Bước thử thách để hàng Việt bay xa

Theo số liệu từ Bộ Công thương, trong 10 tháng năm 2020, kim ngạch 2 chiều Việt Nam - Nhật Bản đạt 32,1 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 15,6 tỷ USD. Riêng tại TPHCM, xuất khẩu vào Nhật Bản trong 10 tháng đạt 2,5 tỷ USD. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của TPHCM.

Ngày 4-11, tại Trung tâm Mua sắm Aeon - Tân Phú Celadon, TPHCM đã diễn ra Hội nghị Kết nối doanh nghiệp (DN) đưa hàng vào hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon toàn cầu năm 2020 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp Công ty TNHH Aeon Việt Nam và Công ty TNHH Topvalu Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của hơn 150 DN trên cả nước. Dịp này, ban tổ chức cũng khai mạc tuần lễ trưng bày, giới thiệu các nhóm sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như trái cây tươi, lương thực, thực phẩm chế biến, nông sản. Đây là lần thứ 4 sự kiện này diễn ra, với mong muốn nối dài hơn nữa danh mục sản phẩm Việt được bày bán tại hệ thống phân phối của Nhật Bản; tiếp tục chinh phục nhiều thị trường khó tính khác trên thế giới.

Theo ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, Aeon Việt Nam đang làm việc với gần 14.000 nhà cung cấp, cung ứng nhiều nhóm hàng như may mặc, thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày, điện máy, điện tử, gia dụng, nội thất, đồ mẹ và bé, chăm sóc sức khỏe… Trong đó, 99% sản phẩm là từ các nhà cung cấp trong nước. Riêng lĩnh vực xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống Aeon toàn cầu, ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam, cho hay, hiện mới chỉ có khoảng 300 nhà cung cấp có thể xuất hàng sang thị trường Nhật. Tính chung giai đoạn 2015-2019, tổng trị giá hàng hóa Việt Nam được Aeon xuất khẩu sang Nhật Bản đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng trưởng bình quân hơn 120%/ năm. Nhóm sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu thông qua hệ thống Aeon khá đa dạng, hàng may mặc, giày dép chiếm khoảng 59%; hàng thực phẩm, trái cây chiếm khoảng 34,6%. Khoảng 1.200 tấn thủy sản cũng được xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm 2019. Gần đây nhất, 5 tấn vải thiều tươi Việt Nam đầu tiên cũng vừa được xuất sang Nhật Bản và được giới thiệu tới khách hàng của hệ thống bán lẻ Aeon vào cuối tháng 6 qua.

Theo nhận định của Aeon, hàng hóa của Việt Nam hiện được người tiêu dùng Nhật đánh giá rất cao về chất lượng và an toàn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ứng phó thành công với dịch Covid-19. Aeon đặt kỳ vọng tạo được 2.000-3.000 nhà cung cấp Việt Nam, lấy việc gia tăng tỷ lệ mua hàng Việt để bán tại hệ thống siêu thị của họ tại Việt Nam và khu vực làm mục tiêu; đồng thời cam kết hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của tập đoàn này tại Nhật đạt 500 triệu USD ở năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025.

Để đạt được con số trên, Aeon cùng các bộ ngành chức năng đã ký cam kết về hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng các cơ hội kết nối để DN tiếp cận trực tiếp với các đối tác. Yêu cầu đặt ra cho các DN Việt là phải tuân thủ mọi quy định ở tất cả các giai đoạn, từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng, giao hàng cho tới các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành, tiếp đó là các tiêu chuẩn riêng của Aeon. “Thực tế, đưa hàng vào siêu thị ở Nhật là một cuộc cạnh tranh giữa DN Việt với DN các quốc gia khác. Đưa hàng vào hệ thống phân phối lớn ở Nhật là một bước thử thách khá khắc nghiệt nhưng nếu vượt qua, DN sẽ trưởng thành và cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa các nước, điều này cũng đồng nghĩa hàng hóa của các DN Việt sẽ tiến sâu được hơn vào nhiều thị trường khó tính khác trên thế giới.

THÚY HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/buoc-thu-thach-de-hang-viet-bay-xa-695674.html