Bước tiến mới trong bảo vệ quyền lợi giáo viên

Sau nhiều tuần biểu tình căng thẳng do hàng loạt vụ giáo viên tự tử được cho là có liên quan đến những lời phàn nàn ác ý từ phụ huynh, Hàn Quốc đã thông qua luật mới nhằm bảo vệ quyền lợi của giáo viên trong trường học.

Làn sóng biểu tình của giáo viên bắt nguồn từ đâu?

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục chịu áp lực lớn. Nhiều giáo viên chia sẻ, họ phải đối mặt với áp lực từ phụ huynh ngày càng lớn. Nếu giáo viên khiển trách, la mắng học sinh sẽ bị phụ huynh tố cáo là “lạm dụng trẻ em” hoặc gây ra “nỗi đau tâm lý”. Ngược lại, việc khen ngợi một học sinh sẽ bị cho là “phân biệt đối xử” với học sinh khác, và không ít thầy cô giáo phải trải qua những thủ tục tố tụng kéo dài đến vài tháng để làm rõ các tố cáo của phụ huynh. Do đó, ngày càng có nhiều giáo viên nộp đơn xin nghỉ việc sớm với lý do không thể tiếp tục chịu những áp lực từ các phụ huynh cực đoan.

Một lớp tiểu học của trường Gwangjin, Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: Korea Times

Một lớp tiểu học của trường Gwangjin, Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: Korea Times

Theo một cuộc khảo sát, cứ 10 giáo viên thì có 9 người phải sống trong nỗi sợ hãi vì bị buộc tội lạm dụng trẻ em. Theo Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc, hơn một nửa số vụ khiếu nại liên quan đến giáo viên với lý do “hành vi lạm dụng trẻ”, nhưng trong 5 năm qua, có đến hơn một nửa số khiếu nại về lạm dụng trẻ em là vô căn cứ. Tuy nhiên, khi xảy ra cáo buộc, các trường học thường có xu hướng sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ hoặc tạm thời cho giáo viên nghỉ phép. 94% giáo viên đã phản đối cách hành xử này khi mà phần lớn cáo buộc là không có căn cứ.

Một vấn đề khác là giáo viên gần như không nhận được sự hỗ trợ về pháp lý và hành chính khi bị kiện tụng. Nhiều cơ sở giáo dục thậm chí đã bỏ mặc giáo viên phải tự tìm cách bảo vệ mình trước mọi khiếu nại. Dù Bộ Giáo dục Hàn Quốc có cung cấp tư vấn pháp lý trong các trường hợp này nhưng hầu như không mang lại hiệu quả.

Vì vậy, sự việc giáo viên 23 tuổi tự tử tại Trường tiểu học Seo 2 (Seocho-dong, Seoul) hồi giữa tháng 7 vừa qua đã trở thành "giọt nước tràn ly" đối với cán bộ nhân viên ngành giáo dục trên khắp Hàn Quốc, mà vốn dĩ từ lâu họ đã phàn nàn về việc cảm thấy không thể kỷ luật học sinh vì lo sợ trừng phạt. Theo báo The Korea Herald, trong suốt ba tuần kể từ hôm 4.9 (ngày đầu tiên phong trào biểu tình diễn ra trong ngày đến trường của học sinh), hàng chục ngàn giáo viên khắp đất nước đã bỏ lớp và nghỉ dạy để kéo về Seoul nhằm kêu gọi cải cách để chính phủ có các biện pháp bảo vệ họ một cách hiệu quả và chặt chẽ hơn.

Các cuộc biểu tình của giáo viên được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Hàn Quốc, một số trường học đã phải tạm thời đóng cửa vì nhiều giáo viên đồng loạt xin nghỉ phép. Tổng cộng 37 trường học trên toàn quốc, trong đó Seoul chiếm số lượng nhiều nhất với 11 trường. Cuộc biểu tình này đánh dấu một khoảnh khắc lịch sử ở Hàn Quốc, vì đây là lần đầu tiên các giáo viên không có bất kỳ liên kết nào với các nhóm giáo dục có định hướng chính trị lại cùng nhau tham gia một hành động tập thể. Các giáo viên cũng kêu gọi sửa đổi điều khoản trong Luật Phúc lợi Trẻ em sao cho giáo viên có thể kỷ luật học sinh không hợp tác, mà không phải lo sợ bị phụ huynh dễ dàng khiếu nại là lạm dụng trẻ em. Khi một giáo viên bị cáo buộc lạm dụng trẻ em, giáo viên này không thể đứng lớp giảng dạy cho đến khi cáo buộc được xóa bỏ.

Vụ biểu tình của đội ngũ giáo viên trên khắp Hàn Quốc cũng cho thấy mặt trái của hệ thống giáo dục khắc nghiệt của nước này, và qua đó cũng phản ánh rõ nét những vấn đề sức khỏe tâm thần ngày càng phổ biến mà giáo viên phải đối mặt. Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), với tỷ lệ ngày càng gia tăng ở thanh thiếu niên. Nhiều thanh thiếu niên cho rằng, học là nỗi lo lớn nhất vì phần lớn học sinh hàng ngày sau giờ học ở trường là đến thẳng trường tư để học thêm hoặc luyện thi trước khi tiếp tục tự học đến tận đêm khuya. Trước thực trạng đó, sự căng thẳng đó đã lan sang đến các bậc cha mẹ, và nó khiến cho họ cảm thấy "ám ảnh" đến mức, nhiều người đổ tiền vào việc học của con cái ngay từ khi chúng mới biết đi. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, vào năm 2022, người dân nước này đã chi tổng cộng 26 nghìn tỷ won (gần 20 tỷ USD) cho giáo dục tư nhân.

Bước tiến quan trọng cho ngành giáo dục

Bộ Giáo dục cũng đã bắt đầu thực hiện các bước để bảo vệ giáo viên khỏi “phụ huynh cực đoan”. Bộ tuyên bố sẽ khởi động một hệ thống phản hồi khiếu nại mới, trong đó phụ huynh sẽ bị cấm liên hệ trực tiếp với giáo viên để khiếu nại. Bất kỳ ai gọi cho giáo viên sẽ được thông báo rằng cuộc trò chuyện của họ sẽ được thu âm lại. Vào hồi tháng 8, Chính phủ đã công bố một bộ hướng dẫn nhằm nâng cao quyền của giáo viên, bao gồm các biện pháp giải quyết các khiếu nại lạm dụng. Tại Seoul, dịch vụ chatbot sẽ được giới thiệu tại các trường học để thay mặt giáo viên giải quyết các khiếu nại đơn giản của phụ huynh. Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc nhìn chung hoan nghênh những nỗ lực của chính phủ nhưng đang kêu gọi các nghị sĩ nhanh chóng thông qua luật liên quan để “cho phép giáo viên yên tâm tham gia vào các hoạt động giáo dục”.

Trước làn sóng biểu tình dữ dội, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã yêu cầu các quan chức làm mọi cách để bảo đảm quyền lợi của giáo viên và bình thường hóa lĩnh vực giáo dục. Theo đó, bốn dự luật sửa đổi, được gọi chung là “Dự luật Khôi phục Quyền giáo viên” đã được Ủy ban Giáo dục của Quốc hội thông qua. Các sửa đổi pháp lý diễn ra sau nhiều tuần biểu tình và cuộc đình công quy mô lớn của các giáo viên bày tỏ sự thất vọng trước cách đối xử ngược đãi mà họ nói rằng họ phải nhận từ cả phụ huynh và học sinh, bao gồm cả việc bị buộc tội lạm dụng trẻ em để kỷ luật học sinh. Đây được xem là một bước tiến lớn trong nỗ lực của các giáo viên nói riêng và Nhà nước nói chung với mong muốn nâng cao điều kiện làm việc, cũng như bảo vệ cho các nhà giáo dục trong nước.

Đặc biệt, dự luật có một quy định nhận được sự ủng hộ lớn, đó là giáo viên sẽ không còn tự động bị đình chỉ khi họ mới bị đưa ra những cáo buộc mà chưa có kết luận. Dự luật cũng cấm hiệu trưởng nhà trường hạ thấp hoặc che giấu các hoạt động có thể vi phạm quyền của giáo viên. Hỗ trợ tài chính cũng sẽ được cung cấp trong trường hợp giáo viên phải tham gia các vụ kiện và hiệu trưởng các trường sẽ có nhiều trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ nhân viên của mình.

Các công đoàn giáo viên đã hoan nghênh động thái này. Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc cho biết, việc thông qua thành công những luật này là nhờ vào nỗ lực của các giáo viên trong những tuần qua. Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với họ. Liên minh Giáo viên và Công nhân Giáo dục Hàn Quốc nhận định rằng, việc thông qua bốn dự luật là bước đầu tiên hướng tới bình thường hóa giáo dục công và bảo đảm quyền giảng dạy, nhưng đồng thời cảnh báo, việc đạt được hiệu quả đầy đủ của các luật này có thể gặp khó khăn nếu không có đủ nhân lực, hỗ trợ ngân sách và pháp luật bổ sung.

Song, một điều khoản gây tranh cãi cho phép giáo viên để lại hồ sơ về những học sinh vi phạm quyền giáo viên ở trường, điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến triển vọng được nhận vào đại học của học sinh, và đã bị loại khỏi văn bản dự luật cuối cùng. Các dự luật sửa đổi sẽ tiếp tục được cân nhắc tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, sau đó sẽ được đưa ra biểu quyết tại phiên họp toàn thể của Quốc hội vào ngày 28.9 tới.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/buoc-tien-moi-trong-bao-ve-quyen-loi-giao-vien-i343985/