Bước tiến nhằm phục vụ quyền và lợi ích của nhân dân
Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014 đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, Luật CCCD đã bộc lộ một số tồn tại và đang được lấy ý kiến để bổ sung, sửa đổi phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.
Cần thiết phải sửa đổi
Việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động như kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ để xác thực số định danh cá nhân, CCCD, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân; kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác thực thông tin công dân; kết nối với Bộ Tư pháp để thực hiện cấp, hủy số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh; kết nối, xác thực với Tập đoàn điện lực Việt Nam phục vụ nghiệp vụ ngành điện; kết nối, xác thực với Ban Cơ yếu Chính phủ phục vụ rà soát thông tin cán bộ cơ yếu; kết nối với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính để xác thực thông tin công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân phục vụ làm sạch dữ liệu ngành thuế, nghiệp vụ ngành thuế…
Trong thời gian qua, Bộ Công an đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc; hơn 71 triệu thẻ CCCD có gắn chip (bao gồm cả trường hợp cấp lần đầu và cấp đổi, cấp lại) cho khoảng 69 triệu công dân. Đây là cơ sở quan trong để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật CCCD năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét như:
Thứ nhất, hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề… gây ra những khó khăn nhất định trong việc lưu trữ, sử dụng, nhất là khi thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta. Trong khi đó, Luật CCCD không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ CCCD nên việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ CCCD vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thống nhất; nhiều cơ quan, tổ chức chưa tham gia triển khai vì đây không phải là nội dung được quy định trong luật.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 9, 15 Luật CCCD năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú năm 2020), thông tin của công dân trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL CCCD chỉ bao gồm một số nhóm thông tin. Tuy nhiên, qua triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án), việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân trong các CSDL chuyên ngành vào CSDL quốc gia về dân cư, CSDL CCCD là rất cần thiết; trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư. Do vậy, việc giới hạn các thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL CCCD theo quy định nêu trên sẽ gây khó khăn nhất định khi triển khai Đề án.
Thứ ba, Luật CCCD năm 2014 không quy định về cấp số định danh cá nhân đối với người gốc Việt Nam không quốc tịch nhưng đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Trên thực tế, cần có chính sách, quy định pháp luật để giải quyết các vấn đề phát sinh cũng nhu quản lý chặt chẽ nhóm người này; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống. Luật CCCD năm 2014 cũng chưa có quy định về việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân có quyết định thôi quốc tịch, công dân được nhập trở lại quốc tịch Việt Nam…
Thứ tư, Luật CCCD năm 2014 là văn bản quy phạm pháp luật quy định việc chuyển đổi từ cấp, sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) sang cấp, sử dụng thẻ CCCD nhưng chưa quy định về thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại các thông tin trên giấy tờ, tài liệu đã cấp trước đây cho công dân có thông tin về CMND bằng thông tin về thẻ CCCD, dẫn đến việc nhiều cơ quan, tổ chức (như trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng…) gây khó khăn, phiền hà cho công dân. Do vậy, cần bổ sung vào Luật CCCD quy định chuyển tiếp để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ CMND sang thẻ CCCD của công dân được thuận lợi hơn, hạn chế phát sinh các thủ tục khác.
Thứ năm, Luật CCCD năm 2014 quy định về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL CCCD chưa đầy đủ, mới tập trung vào việc quản lý công dân qua CSDL CCCD, CSDL quốc gia về dân cư qua thẻ CCCD mà chưa có quy định về tài khoản định danh điện tử đối với tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử. Các vấn đề nêu trên chủ yếu được quy định ở văn bản dưới luật như Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật CCCD, Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 8-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về định danh điện tử trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư, CSDL CCCD, CSDL quốc gia về xuất nhập cảnh… Trong khi đó, đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau nên cần được luật hóa để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải ban hành dưới hình thức luật (Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013), bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật CCCD năm 2014 là rất cần thiết, không chỉ phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mà còn là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai, thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.
Giảm bớt thủ tục hành chính, đáp ứng chuyển đổi số
Để phù hợp với tình hình thực tiễn, Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) gồm 7 chương, 45 điều, trong đó đã khắc phục được những hạn chế nêu trên như:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật CCCD năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Theo đó, tại Chương I của dự thảo đã bổ sung về người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam là đối tượng áp dụng để cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh.
Việc bổ sung nội dung cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh cho nhóm người này nhằm quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Quan trọng hơn, đây là bước đột phá trong bảo đảm quyền cho nhóm người này, là sự ghi nhận "sự tồn tại" về mặt pháp lý, về danh tính điện tử công dân của họ trên hệ thống quốc gia về dân cư; thừa nhận họ là công dân Việt Nam, là một phần của cộng đồng người Việt; tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho nhóm người này họ trong việc thực hiện các thủ tục, chính sách, dịch vụ công…
Thứ hai, về thông tin, thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, khai thác và sử dụng CSDL quốc gia về dân cư, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam trong các CSDL chuyên ngành vào CSDL quốc gia về dân cư, CSDL CCCD để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện tích của thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư; đồng thời, chỉnh lý mối quan hệ giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án.
Thứ ba, về tích hợp thông tin vào thẻ CCCD, dự thảo luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong CSDL CCCD vào thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân, điều này tương đương việc xuất trình các giấy tờ khác có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…
Thứ tư, đối với việc chuyển tiếp giữa CMND và CCCD, dự thảo luật quy định theo hướng CMND còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn còn nguyên hiệu lực pháp luật; cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến CMND, thẻ CCCD trong các giấy tờ nêu trên.
Thứ năm, về CCCD điện tử, nội dung mới so với Luật CCCD năm 2014 được quy định tại Chương IV Dự thảo. Theo đó, căn cước điện tử, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử; kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử; sử dụng căn cước công dân điện tử đều được quy định cụ thể trong dự thảo Luật, tạo điều kiện cho việc giải quyết, thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự trên môi trường điện tử, hướng tới thực hiện hiệu quả Đề án.
Thứ sáu, về người được cấp thẻ CCCD, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu. Theo đó, trình tự, thủ tục cấp thẻ CCCD cũng được tách riêng.
Dự thảo Luật CCCD sửa đổi được thông qua sẽ tạo một bước ngoặt lớn trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia; không chỉ góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng chính phủ số mà còn mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân, đặc biệt là trong việc giảm tải các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự; bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân.