Buôn lậu qua tuyến biển chiếm hơn một nửa số vụ vi phạm
Cục Hải quan ngày 7/5 cho biết, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp trong tháng 4/2025, với số vụ vi phạm tuy giảm nhẹ nhưng trị giá hàng hóa vi phạm vẫn ở mức cao và các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các cửa khẩu. (Ảnh: MINH PHƯƠNG)
Theo thống kê trong tháng 4/2025, lực lượng hải quan cả nước đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.330 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 1.867 tỷ đồng.
Mặc dù số vụ giảm 73 vụ (tương đương giảm 5,2%) so với tháng trước, nhưng số thu ngân sách nhà nước từ xử lý các vụ việc này vẫn đạt 65,86 tỷ đồng. Đặc biệt, số vụ hình sự có xu hướng giảm mạnh, không phát sinh vụ khởi tố mới; số vụ chuyển khởi tố cũng giảm 20%, từ 15 vụ xuống còn 12 vụ.
Đáng chú ý, tuyến đường biển tiếp tục là “điểm nóng” của các hoạt động buôn lậu, chiếm tới 52,8% tổng số vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý. Các cảng biển trọng điểm như Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ, Tân Vũ, VIP Green, Cát Lái, ICD Phước Long, Hiệp Phước, VICT, Cái Mép… là nơi thường xuyên phát sinh các hành vi vi phạm.
Các đối tượng buôn lậu lợi dụng khối lượng hàng hóa lớn và thủ tục thông quan điện tử để khai sai tên hàng, chủng loại, chất lượng, mã số hàng hóa, xuất xứ và trị giá hải quan nhằm trốn thuế và hợp thức hóa hàng hóa nhập lậu.
Không chỉ dừng lại ở hàng hóa thông thường, hoạt động buôn lậu ma túy, tiền tệ và vàng qua biên giới cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu gia tăng. Tuyến hàng không là nơi nổi bật với các vụ vận chuyển ma túy tinh vi, lợi dụng chính sách thông thoáng, thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa. Các mặt hàng được cất giấu trong hành lý ký gửi, kiện hàng nhỏ hoặc thậm chí trong thực phẩm, mỹ phẩm… nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Trên tuyến đường bộ, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, đường kính trắng vẫn diễn ra phức tạp tại khu vực các tỉnh miền trung và biên giới Việt-Lào. Ở các khu vực giáp biên giới Việt-Trung, Việt-Campuchia, tình trạng vận chuyển thực phẩm đông lạnh, hàng tiêu dùng, thuốc lá điếu, lá thuốc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp cũng diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ lớn về an toàn thực phẩm và thất thu thuế.
Lũy kế trong 4 tháng đầu năm 2025 (từ 15/12/2024 đến 14/4/2025), toàn ngành hải quan đã phát hiện, xử lý 5.206 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính lên tới 10.331 tỷ đồng, số thu ngân sách đạt gần 347,16 tỷ đồng. Trong đó, số vụ chuyển cơ quan công an đề nghị khởi tố là 34 vụ, không có vụ nào bị khởi tố trực tiếp từ phía hải quan.
Trước thực trạng buôn lậu có xu hướng ngày càng tinh vi, quy mô lớn và đa dạng tuyến đường, ngành hải quan tiếp tục xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, lực lượng hải quan còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như công an, bộ đội biên phòng để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm.