Bước phát triển quan trọng của GD&ĐT đồng bằng sông Cửu Long
10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, GD&ĐT vùng ĐBSCL đạt được những kết quả khả quan.
Quan tâm đầu tư trường lớp, đội ngũ
Quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29-NQ/TW), các địa phương ĐBSCL với điều kiện, khó khăn đặc thù nhưng luôn có sự nỗ lực, linh động thực hiện.
Hệ thống trường lớp của vùng trong 10 năm qua có bước phát triển đáng kể. Giáo dục mầm non, năm học 2010 - 2011 có 1.687 cơ sở, 18.045 nhóm, lớp với 517.515 trẻ. Cho tới năm học 2019 - 2020, tổng số có 2.002 cơ sở giáo dục mầm non (tăng 315), 20.543 nhóm/lớp (tăng 2.498 nhóm lớp) với 584.099 trẻ (tăng 66.584 trẻ).
Ở cấp tiểu học, năm học 2010 - 2011 vùng ĐBSCL có 6.097 cơ sở giáo dục, 45.356 lớp với 1.231.634 học sinh; năm học 2019 - 2020, có 5.671 cơ sở (giảm 426 cơ sở), 42.495 lớp (giảm 2.861 lớp) với 1.251.886 học sinh (tăng 20.252 học sinh).
Cấp THCS, năm học 2010 - 2011 vùng có 1.380 cơ sở giáo dục, 24.996 lớp với 875.495 học sinh; năm học 2019 - 2020, có 1.341 cơ sở (giảm 39 cơ sở), 26.581 lớp (giảm 1585 lớp) với 994.697 học sinh (tăng 119.202 học sinh).
Cấp THPT, năm học 2010 - 2011 vùng có 342 cơ sở giáo dục gồm 10.259 lớp với 402.095 học sinh; năm học 2019 - 2020, có 350 cơ sở (tăng 8 cơ sở), 11.098 lớp (tăng 839 lớp) với 433.072 học sinh (tăng 30.977 học sinh). Toàn vùng hiện có khoảng 92.912 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập; trong đó, số phòng học kiên cố 75.746 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 81,5%.
Đội ngũ nhà giáo, năm học 2011 - 2012, vùng có 173.663 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông; đến năm học 2019 - 2020, toàn vùng có 176.173 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng về số lượng và chất lượng, có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm cao, ý thức tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đầu tư cho giáo dục, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD&ĐT vùng ĐBSCL giai đoạn 2010 - 2021 là 491.549,65 tỷ đồng (gồm chi thường xuyên là 425.082,48 tỷ đồng, chi đầu tư là 66.374,85 tỷ đồng) tăng dần qua các năm, cụ thể năm 2010 là 14.062,88 tỷ đồng, năm 2021 tăng lên 35.409,54 tỷ đồng.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố mở rộng mạng lưới, phát triển giáo dục các cấp học, bậc học theo hướng đa dạng hóa loại hình đạt chuẩn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Tiếp tục bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân thành phố và vùng ĐBSCL.
Thành phố cũng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT; tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong nước, từng bước tiếp cận các chuẩn kiểm định chất lượng khu vực và thế giới…
Chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao
Quán triệt Nghị quyết 29 của Trung ương, đầu tư ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp GD&ĐT tại ĐBSCL được cải thiện. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được đầu tư hoàn chỉnh. Chất lượng GD&ĐT được nâng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của khu vực.
Với trung bình hơn 684 học sinh THCS trên một cơ sở giáo dục, thống kê cho thấy ở cấp THCS, vùng có số học sinh cao hơn trung bình của toàn quốc và đứng thứ hai khi so sánh với các khu vực khác. Sang tới cấp THPT vùng ĐBSCL có số lượng học sinh tiệm cận mức trung bình chung của toàn quốc với tỷ lệ 911,5 học sinh trên 1 cơ sở. Với tỷ lệ khoảng 23 lớp học trên một cơ sở giáo dục THPT trong khi ở cấp THCS, tỷ lệ trên là 18,35, ĐBSCL xếp thứ tư trên toàn quốc về quy mô nhà trường tính theo chỉ số lớp học.
Năm học 2010 - 2011, vùng ĐBSCL có 13 cơ sở giáo dục đại học. Đến năm 2020, số lượng cơ sở giáo dục đại học đã tăng lên đến 21, trong đó có 4 phân hiệu và 8 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập. Như vậy gần như tỉnh nào ở trong vùng cũng có trường đại học, trong đó riêng Cần Thơ có 5 trường đại học và 1 phân hiệu, Vĩnh Long có 3 trường đại học và 1 phân hiệu. Các trường đại học trong khu vực hiện đang đào tạo các trình độ từ đại học đến tiến sĩ với 1.475 lượt ngành đào tạo đại học, 115 lượt ngành đào tạo thạc sĩ và 40 lượt ngành đào tạo tiến sĩ.
Năm học 2010 - 2011, quy mô đào tạo cao đẳng, đại học của vùng là 42.448 sinh viên. Đến năm 2019 - 2020, quy mô sinh viên đại học đạt 149.744 sinh viên.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ: ĐBSCL đang trong quá trình chuyển dịch trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Trung ương đã và đang có nhiều Nghị quyết về phát triển ĐBSCL như Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu...
Tất cả nghị quyết đều đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để phục vụ phát triển vùng. Đặc biệt, trong xu hướng phát triển của thế giới và tác động mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì yêu cầu đội ngũ nhân lực qua đào tạo, nhất là trình độ đại học trở lên để tiếp cận được sự phát triển của khoa học công nghệ…
Giáo dục đại học của ĐBSCL ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với sự phát triển của vùng trong bối cảnh phát triển mới theo hướng dịch chuyển kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - xây dựng và dịch vụ và các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Chất lượng nhân lực đào tạo phải đáp ứng được quá trình dịch chuyển theo cuộc cách mạng 4.0. Vì vậy, giáo dục đại học của vùng phải dịch chuyển không chỉ về ngành nghề đào tạo, chất lượng người được đào tạo và quy mô đào tạo. Với định hướng này, các chính sách hỗ trợ và cơ chế thúc đẩy phát triển các trường đại học trong vùng có vai trò rất quan trọng...