Bước tiến mới trong thu hút đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản

Với 58 dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,6 tỷ USD, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 3 về số dự án và số vốn FDI đầu tư tại Vĩnh Phúc, đóng góp tới 70% tổng thu ngân sách của tỉnh và giải quyết việc làm cho 24.000 lao động. Hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam – Nhật Bản” năm 2022 đã đề ra nhiều nội dung quan trọng trong thu hút đầu tư giữa tỉnh với một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, mở ra thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng như: Công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, y tế, năng lượng, du lịch…

Hạ tầng KCN Thăng Long Vĩnh Phúc được đầu tư đồng bộ, hiện đại, là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh Khánh Linh

Hạ tầng KCN Thăng Long Vĩnh Phúc được đầu tư đồng bộ, hiện đại, là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh Khánh Linh

Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, các doanh nghiệp Nhật Bản là một trong những “công dân” nhập cảnh đầu tiên vào tỉnh, góp phần đặt nền móng đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất trong lĩnh vực ô tô, xe máy, cơ khí, chế tạo… của cả nước với sự đầu tư của một số tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Toyota, Honda.

Ngoài ra, Nhật Bản còn là thị trường tiềm năng, đối tác quan trọng hàng đầu của tỉnh trong đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp như Tập đoàn Sumitomo với dự án đầu tư KCN Thăng Long có tổng vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng, quy mô 213 ha; Tập đoàn SOJITZ với dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao về chăn nuôi, chế biến bò thịt hướng đến xuất khẩu có tổng mức đầu tư 500 triệu USD.

Với quan điểm: “Các nhà đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng khi đầu tư tại Vĩnh Phúc.

Đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh đã thu hút được 435 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7,3 tỷ USD. Trong số các dự án FDI đầu tư tại tỉnh, có 58 dự án đến từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,62 tỷ USD. Mặc dù đứng thứ 3 về số dự án và số vốn FDI đăng ký đầu tư tại tỉnh, song các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản lại đóng góp tới 70% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho 24.000 lao động bởi tỷ lệ số vốn thực hiện và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao.

Hiện nay, Vĩnh Phúc đang thiết lập quan hệ hợp tác với 2 tỉnh Tochigi và Akita của Nhật Bản. Trong đó, tỉnh Tochigi có ngành y tế chiếm tỷ trọng trong GDP đứng đầu Nhật Bản, tỷ trọng ngành công nghiệp chế tạo trong GDP đứng thứ 2 Nhật Bản. Tỉnh hiện có hơn 20 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất điện tử, công nghệ thông tin, ngân hàng, bánh kẹo và làm đẹp.

Ngoài ra, Tochigi cũng là tỉnh có số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc nhiều nhất trong số các địa phương thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ có người Việt Nam sinh sống và làm việc. Với bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Vĩnh Phúc và Tochigi, hiện nay, có một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, cơ khí, công nghệ thông tin, sản xuất thực phẩm, đồ uống… tại Tochigi đang quan tâm đến môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc.

Phát biểu tại Hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam – Nhật Bản”, ông Tomikazu Fukuda, Thống đốc tỉnh Tochigi của Nhật Bản đánh giá cao sự hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh Vĩnh Phúc đối với các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, các doanh nghiệp đến từ Tochigi nói riêng.

Trong những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh phát triển KT - XH, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn Vĩnh Phúc là bến đỗ tin cậy để đầu tư.

Các nhà đầu tư Nhật Bản tham quan môi trường sản xuất tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc. Ảnh Khánh Linh

Các nhà đầu tư Nhật Bản tham quan môi trường sản xuất tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc. Ảnh Khánh Linh

Các doanh nghiệp tại tỉnh Tochigi đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực của Vĩnh Phúc, đồng thời mong muốn 2 tỉnh tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp 2 nước hiểu rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh của Vĩnh Phúc và Tochigi, từ đó có kế hoạch hợp tác đầu tư. Thông qua hội nghị, ngài Thống đốc cũng giới thiệu thêm về tiềm năng du lịch của tỉnh Tochigi Nhật Bản, bày tỏ mong muốn thúc đẩy ngành du lịch, thương mại - dịch vụ giữa 2 tỉnh trong thời gian tới.

Hướng đến mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, Vĩnh Phúc khẳng định nỗ lực trong việc cải thiện môi trường trên cả 2 phương diện là môi trường kinh doanh và môi trường sống để các doanh nghiệp FDI nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng yên tâm SXKD, giải quyết việc làm, tạo động lực phát triển KT – XH.

Mục tiêu đó đòi hỏi tỉnh cần khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước mà trong đó, Nhật Bản là đối tác hàng đầu để xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78887/buoc-tien-moi-trong-thu-hut-dau-tu-voi-cac-doanh-nghiep-nhat-ban.html