Bước tiến mới về điều trị bệnh Alzheimer

Theo trang Bloomberg, xét nghiệm mới áp dụng cho người từ 55 tuổi trở lên, có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Alzheimer

Sau khi được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt, xét nghiệm máu đầu tiên giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer sẽ được đưa vào sử dụng tại nước này trong tháng 6-2025. Xét nghiệm này được phát triển bởi Fujirebio Holdings, công ty con của HU Group Holdings - một tập đoàn chuyên về các sản phẩm xét nghiệm và chẩn đoán y khoa tại Nhật Bản.

Theo trang Bloomberg, xét nghiệm mới áp dụng cho người từ 55 tuổi trở lên, có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Alzheimer. Nó được thiết kế để phát hiện amyloid, một loại protein có thể tích tụ trong não và là dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer.

Tiến trình lấy máu và chẩn đoán chỉ mất khoảng 30 phút. Chi phí của phương pháp này chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).

Ông Goki Ishikawa, Giám đốc điều hành Fujirebio Holdings, cho biết ban đầu, xét nghiệm sẽ được triển khai tại khoảng 50 viện nghiên cứu và bệnh viện chuyên về căn bệnh này ở Mỹ. Công ty cũng đang liên kết với các đối tác cùng lĩnh vực tại Mỹ, như Beckman Coulter, nhằm phát triển và sản xuất sản phẩm của mình.

Chuyên gia phân tích kết quả chẩn đoán hình ảnh của một bệnh nhân Alzheimer tại Mỹ Ảnh: VIỆN ALZHEIMER WISCONSIN

Chuyên gia phân tích kết quả chẩn đoán hình ảnh của một bệnh nhân Alzheimer tại Mỹ Ảnh: VIỆN ALZHEIMER WISCONSIN

Phương pháp nêu trên được xem là bước quan trọng trong việc phổ biến rộng rãi các phương pháp điều trị bệnh Alzheimer mới. Cho đến nay, việc thiếu các xét nghiệm nhanh chóng và dễ dàng đã làm chậm tiến trình triển khai các loại thuốc điều trị đã được FDA phê duyệt, mà hiệu quả phụ thuộc nhiều vào việc bệnh có được chẩn đoán sớm hay không.

Fujirebio Holdings có kế hoạch nộp dữ liệu để xin phê duyệt tại Nhật Bản sớm nhất là vào tháng 8 và tại châu Âu vào năm 2025. Ông Howard Fillit, Giám đốc khoa học tại Quỹ khám phá thuốc điều trị bệnh Alzheimer Mỹ, nhận định xét nghiệm máu nói trên sẽ thực sự làm thay đổi cách chăm sóc và chẩn đoán cho người mắc Alzheimer, vốn là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất ở người cao tuổi.

Tại Úc, Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu (TGA) vừa phê duyệt thuốc Donanemab, có tác dụng làm chậm tiến trình của bệnh Alzheimer bằng cách loại bỏ các protein trong não. Đây là loại thuốc đầu tiên dành cho bệnh nhân Alzheimer được chấp thuận tại nước này.

Theo truyền thông Úc, Donanemab được truyền tĩnh mạch qua cánh tay 4 tuần một lần trong thời gian tối đa 18 tháng. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc này có thể giúp ích trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/buoc-tien-moi-ve-dieu-tri-benh-alzheimer-196250522221500337.htm