Bước tiến trên hành trình hội nhập
Khu vực tự do đi lại ở châu Âu (Schengen) vừa đón nhận tin vui vào dịp đầu năm mới, khi Romania và Bulgaria trở thành thành viên chính thức của khu vực từ ngày 1/1/2025.
Việc trở thành thành viên chính thức của khối Schengen đã khép lại chặng đường 14 năm nỗ lực hội nhập, vượt qua đầy rẫy chông gai của hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Romania và Bulgaria. Dù được Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên “bật đèn xanh” gia nhập khối Schengen vào năm 2011, hai quốc gia này đã vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia thành viên khối do chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về quản lý đường biên giới bên ngoài, chống tội phạm xuyên biên giới…
Vào giai đoạn 2015-2016, cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng tại Lục địa già, bắt nguồn từ xung đột ở Trung Đông, càng khiến hành trình gia nhập Schengen của hai quốc gia Đông Âu thêm sóng gió. Phải đến cuối tháng 3/2024, sau hàng loạt nỗ lực bền bỉ, Bulgaria và Romania mới gia nhập một phần khu vực Schengen rộng lớn, với việc đi lại bằng đường hàng không và đường biển không cần kiểm tra biên giới.
Song các biện pháp kiểm soát trên biên giới đất liền vẫn được duy trì, bởi Áo phản đối các nước này trở thành thành viên chính thức của khối Schengen. Đến cuối năm 2024, Áo mới đồng ý dỡ bỏ quyền phủ quyết lâu nay với hai quốc gia, tháo gỡ nút thắt cuối cùng trên hành trình hội nhập của Bulgaria, Romania và cũng mở ra một chương phát triển mới cho khu vực đi lại tự do châu Âu.
Trước thành tựu lớn lao này, Bulgaria và Romania đã tổ chức kỷ niệm ngày chính thức gia nhập hoàn toàn Schengen. Ngay vào thời khắc cả thế giới hân hoan đón chào năm mới 2025, các bộ trưởng nội vụ của Bulgaria và Romania đã cùng nhau nâng rào chắn biểu tượng trên Cầu Hữu nghị bắc qua sông Danube để đánh dấu thời khắc lịch sử của hai nước.
Trang Euronews nhận định, hình ảnh những hàng dài người xếp hàng tại 30 khu vực biên giới trên đất liền giữa Romania và Bulgaria sẽ sớm trở thành dĩ vãng, dù các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm ngăn ngừa tội phạm.
Được coi là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của châu Âu, khu vực Schengen với đường biên giới mở không chỉ là biểu tượng về gắn kết các quốc gia thành viên, mà còn mang ý nghĩa quan trọng về kinh tế, giúp các nước hình thành những mối quan hệ đối tác thương mại gần gũi và thu hút khách du lịch. Được thành lập vào năm 1985, khối Schengen hiện gồm 25 trong số 27 quốc gia thành viên EU, cùng với Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.
Tuy nhiên, khi các biến động chính trị, xã hội xảy ra tại châu Âu, Hiệp ước Schengen, vốn xóa nhòa biên giới để người dân tự do đi lại giữa các nước thành viên, không ít lần lâm nguy. Điển hình là cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai xuất hiện vào năm 2015 đã khiến nhiều quốc gia châu Âu phải kiểm soát biên giới. Lo ngại về làn sóng tị nạn cũng từng là nguyên nhân chính khiến Bulgaria và Romania không nhận được sự chấp thuận gia nhập khối Schengen của một số nước thành viên.
Trở thành một phần của “đại gia đình” Schengen là dấu mốc quan trọng với Bulgaria và Romania, mà trước tiên là nâng cao vị thế quốc tế của hai nước này. Đây cũng là cú huých lớn cho nền kinh tế hai quốc gia Đông Âu, khi các cửa khẩu biên giới không còn đối mặt tình trạng chậm trễ kéo dài, giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển và cải thiện hoạt động thương mại. Theo ước tính, gia nhập khối Schengen sẽ thúc đẩy GDP của Romania và Bulgaria tăng lên ít nhất 1%.
Giới chính trị gia châu Âu coi việc Romania và Bulgaria chính thức gia nhập khối Schengen là “chiến thắng lớn” cho cả hai nước và châu Âu.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/buoc-tien-tren-hanh-trinh-hoi-nhap-post854210.html