Bước tiến trong quản lý mạng xã hội xuyên biên giới
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), nếu như năm 2018, tỷ lệ các mạng xã hội xuyên biên giới thực thi luật pháp Việt Nam về gỡ bỏ thông tin xấu độc chỉ đạt từ 10-20% thì đến năm 2023, tỷ lệ này đã đạt từ 90-95%. Kết quả này cho thấy, việc đấu tranh, buộc các nền tảng xuyên biên giới thực thi pháp luật Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc, đáng ghi nhận.
Đưa các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới vào khung khổ pháp lý
Số liệu thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, chỉ tính trong tháng 10/2023, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam. Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 404 bài viết, 1 group và 7 tài khoản vi phạm, đạt tỷ lệ 90%. Google đã gỡ 480 video vi phạm trên Youtube, đạt tỷ lệ 92%. TikTok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm, đạt tỷ lệ 95%, trong đó, xóa 44 tài khoản có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ. Đặc biệt, Bộ TT&TT đã công bố kết quả thanh tra toàn diện hoạt động của TikTok Việt Nam với hàng loạt sai phạm, đồng thời yêu cầu đơn vị quản lý TikTok Việt Nam sớm có biện pháp khắc phục sai phạm.
Trước đó, trong tháng 9/2023, Facebook cũng đã chặn, gỡ bỏ hơn 364 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; gỡ 1 group và 1 tài khoản giả mạo. Google đã gỡ 380 video vi phạm trên Youtube, xóa 7 kênh có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, chứa khoảng 23.733 video. Còn TikTok đã chặn, gỡ bỏ 33 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, trong đó, ứng dụng này đã xóa 4 tài khoản livestream bình luận xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, chia sẻ hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò, 10 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và 13 tài khoản bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ trên TikTok… Với con số trung bình hằng tháng hiện nay, nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hàng chục nghìn nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam đã được các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT cho biết: Sau khi công bố kết luận kiểm tra toàn diện với TikTok Việt Nam, đại diện TikTok Singapore, đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành cung cấp dịch vụ TikTok tại Việt Nam đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam. Sau buổi làm việc, TikTok Singarpore đã có văn bản cam kết thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng, đặc biệt là cam kết bảo vệ trẻ em trên môi trường TikTok. Theo ông Do, những tháng gần đây, bằng công cụ giám sát của Bộ TT&TT, nền tảng TikTok có chuyển biến tích cực, nội dung độc hại giảm nhiều. TikTok cũng phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn nhanh các tài khoản độc hại, vi phạm pháp luật và bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ trên TikTok.
Cũng theo lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên môi trường mạng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới; duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc ở mức cao. Đồng thời, tăng cường đấu tranh để khóa hoạt động các tài khoản, hội nhóm, trang, kênh nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới; thí điểm giám sát, thanh kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam.
Đồng bộ các giải pháp để bảo vệ người dùng
Đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới là một chủ trương đã được Bộ TT&TT, đầu mối là Cục PTTH&TTĐT thực hiện trong nhiều năm qua. Hoạt động này bao gồm việc buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, sai lệch, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp vì không có tiền lệ, không có quy định sẵn để thi hành. Bộ TT&TT đã tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên không gian mạng, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi vi phạm căn cứ theo Luật An ninh mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ VHTT&DL, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Y tế... triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao để đấu tranh, buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, đáp ứng ở mức cao các yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật của Bộ TT&TT. Và việc các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm đạt tỷ lệ từ 90-95% như hiện nay không chỉ giúp quản lý tốt hơn thông tin xấu độc, tạo sự công bằng trong công tác quản lý đối với các nền tảng trong nước và xuyên biên giới, mà còn giúp bảo vệ người dùng tốt hơn, an toàn hơn khi tham gia trên không gian mạng.
Thông tin thêm về vấn đề này tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về mặt quy định pháp luật, các mạng xã hội đều có cơ chế tiếp nhận phản ánh của người dân, có trách nhiệm tự rà quét và tự gỡ bỏ các nội dung vi phạm. Gần 5 năm trước, Bộ TT&TT đã thành lập Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia có chức năng tự rà quét và tự gỡ bỏ thông tin xấu độc. Bộ TT&TT cũng đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả quốc gia và sắp tới sẽ ban hành quy định ở các địa phương phải có trung tâm này để hỗ trợ người dân kịp thời hơn.
“Bộ, ngành, địa phương nào quản lý cái gì trong thế giới thực thì phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng. Khi thực thi gặp khó khăn thì sẽ có sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, Bộ Công an là hai bộ nòng cốt nhưng việc chính vẫn phải là các bộ chuyên ngành. Hiện nay có hiện tượng một số bộ, ngành, địa phương cứ nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ TT&TT hoặc là của Bộ Công an. Nhận thức này rất cần thay đổi”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.