Sudan vẫn chìm trong cuộc khủng hoảng nhân đạo
Một quan chức Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) hôm qua cho biết, sau 20 tháng xung đột vũ trang, Sudan 'vẫn đang chìm trong vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng nhân đạo với quy mô đáng kinh ngạc', đồng thời kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
"Xung đột vũ trang tiếp tục tác động nghiêm trọng đến dân thường, bao gồm cả những người làm công tác nhân đạo, trên khắp đất nước, bất chấp những lời kêu gọi chấm dứt chiến sự". Đó là phát biểu của bà Edem Wosornu - Giám đốc Hoạt động và vận động tại Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo OCHA tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bà Edem Wosornu cho biết, tình hình ở Sudan và chung quanh El Fasher ở Bắc Darfur vẫn "đặc biệt khốc liệt".
Theo dữ liệu của OCHA, ước tính có hơn 11,5 triệu người phải di dời do chiến sự, trong đó gần 8,8 triệu người đã phải di dời kể từ tháng 4/2023. Hơn 3,2 triệu người khác phải chạy sang các nước láng giềng.
Bà Edem Wosornu cảnh báo: "Việc giao tranh ngày càng dữ dội và khả năng tiếp cận các khu vực người dân bị đói trở nên khó khăn hơn, sẽ khiến nạn đói lan rộng".
Phân tích mới nhất từ báo cáo Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) chỉ ra rằng, tình trạng nạn đói đang hiện hữu ở 5 khu vực tại Sudan. Phân tích này cũng dự đoán 5 địa điểm khác, tất cả đều ở Bắc Darfur, sẽ bị ảnh hưởng vào giữa năm 2025.
Bà Wosornu mô tả tình trạng đang diễn ra là "một cuộc khủng hoảng do con người gây ra", đồng thời nói thêm rằng Sudan hiện là nơi duy nhất trên thế giới ghi nhận có nạn đói.
"Tình trạng thiếu lương thực với quy mô chưa từng có ở Sudan đòi hỏi phải huy động sự hỗ trợ quốc tế", Bà Wosornu cho biết, và kêu gọi 4,2 tỷ USD từ Kế hoạch ứng phó và nhu cầu nhân đạo của Sudan năm 2025 để hỗ trợ gần 21 triệu người.
Beth Bechdol, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết trong cuộc họp báo rằng, xung đột và việc di dời do chiến sự là những tác nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực. "Tình trạng này trầm trọng hơn do những hạn chế trong việc tiếp cận nhân đạo gây ra", bà Beth Bechdol khẳng định.
Gần 90% hộ gia đình phải di chuyển khắp đất nước hiện không đủ khả năng mua thực phẩm. Bà kêu gọi các quốc gia thành viên ưu tiên viện trợ và bảo đảm tiếp cận nhân đạo "ngay lập tức và không bị cản trở".
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sudan-van-chim-trong-cuoc-khung-hoang-nhan-dao-post854744.html