Bước tiến mới của hạ tầng số

Bắc Giang đứng thứ 5 toàn quốc trong bảng xếp hạng ICT Index, tăng 24 bậc so với năm 2020 là một bước tiến lớn, là yếu tố quan trọng thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.

Chỉ số ICT Index được hiểu để đo mức độ phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Nó còn là chỉ số để đo mức độ sẵn sàng phát triển và áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các lĩnh vực. Có thể so sánh tầm quan trọng của chỉ số này cũng như khâu đột phá về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong phát triển KT-XH.

Trong đó, các chỉ số thành phần ICT Index của tỉnh gồm chỉ số hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin đều có bước tiến mới, riêng chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin đạt 0,71 điểm.

Nhờ phát triển của hạ tầng số mà chuyển đổi số năm 2022 của Bắc Giang tăng 1 bậc so với năm trước, đứng thứ 9 so với cả nước. Số liệu vừa được Bộ Thông tin và truyền thông công bố tháng 7/2023.

Để có được kết quả trên là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã bắt nhịp nhanh với công cuộc chuyển đổi số của đất nước và Bắc Giang có nhiều cách làm mới, sáng tạo.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định 9 lĩnh vực được ưu tiên, thực hiện thành công sẽ có hiệu quả ngay cho phát triển KT-XH.

Cách đây 1 năm, hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang. Thông điệp được lan tỏa từ ngày này là: Thúc đẩy tháng tiêu dùng số tại Cổng thông tin điện tử chuyển đổi số quốc gia; chính quyền nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Trong thông điệp cũng khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đưa đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội. Tổ công nghệ số cộng đồng nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” kỹ năng sử dụng dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và bảo vệ mình trên môi trường số.

Hưởng ứng chủ trương trên, với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã tích cực tham gia hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VneID và kích hoạt định danh điện tử; hỗ trợ tiểu thương tại các chợ, khu dân cư lập mã QR cửa hàng; lập mã QR thanh toán không dùng tiền mặt...

Nhờ nhiều cách làm mới, sáng tạo như vậy mà bức tranh chuyển đổi số của Bắc Giang ngày càng khởi sắc. Theo báo cáo thường niên về kinh tế số mới đây, Bắc Giang là một trong 5 địa phương đứng đầu cả nước có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt hơn 20%.

Từ thực tế trên, để thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh mạnh mẽ hơn nữa cần đòi hỏi sự đầu tư vào công nghệ, hạ tầng và nguồn nhân lực, tạo ra một môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển và sử dụng các giải pháp số trong cuộc sống hằng ngày. Cùng đó cần đào tạo và phát triển kỹ năng, năng lực cho cán bộ và người dân để sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả, an toàn .

Trần Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/412274/buoc-tien-moi-cua-ha-tang-so.html