Bước ngoặt lớn trong năm 2020

Quyết định số 242/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho đề án 'Cơ cấu lại thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025' có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược dài hạn cho sự phát triển của TTCK nước ta. Ngoài các mục tiêu chiến lược về phát triển TTCK và gia tăng tỷ trọng dân số tham gia đầu tư, đề án này cho thấy một sự quan tâm đặc biệt đến ngành ngân hàng.

Nhiều khó khăn đối với các ngân hàng

Đối với TTCK, mục tiêu chung của đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để thị trường này trở thành kênh dẫn vốn trung hạn và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, đề án đưa ra 8 giải pháp cơ cấu lại TTCK, trong đó nhấn mạnh thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK chính thức.

 Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Các chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, việc yêu cầu 100% ngân hàng phải niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán chậm nhất vào năm 2020 có thể gặp nhiều khó khăn, khi mà một số ngân hàng TMCP vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Hiện nay, trong số 31 ngân hàng TMCP thì chỉ mới có 17 ngân hàng, tương đương tỷ lệ 55% đã chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Vấn đề mấu chốt được đặt ra là chỉ còn hơn một năm nữa để 14 ngân hàng còn lại phải hoàn thành mục tiêu niêm yết chính thức, một nhiệm vụ không hề dễ dàng nếu xét đến bối cảnh trong quá khứ cũng như tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, lộ trình áp dụng Hiệp ước về vốn Basel II cũng sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020. Như vậy, các ngân hàng TMCP sẽ phải đối mặt với việc thực hiện hai nhiệm vụ khó khăn trong cùng một năm, điều này quả thực không đơn giản. Hiện tại, có 9 tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, trở thành những nhà băng đầu tiên được áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại Việt Nam, gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)...

Đẩy mạnh minh bạch hóa thông tin

Việc niêm yết trên sàn chứng khoán cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải có trách nhiệm công bố thông tin hoạt động rõ ràng và thường xuyên hơn. Qua đó, giúp thị trường, nhà đầu tư và người gửi tiền có cơ hội đánh giá đầy đủ, chuẩn xác hơn hiệu quả hoạt động của từng ngân hàng. Khi đó, để tránh các rủi ro ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu, các ngân hàng này phải luôn tìm cách nâng cao uy tín, thương hiệu và kiểm soát chặt chẽ hơn những rủi ro, vi phạm trong hoạt động. Ngoài ra, việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được với số lượng lớn các nhà đầu tư, từ đó có điều kiện để tăng thêm vốn, không chỉ là từ các cổ đông hiện hữu, các nhà đầu tư cá nhân mà còn có thể thu hút cả những nhà đầu tư quốc tế, khi việc niêm yết về dài hạn buộc các ngân hàng phải chuẩn hóa hoạt động, báo cáo thông tin theo tiêu chí quốc tế.

Theo dự báo gần đây của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's, huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ là tâm điểm trong năm 2019 do hầu hết ngân hàng Việt Nam đang cần tăng vốn để bảo đảm đáp ứng quy định theo chuẩn Basel II đặt ra tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Ngoài ra, rất nhiều ngân hàng còn khung hạn mức cho nhà đầu tư ngoại, đặc biệt với những ngân hàng có kế hoạch niêm yết trong năm nay sẽ tranh thủ gọi vốn nước ngoài để gia tăng năng lực tài chính, mở rộng hoạt động. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51%. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư nước ngoài, lâu nay vẫn mong muốn có một tỷ lệ sở hữu mà họ có quyền quyết định nhiều hơn khi gia nhập vào ngành tài chính-ngân hàng Việt Nam.

Chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay: "Về phía các ngân hàng thương mại, cần đưa ra dự báo tài chính đối với đối tác nước ngoài về việc sử dụng đồng vốn của nhà đầu tư. Các ngân hàng phải có phương án sử dụng dòng tiền đó cho việc tăng trưởng tài sản của ngân hàng và cho vay bao nhiêu? Sử dụng tiền đó trên hệ thống liên ngân hàng thế nào? Bổ sung tài sản cố định, tiền sử dụng để xây dựng chi nhánh, mua bất động sản, đầu tư công nghệ thông tin ra sao?... Bên cạnh đó, khi nhà đầu tư rót tiền vào thì liệu ngân hàng có đáp ứng được ROI (tỷ suất hoàn vốn) để thuyết phục các đối tác ngoại hay không. Đó là bài toán phải cân nhắc rất kỹ”.

Bảo đảm quyền lợi của cổ đông

Một vấn đề cũng cần được đặc biệt xem xét kỹ lưỡng, đó là việc bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư. Bên cạnh các ngân hàng thường xuyên chi trả cổ tức hằng năm cho cổ đông, như: Vietcombank, VPBank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… vẫn còn một số ngân hàng trên TTCK bị nhà đầu tư phàn nàn do nhiều năm liền không nhận được đồng tiền cổ tức nào. Áp lực nợ vay, thiếu hụt vốn lưu động, thua lỗ hoặc có lãi nhưng giữ lại không chia cổ tức để dành vốn phát triển kinh doanh... là những lý do được các ngân hàng này đưa ra để lý giải cho việc không trả cổ tức cho cổ đông.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã kết luận, trong bối cảnh TTCK có nhiều biến động và rủi ro khó lường như hiện nay, việc trả cổ tức bằng tiền mặt cao (hợp lý và bảo đảm tình hình tài chính lành mạnh của doanh nghiệp) sẽ có tác dụng thu hút nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào TTCK. Bên cạnh đó, một chính sách cổ tức tốt không thể đứng độc lập mà cần phải phối hợp với chính sách đầu tư tiềm năng tương lai của ngân hàng. Các ngân hàng cần xây dựng một chính sách cổ tức ổn định nhằm tạo tâm lý an tâm cho cổ đông, có như vậy thì cổ phiếu của các ngân hàng ở Việt Nam mới tạo ra sức hút đối với nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, mặc dù là một thị trường còn trẻ, nhưng TTCK Việt Nam đã đạt tốc độ phát triển tương đối nhanh. Tính đến hết quý II-2019, mức vốn hóa thị trường đạt hơn 189 tỷ USD, tăng 9,8% so với cuối năm 2018, tương đương 78,5% GDP. Cùng với đó, TTCK nước ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài. Từ năm 2016 đến nay, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài liên tục vào ròng ở mức khá cao, trung bình 1,98 tỷ USD/năm.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/buoc-ngoat-lon-trong-nam-2020-599009