Bước tập dượt quan trọng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT
Thi thử tốt nghiệp THPT là đợt tập dượt quan trọng để thầy trò rút kinh nghiệm trong công tác ôn tập và tổ chức thi.
Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngành Giáo dục các địa phương tổ chức cho học sinh lớp 12 thi thử. Đây là đợt tập dượt quan trọng để thầy trò rút kinh nghiệm trong công tác ôn tập và tổ chức thi.
“Phép thử” thầy, trò trước kỳ thi chính thức
Theo chia sẻ của thầy cô giáo và học sinh, thi thử tốt nghiệp THPT tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có thêm kinh nghiệm, tập dượt, làm quen với quy chế thi; chuẩn bị tốt tâm thế để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Qua đó giúp học sinh hệ thống lại kiến thức đã học, được làm quen với các dạng đề, rèn kỹ năng làm bài thi và đánh giá chính xác trình độ kiến thức hiện tại của bản thân để điều chỉnh phương pháp học tập, hướng tới đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỉnh Tiền Giang tổ chức 30 điểm thi chính và 30 điểm dự phòng. Có tất cả 15.449 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 415 thí sinh tự do, 48 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp, 393 thí sinh chỉ thi tuyển sinh. Bài thi môn Ngữ văn có 15.328 thí sinh, môn Toán 15.251, môn Ngoại ngữ 14.709. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 7.128, bài thi môn Khoa học xã hội là 7.970.
Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thi tỉnh Tiền Giang cho biết: Để chuẩn bị cho kỳ thi được diễn ra một cách thuận lợi, an toàn, nghiêm túc, khách quan, minh bạch và đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tập trung ôn tập cho các em, quan tâm đến học sinh yếu, kém. Ngày 22 - 23/5, Sở GD&ĐT đã tổ chức thi thử để đánh giá kiến thức nền tảng. Từ kết quả thi thử, tiếp tục động viên giáo viên ôn tập, hệ thống kiến thức cho học sinh...
Tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh Sóc Trăng có trên 10.000 thí sinh đăng ký dự thi; toàn tỉnh có 27 điểm thi. Sở GD&ĐT vừa tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 với mục đích cho học sinh làm quen với hình thức thi trước khi bước vào kỳ thi chính thức vào cuối tháng 6.
Qua đó, các trường tiếp tục có sự điều chỉnh việc ôn luyện, phấn đấu cho kỳ thi sắp tới với kết quả cao nhất. Đây cũng là dịp để các giáo viên làm quen, tập dượt các quy định, thủ tục chuẩn bị cho việc làm nhiệm vụ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Theo Sở GD&ĐT Sóc Trăng, tham gia thi thử, học sinh làm bài thi theo quy định như kỳ thi chính thức. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là kiến thức lớp 12. Về hình thức thi, trừ môn Ngữ văn là thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan.
Chia sẻ về kỳ thi, em Tăng Văn Sanh, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết: “Em rất vui khi được tham gia kỳ thi này, mặc dù đây chỉ là kỳ thi thử nhưng em cũng hồi hộp vì không biết mình làm bài có tốt không. Kỳ thi thử này giúp cho em cùng các bạn làm quen trước khi bước vào thi chính thức tốt nghiệp THPT năm 2023. Qua đó giúp em đánh giá được năng lực, kiến thức của mình để từ đó cố gắng ôn tập tốt hơn”.
Chuẩn bị tốt tâm thế trước kỳ thi
Chỉ đạo về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tỉnh Sóc Trăng, giao Sở GD&ĐT là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức tốt kỳ thi; tiếp tục chỉ đạo các trường tập trung tốt nhất cho việc ôn tập; song song đó phổ biến quy chế thi để các em nắm rõ những thông tin cần thiết…
Tại tỉnh Cà Mau, gần 9.500 học sinh lớp 12 vừa hoàn thành thi thử tốt nghiệp THPT. Hình thức thi được tổ chức giống như kỳ thi chính thức. Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, trong kỳ thi thử lần này, Sở GD&ĐT tổ chức ra đề, cấu trúc đề, nội dung kiến thức, thời gian làm bài các môn thi được xây dựng bám sát theo bộ đề thi minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ GD&ĐT đã công bố.
Sở GD&ĐT cũng thành lập Đoàn đến các điểm thi kiểm tra các điều kiện phục vụ thi. Chỉ đạo các trường quán triệt tổ chức kỳ thi nghiêm túc, giống như kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức, từ các chi tiết: đánh số báo danh, đến việc tổ chức thi, coi thi và chấm thi…
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau, mục đích của kỳ thi thử nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các đơn vị trường có thêm kinh nghiệm, tập dượt, làm quen với quy chế thi, giảm áp lực và chuẩn bị tốt tâm thế để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Qua đó giúp học sinh hệ thống lại kiến thức đã học, được làm quen với các dạng đề, rèn kỹ năng làm bài thi và đánh giá chính xác trình độ kiến thức hiện tại của bản thân để điều chỉnh phương pháp học tập, hướng tới đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Sau khi có kết quả của thi thử, Sở GD&ĐT Cà Mau tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm về chất lượng đề thi, bài thi, kỹ năng làm bài, phương pháp giảng dạy... Kết quả thi thử cũng làm căn cứ đánh giá mặt bằng kiến thức chung của học sinh trong toàn tỉnh, trong nhà trường ở thời điểm hiện tại, là căn cứ để giáo viên, học sinh điều chỉnh việc dạy, học và ôn thi tại các đơn vị trường nhằm nâng cao chất lượng ôn tập chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi chính thức.
Thống kê của Sở GD&ĐT Cà Mau, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh có 9.814 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó có 49 thí sinh hệ Giáo dục thường xuyên). Dự kiến nhân sự phục vụ cho kỳ thi khoảng 1.661 người; trong đó, Sở GD&ĐT huy động 1.537 người, ngành Công an và ngành Y tế 105 người. Tỉnh Cà Mau tổ chức 1 Hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì, gồm 17 điểm thi chính thức, đặt tại các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh (trừ huyện Ngọc Hiển không bố trí điểm thi); 2 điểm thi dự phòng và 1 điểm được đặt làm Ban chấm thi, Ban Phúc khảo bài thi và nơi lưu giữ bài thi từ các điểm thi gửi về tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cà Mau.