Bước tiến quan trọng đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục công bằng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 22/5, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi; Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.
Miễn học phí cần đi kèm với giảm tối đa các loại phí

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội hoan nghênh chủ trương miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Các đại biểu cho rằng đây là những chủ trương "rất nhân văn" và là bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục công bằng.
Tác động của việc miễn học phí là sẽ giảm gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình, giúp người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giảm áp lực tài chính, nhất là sau đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh giá cả leo thang, từ đó giúp xóa bỏ rào cản tài chính, đảm bảo sự công bằng giữa trường công và trường tư, đô thị và nông thôn, chính quy và không chính quy.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng và ban hành nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân là một minh chứng sinh động cho việc tiếp thu, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; góp phần đảm bảo an sinh, xã hội, giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình có con đang theo học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên toàn quốc.
Cũng theo đại biểu, Nghị quyết này được ban hành không chỉ có ý nghĩa về giáo dục mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện chiến lược dân số quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp ở nhiều đô thị lớn và bước vào giai đoạn già hóa dân số, thì việc miễn, hỗ trợ học phí sẽ giúp các gia đình yên tâm sinh và nuôi con, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý, phát triển bền vững đất nước.
Đánh giá cao ý nghĩa của việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh), nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, phân tích: "Trẻ em đến 6 tuổi là hoạt động thần kinh cơ bản được định hình ổn định. Do đó, giáo dục trẻ ở độ tuổi 3, 4, 5 tuổi cực kỳ quan trọng. Nếu có hướng dẫn về nội dung, hướng dẫn về hoạt động giao tiếp, hướng dẫn được quá trình nhận thức, tìm hiểu thiên nhiên và cả rèn luyện sức khỏe thì khi hết 5 tuổi, để 6 tuổi vào lớp 1, chúng ta có một lớp học sinh có tiền đề rất tốt để sau này trở thành công dân phát triển toàn diện”.
Có cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho biết, qua thực tế khảo sát khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều trẻ không qua giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn trong tiếp nhận tri thức phổ thông. Nhiều trường hợp trẻ học đến các lớp cao còn đọc viết chưa thạo. Theo đại biểu, mục tiêu giáo dục mầm non là giúp cho phát triển thể chất và phát triển về tình cảm, trí tuệ, thể trạng, hình thành nhân cách của con người. Với khu vực miền núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em còn gặp khó khăn trong giao tiếp tiếng Việt, nếu trẻ không qua mầm non để học tiếng Việt mà vào học thẳng lớp 1, lớp 2 trở đi sẽ rất khó khăn trong tiếp nhận kiến thức.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh hai chính sách giáo dục trên nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo nền tảng để phát triển nguồn nhân lực tương lai, với quan điểm đầu tư vào giáo dục mầm non và phổ thông là khoản đầu tư xác đáng cho nguồn nhân lực tương lai.
Để thực hiện có hiệu quả và bền vững các chính sách trên, một số đại biểu Quốc hội đề xuất xem xét thời điểm áp dụng nghị quyết về phổ cập mầm non (3-5 tuổi), có thể lùi đến năm học 2026-2027 để có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, chủ trương miễn học phí được nhiều đại biểu đề nghị áp dụng sớm.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần đảm bảo nguồn kinh phí để bù đắp khoản thiếu hụt từ miễn học phí, đặc biệt là đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách (cần có cơ chế cấp bù từ Trung ương); cùng với đó cần khẩn trương bổ sung giáo viên (đặc biệt cho lớp 3-4 tuổi) và đầu tư thêm cho trường lớp, cơ sở vật chất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Các đại biểu cũng đề nghị cần có sự đồng bộ với các chính sách hỗ trợ khác như sách giáo khoa, điều kiện sinh hoạt cho học sinh, nhất là ở vùng khó khăn, để chính sách miễn học phí phát huy tác dụng tối đa; đồng thời cần làm rõ việc áp dụng chính sách miễn học phí đối với các loại hình cơ sở giáo dục khác nhau (công lập chất lượng cao, trường năng khiếu, trường thực hành, trường tư thục) và đi kèm với đó là giảm tối đa các khoản phí trường lớp khác.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) phân tích: “Chúng ta đã có chính sách miễn học phí, thì làm thế nào các trường công lập hạn chế mức đóng các loại phí khác đi, từ học thêm đến các loại hình giáo dục bổ trợ khác cần cân đối dùng ngân sách nhà nước, để thể hiện sự ưu việt, toàn diện của hệ thống trường công phổ thông... Các trường phổ thông, theo tôi, vấn đề dạy thêm, học thêm là cho các em học sinh có học lực yếu và chủ yếu bằng ngân sách nhà nước”.
Các đại biểu đề nghị sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết, phân cấp cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương để chuẩn bị đầy đủ điều kiện triển khai.
Kéo dài hơn thời hạn miễn thuế đất nông nghiệp
Cũng tại phiên thảo luận tổ chiều cùng ngày, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14, đa số các đại biểu Quốc hội ủng hộ việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030, xem đây là việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) ủng hộ việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030; nhấn mạnh nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam và cần có chính sách hỗ trợ khi chuyển đổi sang nông nghiệp công nghệ cao, thông minh.Tuy nhiên, đại biểu đề xuất nội dung miễn thuế này chỉ nên đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thay vì ban hành nghị quyết riêng.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị nên nghiên cứu kéo dài thời gian miễn thuế thay vì cứ 5 năm lại trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết mới. Việc kéo dài thời gian miễn thuế đất nông nghiệp trên 5 năm sẽ giúp người sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là người nông dân, chủ các trang trại, các doanh nghiệp có tầm nhìn xa hơn với kế hoạch đầu tư bài bản, dài hạn hơn, mạnh dạn hình thành những vùng chuyên canh về cây con, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Theo đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa), hơn 15 năm thực hiện, đặc biệt trong giai đoạn 2021- 2025, việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã khẳng định là quyết sách rất ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nông dân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Thống nhất với chủ trương là tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, song đại biểu đề nghị nên nghiên cứu việc kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân trong 10 năm (kéo dài thời hạn đến năm 2035).
Một số đại biểu cũng lưu ý cùng với việc miễn thuế, cũng phải đánh giá kỹ tác động và có các biện pháp ngăn chặn việc trục lợi chính sách, xem xét xử phạt đối với những người sử dụng đất nông nghiệp nhưng để đất hoang hóa, không đưa đất vào sử dụng.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần bổ sung rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết, trong đó giao Bộ Tài chính hướng dẫn, phối hợp địa phương triển khai, đồng thời đề nghị Chính phủ định kỳ tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để đảm bảo tính liên tục, hiệu quả và giám sát xuyên suốt chính sách.