Buôn lậu qua đường bưu chính: Nhận diện, ngăn chặn thủ đoạn mới
Thương mại điện tử phát triển đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ chuyển phát hàng hóa, nhất là qua bưu chính. Dịch vụ này đang bị các đối tượng lợi dụng như một phương thức mới cho việc kinh doanh hàng cấm, hàng lậu khiến công tác chống gian lận thương mại ngày càng phức tạp.
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã cùng thành viên Tổ công tác 368 (Tổ công tác về Thương mại điện tử - Tổng cục QLTT) tiến hành kiểm tra Cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong (Công ty TNHH Một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Hà Nội), nằm trong khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện kho hàng lậu có quy mô lớn với hơn 100.000 sản phẩm gồm: Chăn ga, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng các loại… Hàng hóa được đóng trong các thùng carton, bao tải, túi nilon… bên ngoài có dán các thông tin về chủ hàng như: Tổng kho Thanh Vân, Shop Hồng Thắm, Shop Hương Ngát… đang tập kết tại cơ sở để chuẩn bị chuyển phát.
Toàn bộ số hàng trên, doanh nghiệp chỉ cung cấp được một hóa đơn giá trị gia tăng kèm tờ khai hải quan về 340 máy tập bụng, nhưng thực tế đối chiếu đối với hàng hóa cụ thể thì không trùng khớp về chủng loại, kích thước. Ngoài ra cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ gì khác. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xác minh, làm rõ về lô hàng lậu, hàng có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, giả xuất xứ và các vi phạm khác.
Trên thực tế, Cảng ICD Mỹ Đình là cảng chuyên dụng, nơi đặt trụ sở của cơ quan hải quan nhằm kiểm tra, thông quan cho các hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không. Do đó, cơ sở này nằm ẩn trong khu vực cảng, việc kinh doanh rất khó phát hiện vì thường bị lẫn đối với hoạt động thông quan của lực lượng hải quan.
Cũng liên quan đến vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc bằng đường bưu chính, trước đó, trong vụ đột kích kho hàng lậu 10.000m2 tại Lào Cai vừa được lực lượng chức năng triệt phá, hàng hóa cũng được chuyển cho khách sỉ, lẻ trên toàn quốc qua kênh chuyển phát nhanh.
Đây là những vụ việc điển hình mà lực lượng QLTT phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện. Theo đó, thủ đoạnmới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại được nhận diện là lợi dụng công nghệ số, thương mại điện tử và loại hình kinh doanh bưu chính để vận chuyển và tiêu thụ hàng lậu, hàng giả xuất xứ, hàng giả sở hữu trí tuệ, hàng cấm, thậm chí lừa dối người tiêu dùng...
Chuyển hàng cấm, hàng lậu qua đường bưu chính là một thủ đoạn mới, khá tinh vi của các đối tượng. Nhiều trường hợp hàng hóa, bưu kiện được kẹp chì, dán niêm phong, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý gian lận. Bên cạnh đó, một số đơn vị vận chuyển chủ quan trong việc kiểm tra hàng hóa ký gửi. Các đối tượng lợi dụng những sơ hở này để thực hiện hành vi vi phạm. Trước thực trạng này, lực lượng QLTT cả nước đã và đang tích cực chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính và nâng cao hiệu quả phòng, chống việc chấp nhận, vận chuyển và phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính.