Bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện hạ tầng số Việt Nam

Bộ KH&CN vừa bổ sung 500 MHz phổ tần trong băng tần 6 GHz cho các thiết bị mạng nội bộ không dây (Wi-Fi) hoạt động theo hình thức miễn cấp phép. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng số của Việt Nam.

Bộ KH&CN vừa ban hành Thông tư 01 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 08 năm 2011 của Bộ TT&TT quy định “Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo”.

Đây là Thông tư đầu tiên được Bộ KH&CN mới ban hành, sau khi hợp nhất Bộ KH&CN (cũ) với Bộ TT&TT.

Việc bổ sung 500 MHz băng tần 6 GHz cho Wi-Fi được kỳ vọng là cú hích mạnh mẽ cho các công nghệ và ứng dụng tương lai. Ảnh minh họa: D.V

Việc bổ sung 500 MHz băng tần 6 GHz cho Wi-Fi được kỳ vọng là cú hích mạnh mẽ cho các công nghệ và ứng dụng tương lai. Ảnh minh họa: D.V

Điểm nhấn đáng chú ý nhất của Thông tư mới này là việc phê duyệt bổ sung 500 MHz phổ tần trong băng tần 6 GHz (dải tần 5925 - 6425 MHz) cho các thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN/RLAN), thường được biết đến là Wi-Fi, được hoạt động theo hình thức miễn cấp phép.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ KH&CN), đây là bước đi quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tốc độ và dung lượng kết nối không dây, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng viễn thông và hạ tầng số quốc gia.

Quy định mới đánh dấu sự mở rộng về phổ tần dành cho Wi-Fi tại Việt Nam, tăng thêm gần 75% so với tổng lượng phổ tần Wi-Fi hiện có (khoảng 663,5 MHz tại các băng tần 2,4 GHz và 5 GHz).

Quy định mới được nhận định cũng sẽ mở đường cho các thiết bị Wi-Fi thế hệ mới như Wi-Fi 6E và Wi-Fi 7 hoạt động tại Việt Nam với đầy đủ tính năng và băng thông tối đa, cung cấp tốc độ kết nối vượt trội, cải thiện rõ rệt trải nghiệm sử dụng Internet không dây của cả người dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp.

Việc bổ sung 500 MHz băng tần 6 GHz cho Wi-Fi được kỳ vọng là cú hích mạnh mẽ cho các công nghệ và ứng dụng tương lai như thực tế ảo, thực tế tăng cường, streaming video chất lượng cao 4K/8K, và các dịch vụ IoT tiên tiến.

Chiến lược hạ tầng số Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã xác định Wi-Fi thế hệ mới là một thành phần không thể thiếu của hạ tầng viễn thông và Internet.

Wi-Fi thế hệ mới đóng vai trò trung gian quan trọng giữa mạng cố định băng rộng và thiết bị đầu cuối để phổ cập kết nối tốc độ cao độ trễ thấp đến hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.

Trước đó, chia sẻ tại hội thảo "Công nghệ miễn cấp phép thế hệ mới phục vụ phát triển kinh tế số” trong khuôn khổ Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra hồi tháng 11/2024, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Thái Hòa cho hay, các công nghệ sử dụng băng tần miễn cấp phép đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ bởi tính linh hoạt, hiệu quả về chi phí mà còn vì vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số.

Công nghệ sử dụng băng tần miễn cấp phép cũng đã được mở rộng không gian ứng dụng từ các thiết bị cá nhân, nhà thông minh, IoT đến tự động hóa sản xuất. Qua đó, tạo điều kiện cho hàng tỷ thiết bị giao tiếp hiệu quả, nhờ vào các cơ chế chia sẻ phổ tần tiên tiến và khả năng hoạt động ổn định trong môi trường nhiễu.

“Băng tần 6GHz là băng tần có băng thông rộng, liên tục, mang đến lợi thế lớn cho các công nghệ vô tuyến băng rộng, với khả năng cân bằng giữa dung lượng, tốc độ và cự ly truyền dẫn. Vì thế, băng tần 6GHz được xem là băng tần then chốt cho các công nghệ vô tuyến thế hệ mới như Wi-Fi 6E, Wi-Fi 7 và 5G/6G để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nền tảng công nghệ và dịch vụ số”, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện thông tin thêm.

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/buoc-tien-quan-trong-qua-trinh-hoan-thien-ha-tang-so-viet-nam-2387649.html