Bước tiến mới xây dựng nền Ngoại giao toàn diện, hiện đại

Ngày 14/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao. Đây là văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Ngoại giao nói chung và đối với các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng trong triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

Tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao, số 1 Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao, số 1 Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thể chế hóa đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra chủ trương phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đây là chủ trương mang tầm chiến lược, lâu dài và cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với ngành ngoại giao phải xây dựng ngành ngoại giao vững mạnh toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại.

Trong bối cảnh đó, việc thể chế hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương mới của Đảng về công tác đối ngoại như Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài…, đồng thời cập nhật các quy định của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác tổ chức nhà nước và thực tiễn quản lý hoạt động đối ngoại thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh, bổ sung một số nhiệm vụ cũng như sắp xếp, kiện toàn bộ máy của Bộ Ngoại giao.

Bên cạnh các nhiệm vụ được kế thừa từ Nghị định 26/2017/NĐ-CP, nhằm bảo đảm triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị và được Chính phủ đồng ý cho phép điều chỉnh, bổ sung, cập nhật một số nội dung mới.

Theo Nghị định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2022, Bộ Ngoại giao sẽ có trách nhiệm “xây dựng kế hoạch; tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước theo quy định và phân cấp quản lý”; “chuẩn bị và xây dựng các báo cáo của Chính phủ tại các kỳ họp của Quốc hội về tình hình quốc tế và quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước” và “xây dựng chủ trương bầu cử tại các tổ chức quốc tế và các cơ chế đa phương; chủ trương tổ chức các sự kiện quốc tế có ý nghĩa quan trọng về chính trị, đối ngoại”. Việc quy định cụ thể các nhiệm vụ này nhằm thể chế hóa Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại được ban hành theo Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/10/2015 của Bộ Chính trị khóa XI, khẳng định vai trò đầu mối thực hiện quản lý nhà nước trong công tác đối ngoại của Bộ Ngoại giao.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao tại Nghị định số 81, đó là việc “tham mưu, chuẩn hóa và thống nhất quản lý về việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài thông dụng trong hoạt động chính trị, ngoại giao ở cấp cao của Đảng và Nhà nước”. Trên thực tế, nhiệm vụ này đã được Bộ Ngoại giao triển khai từ nhiều năm qua nhưng chưa được quy định cụ thể tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.

Cùng với quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, nhu cầu nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương nói chung và đội ngũ cán bộ đối ngoại, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế nói riêng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Ngoại giao bổ sung nhiệm vụ “xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế” vào Nghị định mới.

Tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu quả quản lý nhà nước

Về cơ cấu tổ chức, quán triệt nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, Bộ Ngoại giao đã giảm thêm 3 đơn vị đầu mối so với Nghị định 26/2017/NĐ-CP thông qua việc sáp nhập Trung tâm Hướng dẫn báo chí nước ngoài vào Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (đã hoàn tất trong năm 2020); kiến nghị hợp nhất Cục Cơ yếu và Trung tâm Thông tin thành Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin và không duy trì Vụ Thi đua-Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao.

Trước đó, trong năm 2020, trên cơ sở tổ chức triển khai quyết liệt Chương trình, Kế hoạch hành động triển khai các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trình Bộ Chính trị ban hành Quyết định số số 209-QĐ/TW về việc hợp nhất Đảng Bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao thành một tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Việc hợp nhất 2 Đảng bộ trên thực tế cũng đã giúp giảm được 1 cấp ủy trực thuộc Trung ương, 5 cơ quan tham mưu, giúp việc kiêm nhiệm và 3 cơ quan chuyên trách.

Như vậy, với Nghị định số 81, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao được tinh gọn thành 25 tổ chức hành chính và 9 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có tới 7 đơn vị sự nghiệp đã chuyển sang thực hiện cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên, 1 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và chỉ còn 1 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Triển khai Chiến lược xây dựng và phát triển ngành

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục hoàn thiện Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao đến năm 2030, trong đó đề ra yêu cầu tiếp tục rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm các điều kiện và tập trung nguồn lực để các đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Cùng với đất nước, ngành ngoại giao đang bước vào giai đoạn chiến lược mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 81 sẽ giúp Bộ Ngoại giao kiện toàn bộ máy, phương thức, cơ chế vận hành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao cơ chế phối hợp theo hướng đồng bộ, thông suốt, chặt chẽ và hiệu quả giữa đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa ngành Ngoại giao với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức trong hệ thống chính trị, tạo thuận lợi cho Bộ Ngoại giao thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng cũng như hoàn thành tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại.

Trần Ngọc An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/buoc-tien-moi-xay-dung-nen-ngoai-giao-toan-dien-hien-dai-202476.html