Bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Syria
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa - người từng bị chính Washington liệt vào danh sách khủng bố và truy nã gắt gao - trong chuyến công du Trung Đông cho thấy bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Syria vốn bị bao phủ bởi sự thù địch và đối đầu suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Cuộc gặp lịch sử đầy bất ngờ
Trong chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14-5 đã có cuộc gặp được mô tả là lịch sử và không được dư luận biết trước với Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa - người từng bị chính
Washington liệt vào danh sách khủng bố và truy nã gắt gao - tại Thủ đô Riyadh của Arab Saudi. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trong 25 năm qua và được xem như bước ngoặt lớn trong quan hệ giữa Mỹ và Syria cũng như đối với chính phủ mới ở Syria trong bối cảnh đang phải tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Syria luôn ở trong trạng thái căng thẳng, đặc biệt là dưới thời của hai đời Tổng thống nhà Assad, cố Tổng thống Hafez al-Assad và con trai ông là Bashar al-Assad. Từ những năm 1970, Syria theo đuổi chính sách chống lại Israel, đồng minh then chốt của Mỹ tại Trung Đông. Damascus bị Washington liệt vào danh sách “quốc gia bảo trợ khủng bố” từ năm 1979, cáo buộc Syria hậu thuẫn cho các tổ chức như lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza của Palestine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Thủ đô Riyadh của Arab Saudi
Sự đối đầu lên tới đỉnh điểm trong cuộc nội chiến Syria nổ ra từ năm 2011. Mỹ nhiều lần công khai ủng hộ lực lượng đối lập, đồng thời áp đặt cấm vận, trừng phạt chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học và đàn áp dân thường. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đây từng tuyên bố “Assad phải ra đi”, trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên (2027-2021) sau này không chỉ duy trì quan điểm đó mà còn phát động không kích vào Syria.
Washington đã tiến hành hỗ trợ tài chính và vũ khí cho các nhóm nổi dậy được cho là “ôn hòa”, nhưng đôi khi lại bị chỉ trích vì hậu thuẫn gián tiếp cho các tổ chức cực đoan. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad coi sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền đông Syria là hành động xâm lược. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt từ năm 2012, 2 năm sau khi ông Bashar al-Assad lên cầm quyền.
Sau nhiều năm chìm trong nội chiến, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ vào tháng 12-2024 sau cuộc tấn công chớp nhoáng của các lực lượng vũ trang đối lập. Liên minh đối lập sau khi lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã thành lập chính phủ lâm thời do ông Ahmed al-Sharaa - người sáng lập và lãnh đạo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm vũ trang Hồi giáo ban đầu bị Mỹ và Nga coi là tổ chức khủng bố vì có liên hệ với cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lẫn al-Qaeda - làm Tổng thống lâm thời.
Trong thời kỳ nội chiến tại Syria, nhóm HTS của ông al-Sharaa từng bị cáo buộc có liên hệ với các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Chính quyền Mỹ thậm chí từng treo thưởng 10 triệu USD cho ai bắt hoặc tiêu diệt ông, coi ông là “mối đe dọa khủng bố”. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, chính phủ lâm thời do ông al-Sharaa đứng đầu đã tiến hành một loạt cải cách quan trọng, thể hiện nỗ lực hướng tới một nhà nước dân chủ, thế tục và ổn định. Họ lập tức ban hành luật ân xá, tổ chức bầu cử tự do cấp địa phương, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong tái thiết đất nước.
Sang trang quan hệ Mỹ - Syria
Chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Donald Trump, với điểm dừng chân đầu tiên tại Thủ đô Riyadh của Arab Saudi, là chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai (2025-2029). Việc Tổng thống Donald Trump chọn gặp gỡ Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại đây đã cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Washington đối với Syria.
Trước tiên, có thể thấy tình hình tại Syria sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ khiến khu vực và thế giới lo ngại về việc có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn như ở Libya sau khi Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ, chứ không thể chuyển mình thành một nhà nước ổn định nhờ sự hậu thuẫn quốc tế.
Mỹ với lợi ích chiến lược tại Trung Đông không muốn khoảng trống quyền lực ở Syria bị các đối thủ tại khu vực “rốn dầu” của thế giới như Iran hoặc cường quốc toàn cầu khác lấp đầy. Do đó, Washington bắt tay với chính quyền mới tại Syria dù người đứng đầu chính phủ lâm thời từng bị họ coi là khủng bố. Đây là lựa chọn chiến lược nhằm đảm bảo ảnh hưởng của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này sau thời chính quyền Bashar al-Assad.
Trên thực tế, tại Syria, ông al-Sharaa dù có quá khứ nằm trong “danh sách đen” của Mỹ lại là người tập hợp được các phe phái vũ trang khác nhau để giữ cho quốc gia này không rơi vào cuộc nội chiến mới. Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa và chính phủ lâm thời Syria đã cho thấy nỗ lực rõ rệt trong việc tách mình khỏi các tổ chức Hồi giáo cực đoan và hướng tới xây dựng một nhà nước hợp pháp, có thể đối thoại với cộng đồng quốc tế. Nhiều quan chức trong chính quyền mới có học vấn phương Tây, chủ trương thiết lập hệ thống pháp luật thế tục, đảm bảo quyền tự do tôn giáo và tự do báo chí. Chính quyền mới tại Syria cũng đồng ý để các tổ chức quốc tế vào Syria thực hiện hoạt động nhân đạo, đồng thời kêu gọi một lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc hỗ trợ quá trình chuyển tiếp.
Tín hiệu rõ ràng nhất trong việc thay đổi chính sách của Syria “hậu Assad” là việc ông al-Sharaa tuyên bố sẵn sàng xét lại các mối quan hệ quân sự với Iran và chấm dứt vai trò của các nhóm dân quân thân Tehran tại Syria. Đây là điểm Mỹ và các đồng minh Arab đặc biệt quan tâm, bởi Iran lâu nay bị xem là quốc gia đối chọi lợi ích của Mỹ tại khu vực.
Việc Tổng thống Donald Trump gặp Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa được xem là sự công nhận của Mỹ đối với chính thể hiện nay tại Syria, giúp hợp thức hóa chính phủ lâm thời, đồng thời tạo tác động, ảnh hưởng lên quá trình chuyển tiếp quyền lực tại Syria theo hướng có lợi cho lợi ích của Washington tại nước này cũng khu vực Trung Đông chiến lược. Vì thế, có thể nói cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Riyadh là khoảnh khắc biểu tượng cho sự chuyển dịch địa chính trị Trung Đông. Trong suốt 25 năm qua, chưa có Tổng thống Mỹ nào gặp trực tiếp một nhà lãnh đạo Syria. Cuộc gặp này, được tổ chức tại một quốc gia Arab đồng minh thân cận của Mỹ, cho thấy sự thay đổi mang tính bước ngoặt đáng chú ý với khu vực và thế giới.
Trong cuộc gặp kéo dài 90 phút, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa đã trao đổi xoay quanh chủ đề tái thiết Syria, lập kế hoạch bầu cử toàn quốc, viện trợ nhân đạo, và quan trọng nhất là giảm ảnh hưởng của Iran. Dù hai bên chưa ký kết thỏa thuận chính thức nào sau cuộc gặp, nhưng điều đó đã quá đủ để cho thấy quan hệ Mỹ - Syria đã sang trang.
Tất nhiên, tương lai quan hệ Mỹ - Syria phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự ổn định và tính chính danh của chính quyền lâm thời do ông al-Sharaa lãnh đạo. Nếu Syria có thể tổ chức bầu cử toàn quốc minh bạch, đảm bảo sự tham gia của mọi thành phần dân tộc và tôn giáo, thì khả năng cao Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ công nhận và thiết lập quan hệ chính thức với chính thể mới tại quốc gia này.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/buoc-ngoat-trong-quan-he-my-syria-post611851.antd