Bước tiến đáng ghi nhận trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Năm 2024, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng đã có những chuyển biến tích cực.

Các hộ nhận khoán ở xã Đạ Sar, Lạc Dương chăm sóc rừng trồng

Các hộ nhận khoán ở xã Đạ Sar, Lạc Dương chăm sóc rừng trồng

TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ RỪNG, GIẢM THIỂU VI PHẠM

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trong năm 2024 đã giảm đáng kể so với năm trước, đặc biệt là các vụ việc có tính chất phức tạp, nổi cộm. Diện tích rừng bị thiệt hại và khối lượng lâm sản bị mất cắp cũng giảm rõ rệt. Theo đó, tổng số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp năm 2024 được phát hiện là 151 vụ (trong đó 124 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm, chiếm 82,1% và 27 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm, chiếm 17,8%); diện tích rừng bị thiệt hại 10,89 ha; khối lượng lâm sản thiệt hại là 871 m3 gỗ các loại và 10.996 cây lồ ô. So sánh với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm giảm 49 vụ (tương ứng giảm 25%); diện tích rừng bị thiệt hại giảm 5,88 ha (tương ứng giảm 35%), lâm sản thiệt hại giảm 549,7 m3 (tương ứng giảm 39%).

Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh phát hiện 16 vụ vi phạm phức tạp, nổi cộm; diện tích rừng bị thiệt hại 6,72 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại 460,2 m3 và 10.996 cây lồ ô; so sánh với cùng kỳ năm 2023, số vụ việc có tính chất phức tạp, nổi cộm giảm 4 vụ (tương ứng giảm 20%).

Những kết quả này có được là nhờ các biện pháp quyết liệt như tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng.

Bên cạnh công tác bảo vệ, tỉnh Lâm Đồng cũng tập trung đầu tư phát triển rừng. Quy hoạch lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý và khai thác rừng bền vững. Công tác trồng rừng được triển khai mạnh mẽ, với diện tích trồng mới đạt được kết quả khả quan. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng đến việc cải tạo rừng, nâng cao chất lượng rừng hiện có.

Để nâng cao hiệu quả quản lý rừng, Lâm Đồng đã tích cực đổi mới cơ chế, chính sách. Việc giao khoán bảo vệ rừng đã góp phần huy động nguồn lực tại chỗ, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý rừng, giúp nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát và giám sát.

THÁCH THỨC VẪN CÒN

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Lâm Đồng vẫn còn những tồn tại như: Tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp vẫn diễn biến phức tạp. Khai thác rừng trái phép và lấn chiếm đất rừng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Các hành vi vi phạm này thường diễn ra một cách tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý. Tiến độ lập quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm. Lực lượng kiểm lâm chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để điều tra các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm. Quá trình điều tra thường kéo dài, gây khó khăn cho việc xử lý vụ án và giảm tính răn đe của pháp luật. Công tác tuần tra, kiểm soát còn sơ hở. Việc thi hành các quyết định xử phạt hành chính còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng không chấp hành quyết định, trong khi đó các biện pháp cưỡng chế chưa được áp dụng triệt để. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác này cũng còn hạn chế.

Bên cạnh những vấn đề trên, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng các mô hình sản xuất lâm nghiệp hiệu quả cũng còn nhiều bất cập. Việc xác định giá trị tài sản là tang vật vi phạm cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc xử lý các vụ án liên quan đến lâm sản.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202501/buoc-tien-dang-ghi-nhan-trong-cong-tac-quan-ly-bao-ve-va-phat-trien-rung-31f5d59/