Buôn bán hàng nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt có thể bị phạt đến 200 triệu đồng
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hóa bao gồm 2 loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, ngày 14/4/2017 của Chính phủ).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt. Trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP).
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022, các hành vi kinh doanh hàng hóa không có nhãn; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc hoặc bị thay đổi; có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; gian lận về thời hạn sử dụng; hàng hóa đã quá hạn sử dụng;… sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, sẽ được áp dụng kể cả trong trường hợp vi phạm lần đầu.
Trong điều kiện kinh tế mở cửa như hiện nay, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài đã trở nên phổ biến trên thị trường Việt Nam. Để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng đúng sản phẩm có xuất xứ nước ngoài đúng chức năng, công dụng thì việc đọc được các thông tin nhãn hàng hóa gắn trên sản phẩm là ưu tiên quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, một số tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu hàng hóa và tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh chưa thực hiện đúng việc ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam đối với hàng hóa là hàng nhập khẩu, gây khó khăn cho cơ quan chức năng, người tiêu dùng khi kiểm tra, kiểm soát, sử dụng sản phẩm./.