Buôn lậu thuốc lá gia tăng dịp cận Tết
Tình hình buôn lậu thuốc lá những ngày cận Tết tại khu vực miềm Nam diễn biến phức tạp và gia tăng. Đây là nhận định từ các cơ quan chống buôn lậu và một kế hoạch chi tiết về tăng cường kiểm tra, kiểm soát thuốc lá lậu trên địa bàn đã được kích hoạt thực hiện trước, trong và sau Tết.
Tại khu vực miền Nam, thuốc lá nhập lậu chủ yếu từ biên giới Tây Nam. Sau khi thẩm lậu qua biên giới, hàng lậu được các đối tượng dùng ô tô du lịch, xe tải, xe khách chuyển tiếp đến các thành phố lớn tiêu thụ. Ghi nhận từ các cơ quan chống buôn lậu ở khu vực biên giới Tây Nam như Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang cho thấy, những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, hoạt động buôn lậu thuốc lá ở khu vực biên giới đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng nhằm hướng đến nhu cầu tiêu thụ lớn trong dịp Tết của thị trường.
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An cho biết, trong năm 2020, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh Long an đã kiển tra, thu giữ hơn 2,2 triệu gói thuốc lá nhập lậu các loại, chủ yếu là thuốc Jet, Hero. Ban Chỉ đạo 389 Long An cũng vừa tổ chức tiêu hủy hơn 1,5 triệu bao thuốc lá nhập lập, tang vật từ các vụ vi phạm bị thu giữ trên địa bàn trong thời gian gần đây.
Ông Phạm Đức Chinh - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Long An - cho biết, mặc dù trong năm qua các lực lượng chống buôn lậu đã lập thêm chốt chặn, tăng cường kiểm tra các đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới, nhưng thuốc lá nhập lậu vẫn tăng và diễn biến còn rất phức tạp. Hoạt động buôn lậu thuốc lá với nhiều hình thức gian lận tinh vi, phát sinh nhiều đường dây buôn lậu với nhiều đối tượng tham gia.
Đơn cử, ngày 10/1/2021, tại khu vực xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, cơ quan chức năng đã bắt giữ một chiếc ô tô khách vận chuyển 9.210 bao thuốc lá nhập lậu. Số thuốc lá lậu này được chuyển từ thị xã Kiến Tường đến huyện Mộc Hóa và sẽ chuyển tiếp đến các thành phố lớn tiêu thụ thì bị bắt giữ.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2020 tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, phương tiện qua lại biên giới được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tốt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Riêng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn được các lực lượng chức năng kiểm soát tốt. Trong năm 2020, các cơ quan chống buôn lậu đã phát hiện, xử lý 1.504 vụ vi phạm, giảm 22% so với năm 2019. Hàng hóa được phát hiện chủ yếu là thuốc lá, đường cát, hàng điện tử, thuốc thú y, tân dược, gia súc. Riêng thuốc lá nhập lậu số vụ bắt giữ giảm 8,3% nhưng số lượng thuốc lá nhập lậu tăng 24% so với năm 2019.
Trong năm 2020, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 192 vụ (giảm 311 vụ so với năm 2019), qua đó phát hiện và xử lý 146 vụ buôn bán, kinh doanh thuốc lá nhập lậu; tạm giữ hơn 96.000 bao thuốc lá điếu, 19.797 bao và đơn vị thuốc lá điện tử.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Cục Phó Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, năm qua nổi lên mặt hàng thuốc lá điện tử, đây là mặt hàng chưa được cấp phép lưu thông ở nước ta. Vì thế tất cả hoạt động kinh doanh, tiêu thụ chủ yếu thông qua mạng xã hội đang gây khó khăn cho công tác kiểm soát và xử lý của cơ quan chức năng.
Tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Đạt cho rằng, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc lá nhập lậu từ các tỉnh Tây Ninh, Long An vào thành phố và đi các tỉnh để tiêu thụ vẫn còn diễn ra. Các đối tượng thường sử dụng ô tô loại 4 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ tập kết tại địa bàn giáp biên giới Tây Nam để vận chuyển thuốc lá vào nội địa với số lượng lớn.
Trong quá trình vận chuyển thường xuyên thay đổi biển số xe, thời gian vận chuyển để tránh việc kiểm tra, xử lý khi bị theo dõi hoặc có tin tố giác. Thuốc lá lậu tuồn vào thành phố được phân tán, cất giấu nhiều nơi và vận chuyển nhỏ lẻ đến các điểm kinh doanh, tủ thuốc lá lẻ, cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê... để tiêu thụ. “Từ thực tế này đã dẫn dến việc kinh doanh, tiêu thụ thuốc lá nhập lậu trên địa bàn thành phố vẫn còn phức tạp, gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng này”, ông Đạt chia sẻ thêm.
Trong thời gian từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2021, theo ông Đạt, lực lượng QLTT thành phố sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt kế hoạch cao điểm về chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu. Theo đó, các đội QLTT phải bám sát tình hình thị trường, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm những điểm nóng kinh doanh, những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thực phẩm chế biến, quần áo, giày dép và đặt biệt là mặt hàng thuốc lá.
Tại các địa phương thuộc khu vực biên giới Tây Nam, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, lực lượng chống buôn lậu được yêu cầu tăng cường kiểm tra các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên đường biên giới; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để hình thành đường dây, ổ nhóm có tính chất phức tạp, quy mô lớn, điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Trên địa bàn nội địa, các cơ quan chống buôn lậu cần phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu, tích cực tố giác tội phạm, nhất là mặt hàng thuốc lá. Đối với người kinh doanh, lực lượng QLTT các địa phương được yêu cầu kiểm tra chặt người kinh doanh về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, nhãn thuốc lá, niêm yết giá bán, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ đối với thuốc lá nhập khẩu, việc thực hiện dán tem đối với sản phẩm thuốc lá.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/buon-lau-thuoc-la-gia-tang-dip-can-tet-151250.html