Buôn Ma Thuột - Điểm đến hứa hẹn của cà phê thế giới
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025, với chủ đề 'Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới' diễn ra từ ngày 9 - 13/3 tới đây (tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk), sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, ý nghĩa để tôn vinh người trồng cà phê, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước.
Nhiều hoạt động đặc sắc, ấn tượng
Như đã đưa tin, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức từ ngày 9/3 - 13/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2025).

Ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin về lễ hội trong buổi họp báo tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Dương.
Ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, cà phê là loại nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Đây là chuỗi sự kiện quan trọng, góp phần quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xây dựng hình ảnh thành phố Buôn Ma Thuột là "thành phố cà phê của thế giới". Đồng thời, nâng cao vị thế ngành cà phê Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Đắk Lắk; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê.
Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Chính quyền tỉnh Đắk Lắk cũng kỳ vọng sẽ giới thiệu, phát triển tiềm năng du lịch, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực cà phê và các sản phẩm nông nghiệp; giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của tỉnh đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới” - ông Nguyễn Tuấn Hà thông tin.

Diễu hành voi tại lễ hội cà phê bên tượng đại chiến thắng Buôn Ma Thuột. Ảnh: Sơn Nam.
Nhiều hoạt động ấn tượng, phong phú và ý nghĩa sẽ được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội như: hội chợ triểm lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm); cuộc thi rang cà phê đặc sản; hội nghị giao thương quốc tế - kết nối, nâng tầm cà phê Việt; hội trại cà phê "Đồng hành, chia sẻ"…
Tôn vinh người trồng – Vươn tầm thương hiệu
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2025 sẽ là cơ hội tốt cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp cùng bạn bè trên thế giới có dịp gặp gỡ, trao đổi hợp tác kinh doanh góp phần đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Đồng thời, xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, phát triển du lịch, giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hóa cà phê, về con người, các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo dựng hình ảnh về một Đắk Lắk năng động, thân thiện, lịch sự, mến khách.

Một số sản phẩm, thương hiệu cà phê của tỉnh Đắk Lắk được giới thiệu tại buổi họp báo. Ảnh: Hoàng Dương.
Đự kiến lễ hội cà phê năm nay sẽ thu hút hơn 200.000 du khách. Ngoài hành trình trải nghiệm về cà phê, du khách đến với Lễ hội còn được trải nghiệm hành trình về di sản của địa phương.
Ban tổ chức lễ hội cũng cho hay, lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” không thể thiếu vắng các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyên sâu của ngành hàng cà phê Đắk Lắk cũng như Việt Nam.
Tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP, du khách sẽ được tham quan khoảng 400 gian hàng gồm: các sản phẩm từ cà phê, các sản phẩm phụ trợ ngành cà phê, máy móc, thiết bị phục vụ cho ngành cà phê và các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk.
Đặc biệt, tại lễ hội, dự kiến lần đầu tiên sẽ diễn ra hoạt động đến thăm, tặng quà các hộ nông dân trồng cà phê có hoàn cảnh khó khăn nhằm ghi nhận những đóng góp của các hộ nông dân đối với ngành hàng cà phê; khuyến khích, động viên nông dân tiếp tục gắn bó với cây cà phê - đại diện Ban tổ chức lễ hội cho biết thêm.

Ông Hoàng Danh Hữu - nhà sáng lập thương hiệu Miss EDE, kỳ vọng tại lễ hội, Miss EDE sẽ góp phần đưa thương hiệu cà phê tỉnh Đắk Lắk vươn xa. Ảnh: Hoàng Dương.
Ngoài ra, trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Hoàng Danh Hữu - nhà sáng lập thương hiệu Miss EDE (thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nông trại EDE) cho biết, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột không chỉ là nơi tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung mà còn là dịp để cả thế giới biết đến một Buôn Ma Thuột vừa nguyên sơ, hùng vĩ, vừa thơ mộng, bình yên.
Là đơn vị thứ 2 của tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê thành phẩm sang thị trường Hoa Kỳ, tham gia lễ hội lễ hội lần này, công ty mong muốn được quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các đối tác, qua đó góp phần đưa thương hiệu cà phê tỉnh Đắk Lắk cũng như thương hiệu cà phê Miss EDE vươn xa - nhà sáng lập thương hiệu Miss EDE cho hay.
Còn Hoa hậu H'Hen Niê - đại sứ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2025 chia sẻ, không chỉ Hen mà gia đình Hen, bạn bè, mọi người cũng chờ đợi lễ hội với niềm tự hào của người con Đắk Lắk và tình yêu dành cho cây cà phê. Cà phê vừa là văn hóa, vừa là sự kết nối các thế hệ trong gia đình và cộng đồng.