Bước ra khỏi cổng làng
1. Năm ngoái, bà ngoại tôi rời cõi tạm như ngọn đèn hết dầu. 99 năm trên cõi đời, bà chưa từng ra khỏi làng cũng không màng đến bệnh viện. Nhưng một tay bà chăm lo cho bố mẹ chồng, nuôi dạy 5 người con để ông ngoại yên tâm đánh giặc.
Ông ngoại tôi cả cuộc đời theo nghiệp binh, hết đánh Pháp lại đánh Mỹ rồi làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam pu chia. Hòa bình lập lại, ông tiếp tục công tác trong quân đội cho đến lúc nghỉ hưu. Xông pha trận mạc, dù không trúng hòn tên mũi đạn nào nhưng gió sương trên chiến trường khi về già ông mới ngấm.
Thời gian ông ở viện nhiều hơn ở nhà. Những lúc lên cơn ho hen ông vật vã cả tiếng rồi gục xuống vì không còn sức. Rồi ông cũng về với các cụ, để lại mình bà cáng đáng việc dựng vợ gả chồng, tạo dựng cơ nghiệp cho các con.
Bà tôi mải miết với công việc nhà nông, hết làm đồng lại sang bãi trồng ngô khoai để lo đủ lương thực cho gia đình gần chục miệng ăn. Quanh năm suốt tháng bà quần quật với công việc. Đôi vai bà gánh không biết bao nhiêu gánh lúa, gánh khoai từ đồng bãi về. Những đêm hè trăng sáng bà lại hì hụi gánh đất đắp nền để làm nhà cho cậu.
Đắp nền đủ độ cao để mùa nước lên không còn ngập thì chỗ bà lấy đất cũng thành cái ao vuông vắn. Năm nào nước sông Hồng cũng ngập 2-3 tháng nên ao không thả cá nhưng ốc nhồi thì rất sẵn. Muốn ăn chỉ cần lấy cái rổ to, khẽ lùa xuống đám bèo rồi rũ là dưới rổ đã có mấy con ốc béo múp.
Cả đời quần quật làm lụng nhưng bà chưa bao giờ bị ốm đến mức phải đi viện, gặp bác sĩ, cùng lắm chỉ cảm cúm xoàng, đánh gió bằng rượu gừng, làm bát cháo tía tô là khỏi. Thời kỳ khó khăn, ăn uống thiếu thốn không biết bà lấy đâu sức khỏe mà dẻo dai đến vậy. Hơn 90 tuổi, con cháu xin bà hãy nghỉ ngơi nhưng hễ quên khóa cổng là bà lại lôi quang gánh đi vơ rơm rạ. Lưng bà còng rạp mà gánh rơm cao ngút, nhìn từ xa cứ như hai đống rơm biết đi.
Cả đời bà chỉ biết làm lụng vất vả, chưa bao giờ biết đến hưởng thụ. Có gì ngon con cháu biếu thì bà bảo để phần cho cháu này, chắt kia. Tiền mừng tuổi thì tích từ năm này sang năm khác vì bà không tiêu gì, rồi lại cho con cháu. Các dì mua quần áo tặng phải bắt mặc luôn chứ không bà lại để dành…
2.Hai dì tôi theo các anh chị đi làm công nhân xây dựng, không còn chân lấm tay bùn nhưng công việc ở công trường cũng vất vả. Những năm sau chiến tranh, công cuộc tái thiết đất nước cần những bàn tay người thợ ở các công trường, nhà máy. Họ đã xây dựng công trình ở nhiều nơi, từ nhà máy, xí nghiệp đến các khu tập thể…
Năm tám sáu, dì út đi Liên Xô theo diện hợp tác lao động. Nhiều người khuyên ở nhà lấy chồng chứ hai lăm, hai sáu tuổi rồi đi năm năm nữa mới về thì quá lứa nhỡ thì nhưng dì vẫn nhất quyết đi và bảo đi để mở mang tầm mắt.
Chừng 3 tháng sau ngày dì đi, gia đình tôi nhận được thư. Nhìn cái phong bì đẹp có in dòng chữ CCCP mấy đứa em tôi đã reo lên thư của dì và bóc ra đọc ngấu nghiến. Qua những dòng chữ xiên xiên quen thuộc, dì cho biết đang ở thành phố Nô-vô-xi-biếc, gần vùng Xi-bi-ri.
Dì làm việc trong nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng cách nơi ở hơn 50 cây số. Mùa đông, nơi này phủ đầy tuyết trắng. Có những hôm nhiệt độ xuống tới âm bốn mươi độ c. Mấy đứa tôi lè lưỡi nhìn nhau bảo rét hơn trong tủ lạnh mặc dù lúc đó chưa biết mặt mũi cái tủ lạnh thế nào, mãi sau này khi dì gửi hàng về mới được dùng.
Dì viết thư đều đặn, hết kể về thành phố xa xôi của xứ sở bạch dương, đến những đồng nghiệp Việt Nam làm cùng, sống cùng rồi chuyện đi mua hàng, đóng thùng gửi về.
Chuyến hàng đầu tiên dì gửi có xe Min-khơ, tủ lạnh Xa-ra-tốp, bàn là hoa dâu và mấy cái quạt tôi không nhớ tên nhưng kêu rất to và mát gấp chục lần cái quạt con cóc nhà hay dùng. Và tất nhiên, không thể thiếu là quần áo cho mấy anh em tôi, mấy con lật đật đủ kích cỡ và cả cây thông nô-en bằng nhựa và đèn nhấp nháy hình những cánh sao.
Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi được chén thỏa thích kẹo cứng nhân dẻo vị dứa và sữa bột thơm phức. Bọn tôi phục dì lắm. Ở nhà hiền lành thế mà đi nước ngoài có một năm đã biết lùng mua toàn những thứ trẻ con thích.
3.Bà ngoại mất, đứa em con dì không về được vì đang học thạc sĩ ở Anh. Chuyện nó đi du học chẳng ai thể tưởng tượng được. Lúc bé nó nghịch vô địch, đến mức chính dì còn gọi nó là con giặc cái. Thế mà nó học hành đâu vào đấy, thi đâu đỗ đó. Đang học đại học, nó xin được học bổng toàn phần và tếch đi Mỹ du học.
Học xong, mẹ giục về lấy chồng, nó bảo để con đi làm lấy ít kinh nghiệm đã. Đùng cái nó lại thông báo sang Anh học thạc sĩ cũng với học bổng toàn phần. Dì tôi thôi không giục nữa vì biết không cản được việc nó muốn làm. Hàng ngày nó video call về cho mẹ bảo đấy mẹ vẫn nhìn thấy mặt con, còn hơn ở gần mà chẳng đoái hoài gì. Dì mắng thì nó cười híc híc bảo công dân toàn cầu mà mẹ, khoảng cách giờ không nghĩa lý gì.
Cùng tuổi nó mấy chị con nhà bác ở quê đã con bồng, con bế. Những lúc nhà có việc tập trung đông đủ, nhắc đến nó mọi người lại lấy làm gương cho bọn trẻ trong việc học hành. Mắt dì tôi ánh lên vẻ tự hào.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/74648/buoc-ra-khoi-cong-lang.html