Buổi đầu đi học

Bao giờ cũng vậy, lúc trời đã chuyển mình vào thu thì cây ổi lòng đào nhà tôi mới cho quả ngọt hơn bao giờ hết. Suốt mùa hè, trái chín như nắng vàng óng đầy cành và thơm nức mũi, nhưng những trận mưa rào xối xả đã làm cho vị ổi nhạt và hơi chua.

Minh họa: Công Quốc Hà.

Minh họa: Công Quốc Hà.

Hương ổi chín đánh thức bầy chào mào dậy sớm, từ tinh mơ đã hót vang cả khoảng sân nhỏ. Chúng ríu rít mổ ăn làm quả chín rụng xuống sân lịch bịch. Nhiều buổi sáng tôi thức dậy, chạy ra là nhặt được cả một rổ ổi chín vàng thơm phức. Có thể khi mùa thu sang, trời tạnh ráo nên trái chín thơm ngọt hơn. Tôi luôn thích ăn những quả ổi cành tơ, sần sùi còn hơi xanh, cắn giòn tan, ngon hơn hẳn quả chín mềm và có làn da láng bóng. Điều này tôi nhớ rất rõ bởi sở thích ấy gắn với một kỷ niệm khó quên của tôi trong ngày đầu tiên đi học. Lớp học vỡ lòng.

Gọi là lớp học nhưng đấy là một gian trong ngôi đình làng tôi. Ngày đó cũng đã cách đây hơn 40 năm. Buổi đầu tiên đi học, tôi chẳng cần bố mẹ đưa tới lớp, một nơi đã quá quen thuộc. Ngày nào mà tôi chả cùng đám bạn nhảy dây, chơi chuyền nơi ấy. Trong chiếc túi vải thay vì cặp sách, ngoài chiếc bảng đen đã cũ, mấy mẩu phấn, chiếc giẻ lau bảng, một cuốn vở, chiếc bút chì con con thì tôi còn thủ thêm mấy quả ổi lòng đào chín tới vừa hái trên cây. Tôi nghĩ vừa học vừa ăn lũ bạn thèm phải biết, nếu muốn có ổi ăn thì chúng sẽ phải xin xỏ nịnh nọt tôi là cái chắc.

Cô giáo tôi hồi ấy cũng là người cùng làng, chỉ là xóm trên xóm dưới, trạc tuổi chị gái tôi. Cô có một cây thước to và dài, vừa dùng để kẻ bảng, vừa dùng để gõ lên mặt bàn làm hiệu lệnh. Cô giáo quy định, nếu cô gõ một tiếng thước xuống bàn tức là giơ bảng lên, nếu cô gõ hai tiếng tức là đặt bảng xuống. Cái thước ấy cũng được dùng vào việc “tét” vào tay đứa nào ngọ nguậy không chịu ngồi yên tập đọc tập viết, gây mất trật tự trong giờ học, trêu chọc phá quấy các bạn khác, hoặc dốt quá, cô dạy mãi vẫn như vịt nghe sấm.

Chúng tôi đứa nào cũng sợ khi cô cầm cây thước sau lưng và đi từ trên bảng xuống phía dưới. Thể nào cũng có một vài cái lòng bàn tay bị đỏ ửng sau tiếng “tét, tét” vang lên. Có đứa còn khóc òa lên khi cô mới chỉ đứng bên cạnh.

Mấy quả ổi mang theo được tôi đem ra chén trong lúc đôi tay nhem nhuốc bụi phấn và ướt mồ hôi vì cố ghì xuống cái bảng đen mãi mà nét chữ vẫn méo xẹo. Tôi muốn cho cái tay nghỉ ngơi chút xíu, ăn ổi xong có khi viết chữ đẹp hơn cũng nên. Trong khi đang nghiến răng cắn ổi, tôi bỗng nghe đau nhói trong miệng, tự nhiên miếng ổi đang ngọt lại trở nên mằn mặn. Ôi trời ơi, tôi chợt nhận ra miệng mình đang chảy máu, hình như cái răng cửa của tôi đã “đi” cùng miếng ổi. Tôi sợ hãi khóc toáng lên, cô giáo vội vàng đưa tôi ra ngoài bể nước ngoài sân đình súc miệng và lau mặt cho tôi. Cô cứ cười tủm tỉm và bảo nếu còn ăn ổi khi đang học trong lớp là hàm răng sẽ sún không bao giờ mọc được răng mới nữa. Tôi vừa sợ vừa xấu hổ bởi lúc đó lũ bạn cứ nhìn tôi mà cười phá lên làm tôi “quê” muốn chết.

Chiều hôm đó tôi về nhà và giấu nhẹm việc chén ổi vụng trong buổi học đầu tiên lại còn bị gãy mất chiếc răng, vậy mà chẳng hiểu sao chị gái tôi đi gánh nước ngoài giếng làng về lại biết được. Chị ôm bụng cười, rồi cứ bắt tôi nhe răng cười thử để kiểm tra khiến tôi ê hết cả mặt. Có thể do cái răng ấy rơi mất, không tìm được để ném lên mái nhà hay tại tôi trót ăn ổi vụng trong lớp nên mấy chiếc răng cửa của tôi đã “đi sơ tán” một thời gian dài sau đó. Bây giờ mỗi lần ngửi thấy mùi hương ổi chín, tôi hay nhớ đến nụ cười mắm chặt môi đầy xấu hổ của mình những ngày dài lê thê khi cái răng cửa mãi không chịu mọc lại.

THÁI HƯƠNG LIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/buoi-dau-di-hoc-5726835.html