Bước tiến mới trong quan hệ thương mại Việt Nam – Israel

Ước tính cả năm 2024 giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Israel có thể đạt trên 3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 850 triệu USD và nhập khẩu đạt trên 2,15 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel, Nir Barkat (trái) và Đại sứ Việt Nam tại Israel, Lý Đức Trung (phải). Ảnh TTXVN phát

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel, Nir Barkat (trái) và Đại sứ Việt Nam tại Israel, Lý Đức Trung (phải). Ảnh TTXVN phát

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel, ông Lê Thái Hòa cho biết, với đà tăng hiện nay, ước tính cả năm 2024 giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Israel (I-xra-en) có thể đạt trên 3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 850 triệu USD và nhập khẩu đạt trên 2,15 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong thời gian từ tháng 1-9/2024, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 2,28 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt xấp xỉ 614 triệu USD và nhập khẩu đạt 1,67 tỷ USD. Với trên 153 triệu USD, Israel là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lớn thứ hai ở khu vực Trung Đông, sau Thổ Nhĩ Kỳ, và đứng thứ 44 trong danh sách tổng số 146 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đầu tư sang Israel đạt trên 40 triệu USD tính đến hiện nay.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) có hiệu lực được dự báo sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Phát biểu tại cuộc làm việc ngày 11/11 với Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat đánh giá cao nỗ lực của hai đoàn đàm phán Việt Nam và Israel trong suốt 7 năm, với 12 phiên đàm phán và 1 năm hoàn tất các thủ tục pháp lý để VIFTA được đi vào triển khai trên thực tế. Nhân dịp này, phía Israel thông báo đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân Israel về việc VIFTA có hiệu lực trong tháng 11/2024.

Bộ trưởng Nir Barkat cũng nhấn mạnh đến triển vọng phát triển hợp tác to lớn tại thị trường Việt Nam và coi đây là một trong những cửa ngõ quan trọng để Israel tiếp cận các thị trường khác ở khu vực Đông Nam Á. Ông đồng thời đề cập tới cơ hội mở đường bay thẳng giữa hai nước và khẳng định sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hàng không hiện thực hóa mục tiêu này.

Trong bối cảnh mới, VIFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Israel. Dự luật “Những gì tốt cho châu Âu cũng tốt cho Israel”, dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2025, sẽ áp dụng các tiêu chuẩn của châu Âu cho hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu vào Israel. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU đã đáp ứng các tiêu chuẩn của khối này theo hiệu lực của EVFTA, nên hàng hóa của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi tại Israel khi VIFTA có hiệu lực thực hiện.

Đại sứ Lý Đức Trung khẳng định việc triển khai VIFTA sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh sang Israel, đồng thời tiếp cận hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao từ Israel với chi phí sản xuất, kinh doanh cạnh tranh hơn. Liên quan đến khả năng mở đường bay thẳng giữa hai nước, Đại sứ Lý Đức Trung khẳng định đây cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy giao lưu nhân dân và kết nối thị trường hai nước sau khi tình hình tại khu vực có những chuyển biến tích cực.

Cuộc làm việc có sự hiện diện của các doanh nghiệp Israel hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu và công nghệ nông nghiệp như B-EV Motors chuyên nhập khẩu ô tô các loại, Metzer Group chuyên cung cấp các giải pháp nông nghiệp liên quan đến hệ thống đường ống và tưới nhỏ giọt và Atlantium cung cấp các giải pháp xử lý nước an toàn bằng tia cực tím. Đại diện các doanh nghiệp Israel bày tỏ vui mừng khi VIFTA có hiệu lực, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động mở rộng hợp tác kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.

VIFTA tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho các hoạt động hợp tác của doanh nghiệp hai nước, giúp hàng hóa và dịch vụ và hoạt động đầu tư của mỗi bên có điều kiện thuận lợi xâm nhập vào thị trường của nhau. Trong bối cảnh xung đột vẫn đang diễn biến phức tạp và tình hình thị trường sở tại còn nhiều khó khăn, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam – Israel vẫn là điểm sáng trong năm vừa qua.

Trao đổi thương mại song phương trong năm 2024 đã có bước tăng trưởng ngoạn mục trong bối cảnh đầy khó khăn do tác động tiêu cực của xung đột. Hiện tại ở Trung Đông, Israel là đối tác thương mại lớn thứ ba, là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư và là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel đạt xấp xỉ 2,68 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 631 triệu USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 2,05 tỷ USD./.

Lê Hội (P/v TTXVN tại Tel Aviv)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/buo-c-tie-n-mo-i-trong-quan-he-thuong-ma-i-viet-nam-israel/353345.html