Bước tiến mới của 'đại gia' công nghệ Mỹ

Ngày 22/5, đại gia công nghệ Amazon của Mỹ cho biết bộ phận điện toán đám mây AWS sẽ đầu tư 15,7 tỷ euro (17 tỷ USD) mở rộng các trung tâm dữ liệu tại khu vực Aragon của Tây Ban Nha cho đến năm 2033.

Biểu tượng Tập đoàn công nghệ Amazon của Mỹ tại một trung tâm phân phối ở North Las Vegas, Nevada. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng Tập đoàn công nghệ Amazon của Mỹ tại một trung tâm phân phối ở North Las Vegas, Nevada. Ảnh: AFP/TTXVN

Động thái trên diễn ra sau khi Amazon thông báo trong tháng này về khoản đầu tư 7,8 tỷ euro xây dựng một trung tâm đám mây ở Đức và 1,2 tỷ euro để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây cũng như hậu cần cho dịch vụ chuyển phát bưu kiện ở Pháp.

Năm 2021, Amazon đã lên kế hoạch đầu tư 2,5 tỷ euro vào Aragon, nơi công ty có 3 trung tâm dữ liệu. Công ty cho biết khoản đầu tư sẽ tạo ra khoảng 17.500 việc làm gián tiếp tại các công ty địa phương ở khu vực Tây Bắc.

Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Tây Ban Nha, ông Jose Luis Escriva nhận định, cam kết mới này của AWS làm nổi bật sức hấp dẫn của nước này với tư cách là một trung tâm công nghệ chiến lược ở miền Nam châu Âu.

Về phần mình, người đứng đầu chính quyền khu vực, ông Jorge Azcon, cho biết đây sẽ là khoản đầu tư lớn nhất từ một công ty trong lịch sử Aragon, giúp định vị Aragon như một trung tâm công nghệ hàng đầu ở cấp châu lục và toàn cầu.

Theo Stocklytics, là một cái tên tiên phong về thương mại điện tử, AWS của Amazon cũng chiếm 31% thị trường điện toán đám mây vào cuối năm 2023. Nhưng các đối thủ Microsoft và Google đang cạnh tranh quyết liệt, với thị phần lần lượt là 24% và 11% trong lĩnh vực này.

Một quản lý cấp cao của Amazon cho hay công ty sẽ mở các khu vực lưu trữ đám mây ở Đông Nam Á trong bối cảnh nhiều khách hàng muốn dữ liệu được lưu trữ an toàn ở quốc gia của chính họ.

Giám đốc Công nghệ Amazon Werner Vogels cho biết không chỉ các công ty khởi nghiệp đang tìm kiếm điều này mà chính các doanh nghiệp lớn, các cơ quan chính phủ cũng có nhu cầu tương tự khi họ trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Đối với những khách hàng này, điều quan trọng là phải có những dịch vụ lưu trữ ngay trong nước để đảm bảo có thể phục vụ khách hàng hoặc công dân của họ tốt nhất.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys, AWS là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới trong quý IV/2023 khi chiếm 31% tổng chi tiêu toàn cầu cho dịch vụ này.

Các khu vực AWS là một địa điểm thực tế nơi tập hợp các trung tâm dữ liệu. Mỗi khu vực AWS có tối thiểu ba vùng riêng biệt. Mỗi vùng lại có nguồn điện, khả năng làm mát và bảo mật vật lý riêng, được kết nối thông qua các mạng dự phòng có độ trễ cực thấp.

Hồi tháng 11/2023, Amazon cho biết họ sẽ ra mắt Khu vực AWS mới tại Malaysia trong năm nay. Trước đó, họ đã cam kết đầu tư 25,5 tỷ ringgit (6 tỷ USD) tới năm 2037 để hỗ trợ tham vọng của chính phủ nhằm biến Malaysia thành nền kinh tế kỹ thuật số “có thu nhập cao” vào năm 2030.

Động thái trên được đưa ra sau khi AWS mở khu vực lưu trữ đám mây ở Indonesia vào tháng 12/2021 và tại Singapore vào năm 2010. AWS cũng đang có kế hoạch ra mắt khu vực này ở Thái Lan.

AWS đã vận hành nhiều khu vực lưu trữ đám mây trên khắp Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, châu Á-Thái Bình Dương, Nam Phi và Trung Đông.

Là thương hiệu đi tiên phong về thương mại điện tử, Amazon cũng thống trị mảng điện toán đám mây. Theo hãng nghiên cứu và phân tích Stocklytics, AWS chiếm 31% thị trường điện toán đám mây toàn cầu vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên, các đối thủ của Amazon như Microsoft và Google cũng đang giành được chỗ đứng trong lĩnh vực điện toán đám mây của họ, với thị phần lần lượt là 24% và 11%. Theo nhà phân tích Dan Ives của hãng quản lý tài sản Wedbush, nhờ khoản đầu tư trị giá 13 tỷ USD vào OpenAI của nhà sản xuất ChatGPT, Microsoft đang "ở vị trí dẫn dắt" cuộc cách mạng điện toán đám mây đang diễn ra.

Microsoft và Google đang cạnh tranh trong việc sử dụng các trợ lý kỹ thuật số được trang bị tính năng AI để tạo ra các nội dung như email, bản trình bày, quảng cáo…, và ứng dụng (đặc biệt là chatbot). Trong khi đó, AWS ít được công chúng biết đến hơn và trợ lý kỹ thuật số Alexa của dịch vụ này cũng chưa có khả năng trò chuyện như ChatGPT.

Tuy nhiên, Amazon đã hoạt động trong lĩnh vực AI được hơn 25 năm, Giám đốc Selipsky cho biết. "Nếu bạn nhớ lại tính năng cá nhân hóa trên các trang web bán lẻ vào năm 1998, chúng tôi gọi đó là cá nhân hóa, nhưng đó là AI".

Giám đốc Selipsky cho biết Amazon từ lâu đã sở hữu hàng ngàn chuyên gia về công nghệ và đã điều chuyển một số người sang lĩnh vực AI tạo sinh thế hệ mới.

“Chúng tôi đã nhanh chóng phát triển các thế hệ chip (AI) mới như Trainium và xây dựng Amazon Bedrock, đồng thời nhanh chóng áp dụng và cho ra mắt ứng dụng thú vị trên các mô hình, như Amazon Q - một trợ lý AI”, nhà lãnh đạo của Amazon nói.

Trong danh sách khách hàng và đối tác của AWS có cả “ông lớn” Nvidia. Nhà sản xuất chip cao cấp gần đây thông báo rằng họ đang xây dựng một "siêu máy tính" trên nền tảng AWS, sử dụng bộ xử lý hiệu suất cao của riêng họ.

Ngoài ra, Amazon đã đầu tư 4 tỷ USD vào Anthropic, được coi là đối thủ của OpenAI. Giám đốc Selipsky cho biết, công ty khởi nghiệp này sẽ sử dụng AWS và chip Trainium để xây dựng các mô hình AI, giúp "cải thiện công nghệ của chúng tôi".

Khi được hỏi về các khía cạnh thú vị của AI tạo sinh, ông Selipsky đã trích dẫn các ví dụ về việc tăng năng suất. Công ty dược phẩm Pfizer, đang sử dụng dịch vụ của AWS, ước tính rằng họ sẽ có thể tung ra các loại thuốc mạnh hơn nhanh hơn, tiết kiệm được hàng tỷ USD mỗi năm nhờ AI.

Lê Minh (Theo AP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/buoc-tien-moi-cua-dai-gia-cong-nghe-my/334092.html