Bước qua hủ tục

Ở nơi đấy, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng những người con của Đảng vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm là 'việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ cũng đem cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi, đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công'.

Một trong những vụ tảo hôn được phát hiện tại xã Trung Lý, Mường Lát đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.

Một trong những vụ tảo hôn được phát hiện tại xã Trung Lý, Mường Lát đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.

Thào A Thái, người có uy tín ở bản Tà Cóm (xã Trung Lý, Mường Lát) còn được người dân gọi là “người hùng” của bản. Rất nhiều việc Thào A Thái đã làm và làm tốt cho bản, cho bà con, đặc biệt là cuộc “cách mạng” đưa người chết vào quan tài. Chính Thào A Thái là người đầu tiên đã tạo “bước ngoặt” này ở Tà Cóm.

Dân tộc khác làm được, mình cũng phải làm được

Nhận được tin ông Hờ A Tu cùng bản chết, Thào A Thái đến ngay. Trước khi đi, Thào A Thái dặn lòng, phải thuyết phục bằng được để người nhà đưa Hờ A Tu vào quan tài. Kể từ khi thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông”, bản Tà Cóm vẫn chưa có gì thay đổi. Theo đó, thi thể người chết vẫn theo tục lệ, không bỏ vào quan tài mà để trên cáng, treo ở góc nhà, đám tang kéo dài 5 - 7 ngày, có nhà mổ 7 - 8 con trâu... Chính Thào A Thái đã từng tuyên truyền, động viên một số hộ có người chết xóa bỏ hủ tục nhưng không thành công.

Lần này, Thào A Thái đi một mình đến nhà Hờ A Tu. Đến nơi, trong nhà đã kín người. Sự xuất hiện của Thào A Thái, người uy tín của bản không gây nhiều ngạc nhiên. Thào A Thái tiến lại chỗ họ hàng của Hờ A Tu. Anh ngồi xuống, bảo: “Phải cho Hờ A Tu vào quan tài thôi, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, người chết cũng được sạch sẽ”. Thào A Thái vừa dứt lời đã nhận ngay sự phản đối. Trong số đó, quyết liệt nhất là Hờ A Su, cháu của Hờ A Tu. Hờ A Su nói lớn: “Nếu làm như vậy mà chết cả họ hàng thì anh phải chịu”. Thào A Thái vẫn điềm tĩnh: “Không sợ gì cả, dân tộc khác đưa người chết vào quan tài được thì mình cũng phải làm được”.

Dẫu vậy, Thào A Thái vẫn chưa thể nhận được sự đồng ý ngay của gia đình Hờ A Tu. Anh vẫn tiếp tục kiên trì, nhất định không bỏ cuộc. Phải sau 3 tiếng thuyết phục thì người nhà mới chịu để đưa thi thể Hờ A Tu vào quan tài.

Đấy là chuyện của 1 năm về trước. Người uy tín của bản Tà Cóm là Thào A Thái đã làm được điều mà trong bản chưa ai làm được. Hờ A Tu là trường hợp đầu tiên ở Tà Cóm, sau khi chết được đưa vào quan tài, thực hiện theo nếp sống văn hóa. Có một chi tiết mà Thào A Thái không thể quên, khi anh phải thực hiện lời cam đoan với người chết. Thào A Thái kể: “Sau những giờ phút căng thẳng để thuyết phục người nhà Hờ A Tu, tôi phải thực hiện lời hứa với người đã chết theo yêu cầu của họ. Tôi đứng trước thi thể ông Hờ A Tu, nói: Tôi là Thào A Thái, là người uy tín của bản Tà Cóm. Hôm nay tôi đưa ông vào quan tài. Ông nói với các cụ, không được làm ảnh hưởng đến con cháu sau này. Đưa vào quan tài là nếp sống văn hóa, không phạm đến tổ tiên. Ông nói với tổ tiên, từ nay trở đi, người mất là đưa vào quan tài hết”.

Thào A Thái đã nói vậy. Nhiều người dân tin nhưng cũng còn một số bán tín bán nghi, họ vẫn theo dõi, sau khi đưa Hờ A Tu vào quan tài, họ hàng Hờ A Tu liệu có sao không. Tất nhiên, cuộc sống của gia đình Hờ A Tu không ảnh hưởng gì. Còn Thào A Thái, việc làm của anh đánh dấu bước ngoặt lớn đối với xã Trung Lý nói chung, bản Tà Cóm nói riêng. Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý Giàng A Lâu, cho biết: “Tà Cóm là bản cuối của xã Trung Lý có người chết được đưa vào quan tài. Năm 2023 là trường hợp đầu tiên của ông Hờ A Tu và mới đây, trung tuần tháng 6 năm 2024, đám tang thứ 2 cũng vậy, người mất là bà Giàng Thị Sâu. Không chỉ đưa người chết vào quan tài, thi thể còn không được để quá 24 tiếng, không giết mổ quá 2 con trâu, bò. Kể từ khi Thào A Thái làm cuộc vận động thành công đã nhận được sự đồng thuận cao từ bà con trong bản”.

Phát hiện là phải làm đến cùng

Nói về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý Giàng A Lâu bỗng đanh nét mặt. Nhưng gương mặt ông sau đó tươi tỉnh lại ngay. Bởi lẽ, trên địa bàn xã Trung Lý, vấn đề này từng nổi cộm trong thời gian dài, nhất là 3, 4 năm trở về trước, có năm xảy ra tới 18 cặp tảo hôn.

Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, nhờ sự tuyên truyền, vận động của đoàn thể, ban, ngành cấp trên, sự chỉ đạo quyết liệt của xã, nên tình trạng này đang giảm dần, 1 năm khoảng 2, 3 vụ. Trong đó, nhiều vụ, đích thân Phó Chủ tịch Giàng A Lâu trực tiếp “ra tay” giải quyết. “Không thể cứ tiếp diễn những vụ việc. Phát hiện là phải làm đến tận cùng. Tảo hôn khổ quá. Những đứa con nít lấy nhau rồi lại đẻ ra những đứa con nít khác. Thực tế ở xã ta, những đứa con nít này, cơm chả đủ ăn, ốm đau bệnh tật... Đề nghị ban quản lý các bản phải thực hiện nghiêm túc, phải rà soát, nắm bắt nhanh nhạy. Có thông tin là phải trình báo ngay”. Tại một cuộc họp, Phó Chủ tịch Giàng A Lâu đã nói như thế, rất trách nhiệm và quyết liệt.

Ngăn chặn bao nhiêu vụ thành công ư? Giàng A Lâu như đang hỏi chính mình. Thành công, là của cả một tập thể. Bản không báo, xã cũng không biết. Nhưng có một vài vụ khiến Giàng A Lâu khó quên. Nhớ nhất là vụ ở bản Hộc.

Hôm đó, đang làm việc tại UBND xã Trung Lý, Phó Chủ tịch Giàng A Lâu bỗng nhận được cuộc gọi của Lù A Chu, trưởng bản Hộc, rằng trên địa bàn có một cháu gái bị bạn trai đưa về làm vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn, đề nghị chính quyền chặn đường không cho đi. “Tôi cùng 1 công an viên, 1 công chức xã tức tốc lên đường. Nơi đoàn của chúng tôi đứng “canh” là đầu bản Nà Ón, cách trung tâm xã Trung Lý 5km và cũng cách bản Hộc 5km. Khoảng hơn 30 phút sau, 1 chiếc xe máy từ dưới bản Hộc đi lên, ngồi trên xe là 1 người con trai và 1 người con gái”. Phó Chủ tịch Giàng A Lâu kể.

Xác định đúng đối tượng, Giàng A Lâu chặn đường, yêu cầu cả 2 xuống xe. Sau đó ít phút, ban quản lý bản Hộc, trong đó có trưởng bản Lù A Chu cùng bố mẹ cháu gái cũng có mặt.

Sùng A.L, tên người con trai mới 19 tuổi còn người con gái tên Lù Thị D. 17 tuổi. Sùng A.L hỏi Giàng A Lâu: “Sao lại dừng xe?” Giàng A Lâu trả lời: “Ban quản lý bản Hộc và bố mẹ bạn gái báo lên, cháu đưa con gái nhà người ta về khi chưa đủ tuổi. Theo quy định, chưa đủ tuổi thì không thể kết hôn, bạn gái phải về với gia đình”. Giàng A Lâu hỏi người con gái: “Tại sao lại đi theo bạn trai, có phải cháu bị ép không?” Người con gái lắc đầu: “Không, là cháu tự nguyện”. Giàng A Lâu nói tiếp: “Cháu phải ở lại với bố mẹ, khi nào đủ tuổi mới được lấy chồng. Bố mẹ cũng không cho cháu đi nữa...”.

Sau đó, Lù Thị D. được tuyên truyền, vận động trở về gia đình, không còn qua lại với bạn trai. 2 năm sau, khi 19 tuổi, Lù Thị D. đi lấy chồng.

Đấy là một trong những vụ tảo hôn được ngăn chặn thành công ở xã Trung Lý. Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, xã Trung Lý đã ngăn chặn thành công 3 vụ. “Theo quy định, tảo hôn sẽ bị phạt 3 - 5 triệu đồng nhưng 3 vụ này, do ngăn chặn kịp thời nên phạt làm gương mỗi vụ 1 triệu đồng, tiền đã nộp về Kho bạc Nhà nước”. Vi Văn Hiệu, công chức tư pháp - hộ tịch xã Trung Lý cho biết.

Tôi nhớ đến cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch Giàng A Lâu. Ở đó, ông có nói đến câu chuyện về những người làm bố, làm mẹ khi con của họ tảo hôn. Trong số đó, có những bậc phụ huynh chống đối cán bộ bản, cán bộ xã khi họ đến tuyên truyền, vận động. Giàng A Lâu trải lòng: “Có những ông bố, bà mẹ khi chúng tôi đến tỏ thái độ khó chịu. Thực tế, họ biết con theo bạn trai về nhà khi chưa đủ tuổi nhưng họ không báo cho chính quyền và vẫn lén lút tổ chức ăn hỏi. Họ nói với chúng tôi rằng, nếu quay trở về mà con họ ăn lá ngón tự tử hoặc không còn ai lấy thì ai chịu trách nhiệm? Tôi rất buồn về những suy nghĩ này. Rồi đây, sẽ phải tuyên truyền, vận động thực sự quyết liệt hơn. Nếu không, sẽ còn nhiều vụ việc đắng lòng xảy ra”.

Bài và ảnh: Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/buoc-qua-hu-tuc-31610.htm