'Buồn nhớ quê hương'

Tôi mượn tên bài hát 'Buồn nhớ quê hương' của nhạc sĩ Hoàng Trọng để viết một bài ngắn về nỗi nhớ quê của tôi trong những năm tháng xa quê.

Bài hát “Buồn nhớ quê hương” được trúng giải nhất “Âm nhạc Bắc - Việt từ năm 1951 - 1952”. Trong giai điệu Blues, “Buồn nhớ quê hương” một ca khúc làm cho người ta nhớ lâu, nhớ dai, nhớ mông lung về một nơi mà mình đã từng gắn bó, yêu thương, thiết tha mật ngọt, cũng có đôi khi là những trái đắng khổ đau, sinh tử. Và trong những lần xa quê, sống nơi đất khách quê người, tôi thường thương nhớ quê nhà - nhớ một cái gì đó - như một buổi bình minh chim hót vang lừng, con sông, lũy tre, đường làng bụi mờ, cát lún, cái giếng nước đầy vơi, khi ánh hoàng hôn sắp tắt, một thôn làng nổi lửa nấu cơm, ngọn gió chiều thổi rất nhẹ để khói lam chiều bay chậm, và những đứa trẻ mãi chơi, thấy bóng tối xuống là chạy ùa về nhà chực cơm!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“… Qua bao mùa thương thương nhớ

Ngàn lá úa tơi bời

Lòng vẫn nhớ xa xôi…”

(Bài hát Buồn nhớ quê hương)

Tôi thường nhớ quê bất cứ vào ngày tháng nào, như nhớ nhất vào những ngày sắp hết năm. Cuối năm, thời tiết thay đổi, có những cơn bấc lùa về, cái “thời tiết cuối năm” có thể là một giọt sương đậu trên chiếc lá vàng chưa chịu rụng, những bông hoa dại nở sớm, một chút lạnh thấm nhẹ trong cơ thể để báo hiệu rằng mình không còn trẻ nữa! Cũng có thể là một cơn gió thoáng qua, mang một chút lạnh báo hiệu một mùa đông sắp tàn…

Quê tôi, một tỉnh cuối Trung đầu Nam, có tên là Bình Tuy. Bình Tuy đã mất tên, nhưng làm sao tôi quên Bình Tuy được. Bình Tuy, nơi tôi sinh ra, rồi lớn lên theo năm tháng dưới hàng dừa rợp bóng cao vút ven biển. Ngỗ nghịch, đói meo, có những lúc tôi mong trời nổi sóng to, gió lớn tràn bờ, đánh xập mấy cây dừa để chặt ăn “tú hủ”. Dễ gì được ăn “tú hủ” dừa nếu nó không ngã vì sóng biển?

Vùng đất thiên nhiên hào phóng ban tặng đất và gió. Tập hợp nhiều dân tứ xứ, mang nhiều màu sắc tôn giáo. Có một thị trấn nhỏ nằm ven biển mang tên rất ấn tượng và không giống ai: La Gi. Đặc biệt, cuối năm, thường có mùa bấc biển, thổi như báo hiệu sắp qua một năm mới. Mùa bấc biển là mùa gây ấn tượng khó quên, cho dù có đi xa, dù ít có dịp về thăm lại, nhưng cuối năm, trong tôi thường dậy lên một mùa bấc biển mà khó có nơi nào có được. Bấc biển và tôi, một hình bóng xa xôi lại về, chỉ là tưởng tượng trong cuộc hành trình “được mất” của những năm tháng xa quê vời vợi.

Bấc biển, một thứ gió kỳ lạ, vậy mà tôi vẫn nhớ quay quắt nó. Bấc thổi rát mặt, trốc mái những căn nhà tạm dựng theo mé biển, hàng dừa Tân Long lả ngọn, đong đưa, bụi bay mù như sương, phụ nữ ra đường che nghiêng nón lá, ngư phủ phành ngực chịu gió, ghe thuyền chen chúc nhau tìm chỗ ẩn núp. Dù Bình Tuy đã mất tên, nhưng trong thâm tâm tôi cái tên gọi ấy vẫn là sự trìu mến thân thương, gắn chặt đời mình những năm tháng chiến tranh, nhiều kỷ niệm đong đưa của một thời thanh xuân, một thời để sống, một thời để yêu, và một thời để xa.

Tôi thực sự đã xa quê rồi. Ngày ấy, tưởng đi rồi trở lại, nhưng tôi dứt áo ra đi khi chiến tranh mới chấm dứt, vậy mà tôi đã chờ đợi hòa bình những ngày tìm mọi cách trốn lính!

Những ngày cuối năm, nghe lại một bài nhạc cũ “Buồn nhớ quê hương” của nhạc sĩ Hoàng Trọng sáng tác từ năm 1951, hình như bài nhạc này chỉ dành cho những ai xa quê, bài nhạc nghe buồn não nuột, trong giai điệu Blues mượt mà, để cho tôi thấy lại quê hương trong xa thăm thẳm:

“… Sương gió phôi pha bao tình trường

Say đắm chi cho lòng vấn vương

Biết bao năm gió phai mùi hương

Chốn xa xăm lòng nhớ quê hương…”.

Buồn nhớ quê hương Bình Tuy của một thời yêu thiết tha bãi biển Đồi dương Tân Long, tay trong tay bước đều, và êm trên thảm lá dương rụng đầy biết bao mùa thay lá.

Tôi nhớ điện Kê Gà với những cây sứ già rễ chồi lên mặt đất, mũi Hòn Lan với những hàng đá mã Cô Rô buồn trong hiu quạnh. Tôi nhớ những buổi chiều ngồi bên hình tượng con sư tử ở Đập đá dựng nhìn nó nhe răng như tiếc thời oanh liệt, và tôi đã từng đi qua ga Suối Kiết lúc chiến tranh chưa biết ngày nào kết thúc - một ga buồn đến nhạt màu - nhỏ như hột nút áo, thấp thoáng người Thượng gùi trên vai hái lượm như thời tiền sử qua lại bên đường ray xe lửa, thoắt ẩn thoắt hiện như ma nơi mé rừng.

Nói làm sao hết con đường gập ghềnh lên núi Tà Cú, dập dềnh sóng nước Hòn Bà… và những cuộc tình ngập ngừng trên con dốc tỉnh. Phía tây là cầu Suối Đó con nước như có ai nhuộm màu nâu, bên kia là con đường đầy cỏ dại không tên dẫn vào sân bay mang nhiều kỷ niệm của một thời chiến tranh, tôi đã đến và đã đi.

“… Qua bao mùa thương nhớ

Ngàn lá úa tơi bời

Lòng vẫn ước xa xôi

Nhạc thu đưa réo rắt

Gieo sầu những tâm hồn

Giang hồ xa quê hương… quên lối

Mây gió trôi bay khi chiều tàn

Những khi thu gió gieo tràn lan

Nhớ quê hương héo sầu tâm can…”.

(Bài hát Buồn nhớ quê hương)

Bài “Buồn nhớ quê hương”, giai điệu Blues, đẹp về ca từ lẫn giai điệu, ra đời từ năm 1951, nay nghe và hát lại vẫn cho ta cảm giác buồn nhớ quê hương khôn nguôi!

TRẦN HỮU NGƯ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/buon-nho-que-huong-130438.html