Cách nhận biết các loại thiết bị thông minh dùng để gian lận thi cử

Đặc điểm chung của những thiết bị thông minh dùng để gian lận thi tốt nghiệp THPT 2024 là có hình dạng bên ngoài giống các đồ vật thông dụng hoặc được thiết kế nhỏ gọn gắn với thiết bị thông dụng được phép mang vào phòng thi.

Thiết bị thu phát phổ biến được ngụy trang dưới dạng đồ vật thông dụng.

Thiết bị thu phát phổ biến được ngụy trang dưới dạng đồ vật thông dụng.

Theo hướng dẫn của Công an TP Hà Nội, các loại thiết bị thông minh có thể phục vụ cho việc gian lận thi cử có hình dạng bên ngoài giống các đồ vật thông dụng hoặc được thiết kế nhỏ gọn gắn với thiết bị thông dụng được phép mang vào phòng thi. Để thực hiện hành vi gian lận, những thiết bị này được liên kết qua 2 phần là trong phòng thi của thí sinh và ngoài phòng thi của các đối tượng hậu thuẫn cho thí sinh.

Trong phòng thi, về cơ bản thiết bị gồm 2 bộ phận là tai nghe và thiết bị thu phát. Tai nghe phổ biến là tai nghe siêu nhỏ, không dây có kích thước bằng hạt đậu, hạt tấm và sử dụng kết nối không dây đến bộ thu phát để nghe được âm thanh do người khác gọi đến và truyền thông tin ra bên ngoài.

Ba ngày nữa, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, với đặc thù là kỳ thi cuối cùng của học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi có 5 bài thi gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, tổ hợp khoa học tự nhiên, tổ hợp khoa học xã hội.

Thiết bị thu phát phổ biến được ngụy trang dưới dạng đồ vật thông dụng như thẻ ATM, bút viết, kính mắt, dây thắt lưng, máy tính, đồng hồ thông minh, vòng đeo tay thông minh, nhẫn thông minh,… thí sinh có thể giấu trong người, vật dụng cá nhân mang vào phòng thi.

Ngoài phòng thi, ở một vị trí bất kỳ bên ngoài khu vực thi là nơi tiếp nhận thông tin về đề thi do thí sinh gửi ra. Thông tin được chuyển đến các đối tượng giải đề thi và truyền ngược lại tới tai nghe của thí sinh. Các đối tượng bên ngoài sử dụng điện thoại để gọi và kết nối với bên trong.

Theo Công an TP Hà Nội, để phát hiện thiết bị gian lận được đưa vào phòng thi thì vai trò của cán bộ coi thi rất quan trọng. Cán bộ coi thi có thể phát hiện thông qua quan sát một số đặc điểm bề mặt của vật dụng.

Các thầy cô, cán bộ coi thi có thể xác định các dấu hiệu bất thường khác với tính năng của vật dụng, đảm bảo không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có bộ phận chức năng truyền thông tin (bluetooth, wifi) không có lỗ cắm jack nguồn, lỗ mic, ống lắp camera.

Camera an ninh tại phòng bảo quản đề thi, bài thi hoạt động 24/24

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết các điểm thi của TP đều được lắp hệ thống camera an ninh giám sát hoạt động 24/24 tại phòng bảo quản đề thi, bài thi; có phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối bên trong và bên ngoài các điểm thi.

Toàn TP. có 109.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Hà Nội đã bố trí hơn 4.500 phòng thi tại 196 điểm thi; điều động hơn 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi, chưa kể lực lượng an ninh, thanh tra.

Các quận, huyện, thị xã đã thành lập ban chỉ đạo kỳ thi, dành ưu tiên cao nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, thuận lợi cho thí sinh.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cach-nhan-biet-cac-loai-thiet-bi-thong-minh-dung-de-gian-lan-thi-cu-post175906.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat