội nghị năm nay. Trong một tuyên bố riêng về trí tuệ nhân tạo (AI), lãnh đạo BRICS nhấn mạnh cần thiết phải bảo vệ dữ liệu cá nhân trước nguy cơ bị thu thập trái phép và yêu cầu thiết lập các cơ chế thanh toán công bằng khi sử dụng AI và dữ liệu liên quan. Tuyên bố này được xem là phản ứng chủ động trước làn sóng phát triển AI toàn cầu, đồng thời thể hiện mong muốn định hình các nguyên tắc ứng xử trong không gian số theo hướng công bằng và nhân văn hơn.

Bằng việc thông qua tuyên bố về quản trị trí tuệ nhân tạo, BRICS đã gửi đi một thông điệp rõ ràng và dứt khoát: các công nghệ mới phải vận hành trong một mô hình quản trị công bằng, toàn diện và bình đẳng."

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva.

Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi căn bản cách thức vận hành của nền kinh tế, xã hội và cả quốc phòng – an ninh. Trong tuyên bố riêng về AI, các nhà lãnh đạo BRICS khẳng định quan điểm chung: AI cần được phát triển có trách nhiệm, đặt con người làm trung tâm và không phục vụ cho mục đích thống trị công nghệ toàn cầu. BRICS kêu gọi xây dựng khuôn khổ quốc tế về quản trị AI, trong đó đảm bảo các nguyên tắc công bằng, minh bạch, và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cụ thể, các nước BRICS yêu cầu:

• Ngăn chặn việc thu thập dữ liệu cá nhân trái phép;

• Thiết lập cơ chế chi trả công bằng khi AI sử dụng dữ liệu từ người dùng;

• Phát triển AI theo hướng đóng góp vào phát triển bền vững, thay vì chỉ phục vụ lợi nhuận.

Động thái này được xem là phản ứng trực tiếp trước nguy cơ AI bị các tập đoàn công nghệ lớn khai thác quá mức, đồng thời thể hiện rõ quan điểm độc lập của BRICS trước xu hướng công nghệ do phương Tây dẫn dắt.

Không chỉ dừng lại ở tuyên bố, các nước BRICS đã thống nhất xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu và chia sẻ dữ liệu AI trong nội khối. Trung Quốc và Ấn Độ – hai quốc gia đi đầu trong phát triển AI tại châu Á – cam kết sẽ hỗ trợ các nước thành viên khác trong đào tạo chuyên gia, xây dựng cơ sở hạ tầng số và triển khai thí điểm các ứng dụng AI trong nông nghiệp, y tế và giáo dục. Việc thúc đẩy AI trong BRICS còn được kỳ vọng tạo ra một hệ sinh thái công nghệ độc lập với các nền tảng phương Tây, góp phần đa cực hóa không gian số toàn cầu.

Định hình một mô hình phát triển xanh và công bằng

Song song với trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu là một thách thức mang tính sống còn đối với nhân loại, đặc biệt là các nước đang phát triển vốn dễ tổn thương hơn trước thiên tai, hạn hán và suy thoái tài nguyên. BRICS đã thể hiện vai trò tiên phong bằng cách tích cực lồng ghép các cam kết khí hậu vào chiến lược phát triển chung.

Tại hội nghị, Brazil – quốc gia chủ nhà và cũng là nơi sẽ tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) vào cuối năm – đã cùng các đối tác BRICS thúc đẩy Sáng kiến Quỹ Bảo tồn Rừng Nhiệt đới Toàn cầu. Quỹ này nhằm bảo vệ các hệ sinh thái nhiệt đới quan trọng như Amazon, Congo và rừng mưa Đông Nam Á – nơi lưu trữ hàng tỷ tấn carbon và là lá phổi xanh của hành tinh.

Sự phủ nhận biến đổi khí hậu và chủ nghĩa đơn phương đang bào mòn những tiến bộ trong quá khứ và phá hoại tương lai của chúng ta. Các nước đang phát triển sẽ là những bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Họ cũng là những quốc gia có ít nguồn lực nhất để thực hiện các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng. Tuyên bố BRICS về tài chính khí hậu, mà chúng tôi vừa thông qua hôm nay, đưa ra các nguồn lực cần thiết và những mô hình thay thế cho việc tài trợ khí hậu."

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva.

Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã khẳng định ý định đầu tư vào sáng kiến này, đồng thời đề xuất lồng ghép AI trong giám sát rừng, phát hiện cháy rừng, kiểm soát khai thác bất hợp pháp và tối ưu hóa bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS cũng thông báo mở rộng tài trợ cho các dự án tài chính khí hậu, tập trung vào năng lượng tái tạo, giao thông công cộng sạch và chuyển đổi công nghiệp xanh. Các khoản vay ưu đãi sẽ được cấp cho những nước thành viên thực hiện tốt các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, thông qua hệ thống đánh giá minh bạch và công bằng.

Đặc biệt, các quốc gia BRICS cam kết sẽ không hy sinh phát triển vì môi trường, mà tích hợp hai yếu tố này một cách hài hòa, lấy công nghệ và hợp tác Nam – Nam làm động lực. Đây được xem là thông điệp khác biệt với nhiều nước phát triển, vốn đã đi qua giai đoạn công nghiệp hóa gây ô nhiễm nặng nề, nhưng hiện lại áp đặt chuẩn mực môi trường nghiêm ngặt cho các nước nghèo.

Thông qua hợp tác về trí tuệ nhân tạo và bảo vệ môi trường, BRICS đang chứng minh rằng mình không chỉ là một khối kinh tế – chính trị, mà còn là một lực lượng kiến tạo trật tự mới: nơi công nghệ gắn với đạo đức, phát triển đi liền với công bằng, và môi trường trở thành nền tảng cho sự bền vững lâu dài. BRICS đang định hình một mô hình tăng trưởng mới: thông minh, xanh và bao trùm, xứng đáng là tiếng nói của thế giới đang phát triển trong thế kỷ XXI.

Từ một nhóm hợp tác được coi là khá lỏng lẻo lúc ban đầu, BRICS đang từng bước định hình một liên minh kinh tế – chính trị có ảnh hưởng ngày càng lớn trên bản đồ toàn cầu. Việc mở rộng thành viên và xây dựng hệ thống tài chính độc lập với phương Tây không chỉ là dấu hiệu của sự trỗi dậy từ phía Nam toàn cầu, mà còn là thách thức trực diện đối với trật tự thế giới đơn cực hiện tại. Dù còn nhiều thách thức về thể chế và tính thống nhất, nhưng nếu duy trì được tốc độ mở rộng có kiểm soát, BRICS có thể thực sự trở thành một trụ cột của trật tự toàn cầu mới – nơi tiếng nói của các nước đang phát triển không chỉ được lắng nghe, mà còn định hình tương lai.

Hiền Thảo

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/brics-mo-rong-dinh-hinh-trat-tu-toan-cau-moi-345576.htm