Ngày Thế giới phòng chống bom mìn: Số hóa bản đồ bom mìn để giải phóng đất đai, phòng tránh tai nạn
Bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh là cơ sở để lập quy hoạch, kế hoạch cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội và triển khai các hoạt động rà phá...
Là lực lượng nòng cốt đảm nhiệm công tác xử lý bom mìn sau chiến tranh của Bộ Quốc phòng, Binh chủng Công binh (BCCB) những năm qua đã số hóa bản đồ bom mìn, góp phần thiết thực vào việc lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các khu vực vẫn còn bom mìn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam.
Nhân Ngày Quốc tế Nhận thức Bom mìn và Hỗ trợ hành động Bom mìn (4-4), Đại tá Hà Huy Khánh, Phó Tư lệnh BCCB đã trao đổi với PLO vềcông tácđiều tra, khảo sát ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.

Đại tá Hà Huy Khánh, Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh. Ảnh: BCCB
Còn sót rất nhiều bom đạn ở khu vực đông dân cư
. Phóng viên: Thời gian qua, chúng ta đã phát hiện một số bom mìn tại các khu vực đông dân cư. Với vai trò nòng cốt trong xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh đã xử lý như thế nào?
+ Đại tá Hà Huy Khánh: Xin khẳng định là trong thời gian qua, không chỉ một số mà các lực lượng chức năng và người dân địa phương phát hiện rất nhiều bom đạn ở khu vực đông dân cư, từ thành thị đến nông thôn.
Trong chiến tranh, các thành phố, làng mạc, khu tập trung đông dân cư thường là mục tiêu đánh phá của không quân địch, trong đó tỉ lệ bom, đạn chưa phát nổ đã để lại hiểm họa khôn lường cho nhân dân ở thời kỳ hậu chiến tranh.
Chỉ tính riêng khu vực Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thu gom và xử lý hàng trăm loại bom, đạn do người dân cung cấp.
Chiều 24-10-2024, Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh tổ chức cưa tháo ngòi nổ, thuốc nổ quả bom M118-3000 pound (tương đương 1.362 kg, dài 210 cm, đường kính 56 cm) được phát hiện tại gần trụ số 9 cầu Long Biên, TP Hà Nội ngày 21-10-2024. Video: VỮNG NGUYỄN
Ví dụ như năm 2017, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phát hiện quả bom ký hiệu M-118, nặng khoảng 1,3 tấn tại chân cầu Long Biên và tháng 10, 11-2024 cũng tại khu vực cầu Long Biên đã phát hiện thêm 3 quả bom có trọng lượng từ 750 kg đến 1,3 tấn. Ngoài ra, khu vực sông Tích Giang, các huyện lân cận đều phát hiện nhiều chủng loại bom, có loại nguy hiểm như bom bi, ...
Các trường hợp trên, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vật nổ, cơ quan chức năng Bộ Tư lệnh Công binh đã trực tiếp xử lý hoặc hướng dẫn các cơ quan quân sự địa phương nhanh chóng phối hợp với công an, chính quyền địa phương tiến hành khoanh vùng, canh giữ khu vực có vật nổ, đồng thời lên phương án phối hợp xử lý theo quy trình, theo phân cấp, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Ngày 24-3-2025, dưới sự chứng kiến của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - Marc Knapper, Lục quân Mỹ đã bàn giao chính thức Thao trường huấn luyện xử lý vật liệu nổ tại Ba Vì (Thao trường Ba Vì) cho Bộ Quốc phòng Việt Nam nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong công tác rà phá bom mìn chưa nổ. Ảnh: BCCB
Huy động nhiều nguồn lực để xử lý bom mìn
. Chúng ta cần huy động những nguồn lực nào để có thể nhanh chóng khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh?
+ Có hai nguồn lực chính là trong nước và nguồn lực vận động được từ cộng đồng quốc tế, trong đó nguồn lực trong nước chủ yếu và mang tính chủ động cao, bao gồm nguồn từ ngân sách nhà nước; nguồn doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển kinh tế, xã hội và nguồn vận động từ các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm…,
Từ năm 2010 - 2014, BCCB trực tiếp triển khai thực hiện thành công dự án “Điều tra, khảo sát lập bản đồ nghi ngờ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc”.
Giai đoạn 2010 - 2025 (tính đến hết tháng 12-2024), trên cả nước đã triển khai tổng số 7.252 dự án, nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ, với nguồn kinh phí là 20.590 tỉ đồng, giải phóng được gần 504.000 ha đất, thu gom và tiêu hủy an toàn hàng trăm tấn bom mìn vật nổ.
Giai đoạn từ năm 2010 - 2024, diện tích ô nhiễm bom mìn, vật nổ đã giảm được 0,5 triệu ha (từ 6,1 triệu ha năm 2010 xuống còn 5,6 triệu ha.)
Giai đoạn từ 2020 - 2025, tổng nguồn vốn nước ngoài cam kết tài trợ hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam khoảng 84,3 triệu USD.
Vừa qua, Chính phủ Hoa Kỳ dưới quyền của Tổng thống Donald Trump đã ban hành sắc lệnh tạm ngừng các nghĩa vụ viện trợ nước ngoài mới và ngừng giải ngân trong vòng 90 ngày để rà soát đối với tất cả các chương trình viện trợ nước ngoài hiện hành.
Các dự án do Hoa Kỳ viện trợ khắc phục hậu quả bom mìn cho các địa phương thông qua các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam cũng nằm trong đối tượng bị tạm dừng để rà soát nên các dự án từ nguồn viện trợ của Hoa Kỳ đang triển khai phải tạm dừng. Theo đó, các địa phương Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao có ý kiến với phía Hoa Kỳ.
Bộ Quốc phòng đã có văn bản gửi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam có ý kiến với Quốc hội và Chính phủ Mỹ quan tâm thực hiện các nội dung đã cam kết thực hiện giữa hai Chính phủ đặc biệt là trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Các cơ quan chức năng tăng cường nắm bắt, kết nối thông tin với cơ quan chức năng Hoa Kỳ để thúc đẩy trở lại bảo đảm tiến độ, kết quả thực hiện là một nội dung quan trọng trong tổ chức sự kiện 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tuy vậy, các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vẫn đang được Bộ Quốc phòng chủ động triển khai.

Đại tá Hà Huy Khánh, Phó Tư lệnh BCCB kiểm tra năng lực rà phá bom mìn vật nổ tại Lữ đoàn 83 Hải quân, tháng 6-2023. Ảnh: BCCB
Số hóa bản đồ bom mìn để giải phóng đất đai
. Bản đồ bom mìn hiện nay được xây dựng dựa trên những tiêu chí và công nghệ nào?
+ Tiêu chí là đảm bảo tính khoa học, chính xác, khách quan, đầy đủ thông tin và phù hợp với các nguồn dữ liệu, bao gồm dữ liệu từ các dự án điều tra khảo sát ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh và dữ liệu từ các nguồn khác.
Theo đó, giai đoạn 2004-2009, dự án điều tra khảo sát ô nhiễm bom mìn 6 tỉnh miền Trung do BCCB thực hiện dưới hỗ trợ của Chính phủ Mỹ.
Giai đoạn 2010-2014, Dự án điều tra khảo sát ô nhiễm bom mìn vật nổ do Bộ Quốc phòng chủ trì, Bộ Tư lệnh Công binh mà trực tiếp là Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn thực hiện tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.
Dữ liệu từ các nguồn khác là các tư liệu lịch sử và tổng kết chiến tranh của Việt Nam; dữ liệu đánh phá của không quân, hải quân Mỹ được cung cấp bởi Chính phủ Mỹ và các tổ chức hành động mìn quốc tế; từ thực tế báo cáo của các tỉnh/thành phố và các nhân chứng lịch sử.
Giai đoạn từ 2016-2017 hợp nhất dữ liệu điều tra khảo sát từ 2 dự án, chuẩn hóa dữ liệu. Ngày 4-4-2018, Bộ Quốc phòng đã chính thức công bố Bản đồ ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam.
Về công nghệ, bản đồ là sự kết hợp của phần mềm phân tích và xử lý dữ liệu bản đồ kỹ thuật số ArcGIC pro với phần mềm hệ thống quản lý thông tin dữ liệu bom mìn quốc tế IMSMANG V6 và tiến tới phát triển lên phần mềm IMSMA core.
. Bản đồ bom mìn có ý nghĩa như thế nào trong việc lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các khu vực vẫn còn bom mìn sót lại sau chiến tranh, thưa ông?

Tỉnh Hà Giang hiện còn khoảng 85.000 ha đất rừng bị ô nhiễm bởi bom mìn, vật nổ. Riêng tuyến biên giới Việt – Trung còn trên 25.000 ha, trong đó có trên 9.000 ha bị ô nhiễm nặng. Ảnh: BCCB
+ Bản đồ ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh là cơ sở để các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất lãnh đạo, chỉ huy các cấp ra các quyết sách trong lập quy hoạch, xây dựng đề án, kế hoạch, bố trí nguồn lực cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội tại các khu vực còn ô nhiễm bom mìn vật nổ.
Là cơ sở để cấp có thẩm quyền triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tại từng khu vực, từng địa phương và trên toàn quốc; bao gồm cả các hoạt động rà phá bom mìn vật nổ để giải phóng đất đai, các hoạt động giáo dục, tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ và hỗ trợ nạn nhân bom mìn; góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực và địa phương.

Được thành lập vào tháng 8-2018, MAT 19 là tên gọi của đội nữ rà phá bom, mìn duy nhất trong 40 đội rà phá bom mìn do tổ chức phi chính phủ Nhóm Cố vấn Bom mìn (MAG) triển khai hoạt động tại tỉnh Quảng Trị, có nhiệm vụ rà phá các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh bằng máy móc chuyên dụng. Ảnh: Hồ Cầu
Bản đồ ô nhiễm bom mìn vật nổ giúp nâng cao tính minh bạch, chính xác, kịp thời trong công tác quản lý nhà nước, từ đó hỗ trợ các chủ dự án, các nhà đầu tư, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế xác định sát thực tế nguồn lực đầu tư vào dự án, vào khu vực bị ảnh hưởng bởi bom mìn vật nổ sau chiến tranh.
. Với sự phát triển của công nghệ, BCCB có kế hoạch gì để cải tiến và mở rộng việc sử dụng cơ sở dữ liệu bản đồ bom mìn trong tương lai, nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro cho cộng đồng?
+ Binh chủng Công binh đã đề xuất triển khai Đề án nâng cao năng lực thực hiện rà phá bom mìn vật nổ trong toàn quân giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo, trong đó có hợp phần Dự án tăng cường năng lực quản lý thông tin trong rà phá bom mìn vật nổ.
Theo đó, sẽ tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm cho Trung tâm Cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia thuộc VNMAC và 15 đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu bom mìn cấp tỉnh/thành phố bị ô nhiễm nặng bom mìn vật nổ (Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk). Các tỉnh thành còn lại sẽ nâng cấp từng phần theo từng giai đoạn.
. Xin cảm ơn Đại tá!
Thời gian tới, Trung tâm Cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia tiếp tục tập trung nâng cấp, triển khai phần mềm quản lý dữ liệu bom mìn IMSMA Core. Đây là bộ phần mềm do Trung tâm quốc tế hành động bom mìn nhân đạo Geneva - GICHD cung cấp.
Từ đó, đảm bảo việc cập nhật và chia sẻ dữ liệu trực tuyến thông qua mạng internet, giúp chuẩn hóa, lưu trữ và cập nhật dữ liệu một cách đồng bộ, kịp thời. Đồng thời, việc tra cứu, truy xuất dữ liệu khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ nhanh chóng và chính xác.