Bước tiến quan trọng bảo vệ quyền lợi người lao động - Kỳ 2: Cần tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp
Những kết quả trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh ta 5 năm qua đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên quá trình triển khai Luật ATVSLĐ cũng đang đặt ra những vấn đề cần có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Tính từ tháng 7/2016 đến tháng 6/2021, toàn tỉnh xảy ra 255 vụ tai nạn lao động với 267 công nhân bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có cả một số vụ tai nạn lao động gây tử vong.
Nguyên nhân chủ yếu do một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ dẫn đến việc chấp hành các quy định pháp luật của một số doanh nghiệp chưa tốt, thiếu quan tâm cải thiện điều kiện làm việc an toàn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mặt khác, trình độ chuyên môn, ý thức tác phong công nghiệp và việc chấp hành các quy định của pháp luật ATVSLĐ của người lao động còn hạn chế, không ít trường hợp chủ quan, vi phạm quy trình, quy định an toàn dẫn đến tai nạn lao động...
Ông Trần Kim Long, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho rằng: Thời gian tới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động vẫn được coi là giải pháp nền tảng, cốt lõi để tạo bước chuyển vững chắc trong việc triển khai Luật ATVSLĐ.
Cũng theo đánh giá từ LĐLĐ tỉnh, thực tế triển khai Luật ATVSLĐ cũng đã cho thấy những vấn đề mới nảy sinh chưa được pháp luật quy định và cần được pháp luật điều chỉnh. Trong đó phải kể đến thực trạng có một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân thường tự mua các loại máy móc cũ (máy cẩu, xe nâng) về tự sửa chữa, hoán cải, lắp ráp để sử dụng dễ gây nguy hiểm, vì vậy, cần sớm có quy định cụ thể việc quản lý, kiểm định với loại thiết bị này nhằm bảo vệ an toàn cho công nhân lao động.
Về nội dung huấn luyện an toàn lao động tại doanh nghiệp, hiện nay Luật cũng đã có quy định rõ ràng: Doanh nghiệp có nghĩa vụ tổ chức công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động làm việc cho mình.
Trong công tác này, các cá nhân trong doanh nghiệp được phân chia vào 6 nhóm: Người quản lý phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp; Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; Người lao động…
Tuy nhiên, trên thực tế quy định này chỉ phù hợp với loại hình doanh nghiệp sản xuất trực tiếp, còn đối với các loại hình doanh nghiệp dịch vụ như: Vận tải, du lịch, thương mại,... thì rất khó vì các doanh nghiệp này thường có số lao động mỗi nhóm ít, khó để tổ chức đào tạo, huấn luyện.
Đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho rằng cần có quy định riêng về việc huấn luyện ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp về lĩnh vực vận tải, du lịch, thương mại...
Một nội dung khác cũng nhận được các ý kiến đề xuất của nhiều doanh nghiệp, đó là các quy định về điều kiện để người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật còn chưa hợp lý, mức bồi dưỡng thấp trong khi giá cả thị trường tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lựa chọn mua hiện vật bồi dưỡng cho người lao động (chủ yếu là mua đường, sữa), trong khi một bộ phận công nhân lao động không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được hiện vật bồi dưỡng nhưng doanh nghiệp vẫn buộc người lao động phải nhận vì nếu trả bằng tiền sẽ vi phạm quy định của pháp luật. '
Lao động làm việc tại HTX Sinh Dược (Gia Viễn). Ảnh: Bùi Diệu
"Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, ban hành Thông tư hướng dẫn bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho người lao động theo hướng linh hoạt hơn để doanh nghiệp và người lao động đều có cơ hội lựa chọn hình thức bồi dưỡng phù hợp với thực tế và nhu cầu."- Chủ tịch CĐCS Công ty Giầy Athena nêu ý kiến.
Đặc biệt, hiện Luật ATVSLĐ không quy định mức sàn phụ cấp cho an toàn vệ sinh viên dẫn tới nhiều doanh nghiệp chỉ thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên để đối phó với các cơ quan quản lý khi thanh tra, kiểm tra mà không quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động. An toàn vệ sinh viên không có phụ cấp hoặc phụ cấp ở mức rất thấp dẫn tới không khích lệ được an toàn vệ sinh viên làm việc có trách nhiệm, hiệu quả.
Đại diện LĐLĐ tỉnh cho rằng: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên xem xét có quy định riêng về chế độ phụ cấp cho đội ngũ an toàn vệ sinh viên, phải quy định mức thấp nhất, còn với mức cao hơn sẽ do công đoàn cơ sở thương lượng với người sử dụng lao động, có như vậy mới khích lệ được an toàn vệ sinh viên làm việc có trách nhiệm, hiệu quả.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động.
Cần có chế tài cụ thể trong trường hợp người sử dụng lao động cố tình trốn tránh không thực hiện việc bồi thường hoặc trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động.
Sau 5 năm triển khai, nhìn nhận lại những mặt tích cực cũng như những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật cho phù hợp với các tình huống thực tế mới phát sinh là việc làm cần thiết để Luật An toàn Vệ sinh Lao động thực sự là cơ sở, là nền tảng vững chắc, đóng góp quan trọng vào công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động