Bước qua quá khứ, chiến thắng nỗi đau, U23 Việt Nam sẵn sàng vươn tới đỉnh cao
Đã có những hoài nghi, nhưng sau tất cả, chúng ta nhận ra rằng càng gặp đối thủ mạnh, càng rơi vào nghịch cảnh, ý chí và khát vọng của U23 Việt Nam càng bùng lên mạnh mẽ. Trở lại Mỹ Đình đêm nay, những chiến binh Sao Vàng đã sẵn sàng bước tới đỉnh cao và cùng nhau tỏa sáng.
ảnh Trọng Tài
Sinh viên là khoảng thời gian tươi đẹp và ít khi phải hối tiếc. Không có đúng sai, mọi quyết định đều dẫn tới trải nghiệm thú vị nào đó.
Nhưng vào một ngày tháng 12/2003, tôi không thể tha thứ cho mình vì đã bỏ lỡ cơ hội trở thành Tình nguyện viên SEA Games 22. Nó có nghĩa tôi vô kế khả thi để có mặt ở trận chung kết giữa Việt Nam và Thái Lan, trở thành một phần của trận đấu mà tôi tin sẽ đi vào lịch sử.
Thật ra cái sự thiếu may mắn này không chỉ riêng tôi. Hầu hết 80 triệu dân Việt Nam đều không thể có mặt ở Mỹ Đình. Vì vậy từ buổi chiều, tất cả đều tìm cho mình một nơi nào đó có TV. Mọi hoạt động đều ngừng lại khiến phố xá vắng tanh không một bóng người, tạo nên khung cảnh chưa từng thấy mà phải 17 năm sau mới được tái hiện khi Covid-19 ập đến.
Chiều hôm đó tôi yên vị ở sân ký túc xá, cùng cả trăm người khác dán mắt vào chiếc máy thu hình nhỏ xíu công nghệ CRT. Bên cạnh là nồi niêu xoong chảo, hay bất cứ thứ gì có thể phát ra âm thanh, cùng với giát gường, chiếu cũ hay bất cứ thứ gì có thể đốt. Chúng tôi đã dâng trào xúc động khi đứng lên để chào cờ, hồi hộp theo từng pha bóng, lo lắng lúc sắp hết giờ và gào rú khi Cậu bé Vàng Phạm Văn Quyến volley tung lưới Thái Lan, gỡ hòa vào thời điểm trận đấu chỉ còn tính bằng giây.
Khu ký túc rung chuyển. Không, chính xác là cả dải đất hình chữ S rung chuyển. Niềm tin chiến thắng được thắp lên như tên bài hát chủ đề SEA Games 22. Và chúng tôi sẽ chờ đám sinh viên Kiến trúc đi bộ lên để kéo tới Mễ Trì, sau đó thẳng ra Xây Dựng, cùng nhập hội rồi lên Bờ hồ. Không ai ngủ đêm nay, cả đêm mai và nhiều đêm khác.
Không ai biết pha lập công của Văn Quyến chỉ giúp giấc mơ tồn tại thêm 6 phút. Bàn thắng vàng của Nattaporn đã chấm dứt tất cả. Không có cuộc “đi bão” nào. 80 triệu người chìm trong nước mắt và tận cùng nỗi đau.
Dù sao thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Sinh viên lại lên giảng đường, chị bán rau ra chợ từ tờ mờ sáng còn bác xe ôm tiếp tục ngồi chờ đầu ngõ. Có điều một câu hỏi vẫn nhói lên trong đầu, tại sao chúng ta lại thất bại khi trước đó, mọi thứ đều dẫn về chiến thắng? Tiger Cup 1998 rồi SEA Games 2003, phải chăng chúng ta sẽ không bao giờ có thể lên ngôi vô địch? Hy vọng rồi thất vọng, ước mơ sẽ mãi chỉ là mơ ước?
Phải đến nhiều năm sau tôi mới nhận ra rằng yếu tố ngăn cản thành công là Việt Nam thiếu phẩm chất nhà vô địch. Cũng phải thôi vì bóng đá Việt Nam hội nhập chưa lâu, mọi thứ đều mới mẻ. Chúng ta đã sản sinh ra những lứa cầu thủ tốt, nhưng từ Huỳnh Đức, Hồng Sơn đến Văn Quyến, Minh Phương, Tài Em chưa từng nếm trải hương vị chiến thắng. Bản thân HLV Alfred Riedl cũng vậy.
Sẽ cần rất nhiều thời gian để học cách xây dựng chiến lược, kế hoạch phù hợp cho một giải đấu hay một trận đấu, đồng thời trui rèn bản lĩnh và hình thành tâm lý chiến thắng. Không chỉ một, phải mất nhiều thế hệ, kinh qua nhiều giải đấu và nhận lấy nhiều thất bại để có được phẩm chất đó.
ảnh Trọng Tài
Đã 19 năm trôi qua kể từ đêm chung kết ấy, các chàng trai áo đỏ trở lại Mỹ Đình để đối đầu Thái Lan một lần nữa trong trận tranh huy chương Vàng SEA Games 31. Đó là một khoảng thời gian rất dài, tuy không đủ để xóa mờ ký ức cay đắng nhưng thừa để tạo ra một thế hệ mới, những người mang trong mình phẩm chất của nhà vô địch.
Bạn có thể tìm thấy điều đó ở trận bán kết với Malaysia. Nhưng trước hết hãy nhớ về trận chung kết SEA Games 25 năm 2009. Cũng với đối thủ tương tự, có điều một cái kết khác. Chúng ta thua vì bàn phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp phút 85, sau đó các cầu thủ khóc như những đứa trẻ và HLV Calisto bóp cổ thủ môn Tấn Trường trong khu kỹ thuật tạo nên khoảnh khắc biểu tượng của sự thất bại.
Không phải đối thủ mạnh, chính xác là U23 Việt Nam đã tự thua. Các cầu thủ, và cả Ban huấn luyện đều căng cứng về mặt tâm lý để rồi liên tục đưa ra những quyết định sai.
Tối thứ Sáu (19/5) ở Việt Trì thì khác. Chính HLV Park Hang-seo cũng thừa nhận học trò của ông có chút áp lực, song không vì thế mà họ đánh mất mình. Trong 90 phút chính thức cũng như hai hiệp phụ, Malaysia không có cơ hội để gây bất ngờ. Những chiến binh Sao Vàng kiểm soát tốt thế trận để luôn làm chủ tình hình và tự quyết định số phận.
Đúng là họ đã bế tắc trong phần lớn thời gian, song 111 phút tìm kiếm bàn thắng với nhiều cơ hội bỏ lỡ không khiến Tiến Linh cùng đồng đội nản lòng. Họ thậm chí còn mạnh mẽ hơn, tạo ra sức ép lớn hơn trong thời gian hiệp phụ. Khi không thành công với phương án A, họ vẫn còn phương án B, tận dụng tình huống đá phạt cố định, để ghi bàn thắng.
Chấn thương của Lê Văn Xuân là một ví dụ khác. Chứng kiến đồng đội của mình rời sân trên cáng, các cầu thủ càng siết chặt tình đoàn kết và hạ quyết tâm phải thắng. Họ phải chơi thay phần của Văn Xuân, dùng chiến thắng để xoa dịu nỗi đau của người đồng đội.
Đây là sự khác biệt so với năm 2009. Sau chấn thương của Tấn Trường, như chuyên gia Nguyễn Văn Vinh và chính HLV Calisto thừa nhận, cả đội trở nên mất tinh thần. Các cầu thủ vẫn lao lên phía trước mà không để ý đến nguy hiểm rình rập phía sau, trong khi hàng thủ bỗng mất phương hướng và lỏng lẻo lạ thường. Sự sụp đổ đến như một lẽ tự nhiên.
Những năm qua, chúng ta có chiến thắng có thất bại nhưng sự sụp đổ hay các thất bại gây sốc không bao giờ xảy ra. Kinh nghiệm giúp họ loại trừ rủi ro, bản lĩnh giúp vượt qua áp lực và tâm lý chiến thắng thúc đẩy Việt Nam tiến lên. Không chỉ thiết lập những kỳ công, các chiến tích lẫy lừng, chúng ta cũng đánh bại Thái Lan ở nhiều cấp độ đội tuyển. Mới nhất, chính lứa U23 này, trong tình cảnh ngặt nghèo nhất vẫn đánh bại người Thái tới hai lần ở giải vô địch U23 Đông Nam Á.
"Những thất bại trước Thái Lan trong các kỳ SEA Games trước đây là với HLV khác và lứa cầu thủ khác. Trong khi đó, chúng ta, thế hệ này là những người giành huy chương Vàng. Vì vậy chúng ta không nên suy nghĩ nhiều vào quá khứ, quan trọng là hiện tại và tương lai”, HLV Park Hang-seo tuyên bố trước trận chung kết.
ảnh Trọng Tài
Điều này đã xua tan những hoài nghi về chất lượng của U23 Việt Nam ở những trận vòng bảng. Họ gặp khó khăn trước các đối thủ bị đánh giá thấp, nhưng càng gặp đối thủ mạnh, càng rơi vào nghịch cảnh, ý chí và khát vọng của các chiến binh Sao Vàng càng bùng lên mạnh mẽ. Họ phát huy sức mạnh tập thể nhưng cũng có những cá nhân sẵn sàng bước lên, tạo ra các khoảnh khắc quyết định để đảm bảo đội tuyển luôn đi đúng hướng.
Vì vậy, không có gì phải lo lắng. Chúng ta tin vào cái kết đẹp ở Mỹ Đình, bất chấp đối thủ là Thái Lan. Thế hệ những người từng ngồi trước TV CRT sẽ không phải khóc thêm lần nữa còn những người thuộc thế hệ công nghệ cao sẽ tạo nên “cơn bão” xuyên đêm, dĩ nhiên theo cách rất khác xưa.
Thời đại đã thay đổi. Bóng đá cũng thay đổi. Từ “niềm tin chiến thắng” của 19 năm trước, “đêm nay chúng ta bước tới đỉnh cao, vươn xa hơn hướng tới bầu trời sao” và “cùng nhau tỏa sáng”.