Bước ngoặt lớn của Nhật Bản trong chính sách quốc phòng

Với 3 văn kiện an ninh mà chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio vừa công bố, Nhật Bản đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong chiến lược an ninh thời hậu chiến.

Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vừa thông qua 3 văn kiện an ninh quan trọng của quốc gia, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách quốc phòng thời hậu chiến của Nhật Bản. Nhật Bản đang trong quá trình trở lại “một quốc gia bình thường” về lâu dài bằng cách cho phép quốc gia này sở hữu - và khả năng sử dụng - các khả năng có thể phản công các căn cứ tên lửa của đối phương trong trường hợp Tokyo bị tấn công vũ trang.

Tokyo “đang ở giữa môi trường an ninh phức tạp và nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II”, văn kiện Chiến lược An ninh Quốc gia mới (NSS) chỉ ra, được đặt ở đầu ba tài liệu. Văn kiện này nhấn mạnh thêm rằng “với tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP), điều đặc biệt quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản là hợp tác với các đồng minh và các quốc gia có cùng chí hướng để bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực”. Những quốc gia được đề cập trong NSS là Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada, New Zealand, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á…

Hai văn kiện khác là Chiến lược Quốc phòng (NDS) và Chương trình Xây dựng Quốc phòng (DBP), lần đầu tiên được thông qua cùng với NSS. Ba tài liệu này sẽ định hình chiến lược tổng thể, chính sách quốc phòng và các mục tiêu mua sắm quốc phòng của Nhật Bản.

NSS cung cấp hướng dẫn chiến lược cấp cao nhất của quốc gia về ngoại giao, quốc phòng, an ninh kinh tế, công nghệ, mạng và tình báo trong thập kỷ tới. Đây là sửa đổi lần đầu tiên kể từ NSS được đưa ra vào tháng 12.2013.

NDS, chính thức được gọi là Hướng dẫn Chương trình Phòng thủ Quốc gia, đặt ra các mục tiêu quốc phòng và đưa ra các cách thức và phương tiện để đạt được các mục tiêu đó. DBP, trước đây được gọi là Chương trình Phòng thủ Trung hạn, đưa ra tổng chi tiêu quốc phòng và khối lượng mua sắm các thiết bị chính trong vòng 5 - 10 năm tới.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Nguồn: Reuters

Tài liệu của DBP sẽ cho thấy Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng lên 43.000 tỷ Yên (314 tỷ USD) từ năm tài chính 2023 đến 2027. Đây là mức tăng 56,5% so với mức 27,47 nghìn tỷ Yên trong kế hoạch 5 năm hiện tại, bao gồm từ năm tài chính 2019 - 2023. Điều này sẽ làm tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản lên mức tiêu chuẩn của NATO là 2% GDP quốc gia vào năm 2027. Việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ cho phép Nhật Bản mua nhiều tên lửa có thể được sử dụng để phản công, bao gồm cả tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất.

Bước ngoặt về chính sách định hướng phòng thủ độc quyền

Lý do mà Nhật Bản đưa ra để tăng cường khả năng phản công là vì khả năng tấn công tên lửa trong khu vực đã được cải thiện đáng kể cả về chất lượng và số lượng, vì vậy Tokyo buộc phải tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa. Các quan chức Nhật Bản cho biết, nếu Nhật Bản tiếp tục chỉ dựa vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD), thì nước này sẽ không thể đối phó với các mối đe dọa tên lửa.

Các quan chức Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng, khả năng phản công nằm trong phạm vi của Hiến pháp Nhật Bản theo chủ nghĩa hòa bình và luật pháp quốc tế, và sẽ không thay đổi khái niệm về chính sách định hướng phòng thủ độc quyền, được gọi là senshu boei trong tiếng Nhật. Họ cũng chỉ ra rằng bất kỳ khả năng tấn công nào sẽ chỉ được sử dụng trong một tình huống đáp ứng cái gọi là “3 điều kiện”. Sẽ không có thay đổi nào trong quy định cấm tấn công phủ đầu của Nhật Bản.

3 điều kiện để Tokyo sử dụng tên lửa phản công là: khi một cuộc tấn công vũ trang chống lại Nhật Bản hoặc một quốc gia nước ngoài có quan hệ thân thiết với Tokyo đe dọa đến sự tồn vong của quốc gia Nhật Bản, nếu không có biện pháp thích hợp nào khác để loại bỏ mối đe dọa đó, và nếu việc sử dụng vũ lực được giới hạn ở mức cần thiết tối thiểu.

Thách thức chiến lược lớn nhất

Phiên bản cập nhật của NSS mô tả Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất” đối với Nhật Bản, trong khi phiên bản NSS năm 2013 chỉ gọi các hành động của Trung Quốc là “vấn đề gây quan ngại đối với cộng đồng quốc tế”.

Đáng chú ý, Nhật Bản đã tránh chỉ định Trung Quốc là một “mối đe dọa” ngay cả trong các tài liệu cập nhật. Nguyên nhân là Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền có sự cân nhắc chính trị đối với đối tác liên minh cấp dưới của họ, Komeito, được hỗ trợ bởi Soka Gakkai, nhóm cư sĩ Phật giáo lớn nhất của Nhật Bản. Về mặt lịch sử, tổ chức tôn giáo này có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh khi giúp đặt nền móng cho Thủ tướng lúc đó là Tanaka Kakuei và Bộ trưởng Ngoại giao của ông, Ohira Masayoshi, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1972.

Ngoài ra, ông Kishida, vốn theo truyền thống ôn hòa hơn và ủng hộ can dự hơn với các nước láng giềng của Nhật Bản - đã nhiều lần nói: “điều quan trọng là phải xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc”.

Tại cuộc họp báo trước khi phát hành được tổ chức vào ngày 13.12, phóng viên đã đặt câu hỏi: “tại sao tài liệu không chỉ rõ Trung Quốc là một mối đe dọa?”. Đáp lại, một quan chức cấp cao của Ban Thư ký Nội các nhấn mạnh rằng chính phủ Nhật Bản cần nhìn Trung Quốc từ nhiều khía cạnh. “Trong khi Nhật Bản phải phát triển khả năng phòng thủ của mình bằng cách theo dõi chặt chẽ các mục tiêu quốc gia, xu hướng quân sự và khả năng quân sự của Trung Quốc, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, vì vậy chúng ta cần khuyến khích họ tham gia vững chắc vào khuôn khổ quốc tế. Khi xem xét các khía cạnh khác nhau như quân sự, kinh tế và ngoại giao, không nên chỉ đơn giản sử dụng từ mối đe dọa đối với Trung Quốc”, quan chức này nói.

“Chúng tôi gọi Trung Quốc là thách thức chiến lược lớn nhất chưa từng có, nhưng chiến lược đó cũng có nghĩa là chúng ta phải xem xét nó từ các khía cạnh khác nhau", quan chức này nói thêm.

Ngoài ra, quan chức Ban Thư ký Nội các chỉ ra rằng ngay cả trong Chiến lược An ninh Quốc gia do chính phủ Hoa Kỳ công bố vào tháng 10, Trung Quốc đã được xác định là “thách thức địa chính trị nghiêm trọng nhất của Hoa Kỳ”. Quan chức này cho biết Nhật Bản và Hoa Kỳ đang hợp tác với nhau về các tài liệu quan trọng.

Đúng là một khuôn khổ nhị nguyên - chẳng hạn như coi một quốc gia khác là “mối đe dọa” hoặc “không phải là mối đe dọa” - có xu hướng khuấy động sự đối đầu và bất ổn. Thuyết nhị nguyên, đặc biệt khi đan xen với các vấn đề lãnh thổ và lịch sử, có thể dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước ở mỗi quốc gia và đánh mất sự tự chủ.

Mặt khác, cũng đúng là một thái độ mơ hồ sẽ làm suy yếu khả năng răn đe đối với các quốc gia khác và có thể làm tăng nguy cơ xung đột. Một chiến lược mơ hồ có thể gây ra hiểu lầm và xung đột bất ngờ, dẫn đến những tình huống nguy hiểm. Ngược lại, một chiến lược rõ ràng dễ lan tỏa đến các thể chế quốc gia và tăng cường khả năng thực thi chính sách, đồng thời tăng tính minh bạch bên trong và bên ngoài.

Hoa Kỳ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có cả ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó”. Washington đã định vị thập kỷ tới - cũng là thời kỳ được đề cập trong ba tài liệu an ninh mới của Nhật Bản. Và đây sẽ là một giai đoạn quan trọng. Nhật Bản nên đối phó với Trung Quốc như thế nào? Đất nước Mặt trời mọc sẽ tiếp tục vật lộn với câu hỏi đó rất nhiều trong thập kỷ tới.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/buoc-ngoat-lon-cua-nhat-ban-trong-chinh-sach-quoc-phong-i312558/