Buộc nộp lại số tiền tương ứng đã đưa để mua chuộc, hối lộ
Đây là thời điểm chín muồi để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Sáng 13-2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 20 - phiên họp thường kỳ tháng 2-2023.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN).
Báo cáo tóm tắt về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN nên chỉ quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi của pháp lệnh.
Theo ông Ngô Văn Tuấn, dự thảo pháp lệnh trước khi trình UBTVQH xem xét, thông qua đã được các cơ quan thống nhất cao về bố cục và nội dung. Dự thảo pháp lệnh sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 5 chương, 21 điều; quy định về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, về các hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong lĩnh vực KTNN; về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; về khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thống nhất quan điểm Pháp lệnh chỉ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến. Hồ sơ dự án pháp lệnh đã được KTNN chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan.
Trong số các quy định cụ thể, về các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 6), mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền (Điều 7), Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành, song đề nghị chỉnh lý kỹ thuật văn bản đối với khoản 1 Điều 7 để bảo đảm rõ ràng, chính xác hơn; bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ trưởng đoàn kiểm toán, phó trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán” để áp dụng với hành vi vi phạm hành chính “mua chuộc, hối lộ” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của dự thảo pháp lệnh.
Liên quan đến quy định về khiếu nại, khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của KTNN, Ủy ban Pháp luật tán thành quy định này; đồng thời, sau khi Pháp lệnh được UBTVQH thông qua, đề nghị Tổng KTNN khẩn trương sửa đổi, bổ sung Quyết định số 01/2021/QĐ-KTNN ngày 24-2-2021 ban hành quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động KTNN để bổ sung quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm pháp lệnh có hiệu lực.
Ủy ban Pháp luật cũng tán thành quy định về ngày có hiệu lực thi hành của Pháp lệnh là từ ngày 1-4-2023; đề nghị KTNN khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị thi hành pháp lệnh, bảo đảm hiệu quả và khả thi.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dù đã có Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN là hoạt động đặc thù, chưa được quy định trong luật, nên cần thiết có pháp lệnh điều chỉnh với lĩnh vực đặc thù này. Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đã được chuẩn bị trong một thời gian dài và hiện là thời điểm chín muồi để trình ra UBTVQH xem xét thông qua, nhằm tạo điều kiện cho KTNN nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan này.