Bước tiến khổng lồ cho đa dạng sinh học và phục hồi thiên nhiên
Ngày 12.7 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Luật Phục hồi thiên nhiên, đặt ra các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý để khôi phục các hệ sinh thái bị suy thoái trên khắp lục địa châu Âu, một trong các nội dung chủ chốt của ''Green Deal'' (Kế hoạch chuyển đổi xanh) của khối 27 nước.
Dù văn bản cuối cùng được thông qua đã bị lược bỏ và giảm bớt các mục tiêu nhằm có được sự đồng thuận, Luật Phục hồi thiên nhiên (Nature Restoration Law) vẫn chứa đựng những mục tiêu rõ ràng và kiên quyết: Phục hồi ít nhất 20% các vùng đất và biển của Liên minh châu Âu trước năm 2030. Với một số vùng đặc biệt (như ven biển, vùng đất ngập, vùng đồi cát, hay vùng đồng cỏ…), tỉ lệ phục hồi dự kiến lên đến 30%. Các vùng đầm than (các vùng đất than bùn), vốn là giếng hút khí thải hiệu quả, dự kiến phải phục hồi đến 70% vào năm 2050. Ít nhất 25.000km dòng chảy tự nhiên phải được khôi phục trước 2030.
Những quy định này cung cấp một khuôn khổ để quản lý các nỗ lực phục hồi và thiết lập các mục tiêu ràng buộc ở nhiều khu vực khác nhau, chẳng hạn như đất nông nghiệp, đất than bùn và hệ sinh thái biển, đồng thời khắc phục thiệt hại đã gây ra do hoạt động của con người và biến đổi khí hậu. Hơn nữa, luật này được kết hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, Luật cũng ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học và khôi phục môi trường sống tự nhiên bị suy thoái, đặt nền móng cho một tương lai bền vững. Bằng cách thực hiện các biện pháp phục hồi, châu Âu hy vọng sẽ giảm thiểu tác động của hoạt động của con người và khôi phục lại sự cân bằng cho môi trường sống tự nhiên.
Cụ thể, “những hàng rào cây”, tức những rặng cây ngăn cách các cánh đồng, đã bị phá hủy ồ ạt trong thời kỳ canh tác nông nghiệp quy mô lớn. Giờ đây các rặng cây này sẽ phải được khôi phục lại. Nước Pháp mất đi tổng cộng đến hơn 20.000km rặng cây như vậy hàng năm, liên tục trong nhiều năm qua. Kể từ năm 1945, 70% diện tích rặng cây như vậy đã bị biến mất. Theo đạo luật được thông qua, 10% diện tích đất nông nghiệp phải được che phủ bởi các hệ sinh thái đa dạng, như cây to, cây bụi, rặng cây, hồ nhỏ, tường lũy, hoặc đơn giản là để tự nhiên, không khai thác… trước năm 2030.
Luật cũng bao gồm các mục tiêu cho các loài và môi trường sống cụ thể, chẳng hạn như đảo ngược sự suy giảm của côn trùng thụ phấn vào năm 2030 và phục hồi thảm cỏ biển và các môi trường sống biển khác. Đặc biệt dự luật này tìm cách tăng số lượng đàn ong, chim và bướm, nhất là trên đất trồng trọt, đồng thời khôi phục các vùng đầm lầy, bãi than bùn đã cạn khô.
Đây sẽ là một trong những phần lớn nhất trong mục tiêu của EU đưa ra các đạo luật xanh, đòi hỏi các nước thành viên áp dụng các biện pháp nhằm phục hồi thiên nhiên trên 1/5 diện tích đất và biển của mình vào năm 2030, với mục tiêu là bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ đất, vốn đã bị nền nông nghiệp thâm canh và các hoạt động kinh tế khác làm kiệt quệ.
Được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vào tháng 6.2022, Luật Phục hồi thiên nhiên được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng sau Thỏa thuận đa dạng sinh học mang tính bước ngoặt của COP15 vào tháng 12 cùng năm. Vào năm 2021, 81% hệ sinh thái của EU bị Cơ quan Môi trường châu Âu và Greenpeace coi là “nghèo nàn” hoặc “tệ hại”.
Tờ Libération của Pháp nhận định, bộ luật nói trên là một “cơ hội lịch sử, cho phép hòa giải kinh tế với môi trường, bởi kinh tế cần đến môi trường”. Hiểm họa lớn với nông nghiệp hiện nay là “sự sụp đổ của các hệ sinh thái”.