Buồn vui chuyện bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần

Không như các bác sĩ điều trị bệnh nhân bình thường, bác sĩ ở bệnh viện tâm thần luôn phải đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp dở khóc dở cười. Thậm chí, việc bị tấn công, đánh đấm, phóng uế vào người lại là điều bình thường, bởi người gây ra không ai khác lại chính là người bệnh mình đang tận tâm chăm lo, điều trị hằng ngày.

Bác sĩ bệnh viện tâm thần tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân

Bác sĩ bệnh viện tâm thần tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân

“Bị bệnh nhân tấn công là... đặc sản của nghề”

Bệnh viện tâm thần là nơi mà hai từ “bình thường” lại là khái niệm xa xỉ. BSCKI Phạm Thị Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tâm thần không chỉ là trạng thái bệnh điên loạn, kích động, hò hét.. như quan niệm của đại đa số người dân". Hiện nay, theo Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD-10), tâm thần gồm gần 300 mã bệnh. Bệnh tâm thần do nhiều nguyên nhân gây nên như: Các stress tâm lý, nội sinh, yếu tố gen, di chứng của chấn thương sọ não và các bệnh cơ thể... gây nên. Bệnh nhân vào viện điều trị nội trú thường gặp là tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn trầm cảm nặng, sa sút trí tuệ, các rối loạn tâm thần liên quan đến nghiện chất (Rượu, ma túy...), nghiện game online. Theo bác sĩ Nhung, ngày càng nhiều người bệnh bị rối loạn lo âu, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ đến khám tăng cao. Rất nhiều người bệnh nặng, thời gian mắc bệnh kéo dài đến bệnh viện trong tình trạng chống đối, kích động, có ý tưởng và hành vi tự sát, mất kiểm soát nên có hành vi nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Những trường hợp này tiếp xúc khám bệnh, chăm sóc vất vả, thậm chí là nguy hiểm.

Điều dưỡng bệnh viện cho bệnh nhân uống thuốc hằng ngày

Điều dưỡng bệnh viện cho bệnh nhân uống thuốc hằng ngày

Bác sĩ Nhung có một vết sẹo nhỏ ở góc mắt phải. Trong một lần bón cho bệnh nhân ăn, người bệnh cướp được cái thìa và dùng chuôi thìa đâm vào mắt của chị. Chị hay đùa là nếu không né kịp khéo hỏng một mắt. Đó chỉ là 1 trong vô số tai nạn nghề nghiệp mà bác sĩ tâm thần gặp phải.

Gắn bó với Bệnh viện trên 30 năm, nhiều năm trong cương vị trưởng phòng khám, bác sĩ Nhung chứng kiến hết mọi hỷ, nộ, ái, ố của nghề. Từ khi còn là bác sĩ trẻ, chị từng nước mắt lã chã rơi khi điều trị cho bệnh nhân. “Cùng là một kiếp người mà sao họ... khổ thế” - niềm thương cảm trở thành động lực để chị gắn bó với nghề.

Chuyện người nhà mang bệnh nhân đến trước cổng viện bỏ đấy là chuyện cơm bữa. Bác sĩ lại ra đón người bệnh vào, cắt tóc, tắm rửa, cho ăn uống... Những lần họ phát cơn, trốn viện, bác sĩ lại chia nhau ra đi tìm. BSCKII Trần Cảnh Phong - Trưởng khoa loạn thần cấp tính chia sẻ: “Nghề này vừa là bảo mẫu, vừa là osin. Bác sĩ, điều dưỡng phục vụ bệnh nhân từ A-Z, vừa như người cha, người mẹ lắng nghe, tâm sự, giải tỏa tâm lý. Tiếp xúc, trò chuyện lâu thì thấy thật ra bệnh nhân tâm thần đáng thương lắm!”.

Cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân tâm thần

Cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân tâm thần

Có lẽ, cũng chẳng ở đâu mà cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện tự bỏ tiền túi ra nuôi bệnh nhân như ở đây. Nhiều bệnh nhân đã điều trị đến 20 năm ở đây, quen thuộc hết các thế hệ bác sĩ.

Bác sĩ nghỉ hưu mà bệnh nhân vẫn chưa khỏi bệnh. Căn bệnh “giời đày” đã đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, khốn cùng. “Bệnh nhân tên Tuân có bố và anh trai cũng bị tâm thần. Mẹ già còm cõi đi chăm con suốt hàng chục năm ở bệnh viện. Bác sĩ bỏ tiền túi để nuôi ăn bệnh nhân” - Bác sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung cho biết.

Những lần bệnh nhân trốn viện về nhà, thân nhân gia đình hốt hoảng gọi điện cho bác sĩ thông báo bệnh nhân đang cầm dao “múa” ở trong nhà, không ai dám lại gần. Bệnh viện lại tức tốc đi đón. Đến nơi, bác sĩ chỉ cần nói vài câu là bệnh nhân lại ngoan ngoãn lên xe về Bệnh viện trong ánh mắt ngạc nhiên của mọi người xung quanh.

“Cơn khát” bác sĩ tâm thần

Không riêng gì tỉnh Phú Thọ, hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cả nước đang rất thiếu các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Dịch vụ sức khỏe tâm thần chỉ có tuyến tỉnh, cụ thể là ở Bệnh viện tâm thần tỉnh. Bệnh viện đa khoa tỉnh và bệnh viện sản nhi không có khoa tâm thần. Trung tâm y tế của 13 huyện, thành, thị không cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nội trú về tâm thần. Tuyến xã, phường chỉ quản lý danh sách, cấp thuốc điều trị cho người bệnh theo chỉ định của tuyến trên.

Bệnh viện Tâm thần tỉnh hiện nay có 134 cán bộ thì trong đó có 28 bác sĩ. Số cán bộ viên chức biên chế là 95, viên chức xã hội hóa là 36. Theo thống kê, Sở Y tế hiện nay đang quản lý khoảng 4.286 người bệnh tâm thần. Sở LĐTB&XH đang chi trả chế độ trợ giúp xã hội cho 6.781 người bị khuyết tật thần kinh, tâm thần. Cho thấy, số lượng bác sĩ quá ít ỏi so với số lượng người mắc các bệnh về tâm thần.

Bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh

Bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh

TS. BS Nguyễn Giang Long - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết: “Một trong những khó khăn lớn nhất của công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh hiện nay là thiếu nhân lực, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhà tâm lý lâm sàng. Số lượng cán bộ có chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề chuyên khoa tâm thần còn thấp. Nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần ở tuyến y tế cơ sở thay đổi liên tục, kiêm nhiệm nhiều chương trình (Lao, HIV, tâm thần..), chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết về lĩnh vực tâm thần còn hạn chế”.

Việc tuyển dụng được bác sĩ, cử nhân đại học chuyên ngành tâm thần, tâm lý là điều khó khăn. Sinh năm 2001, bác sĩ Quản Phương Linh là người ít tuổi nhất công tác tại Khoa tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Yêu thích bộ môn tâm lý học khi còn là sinh viên Học viện Y học cổ truyền, Quản Phương Linh đã ấp ủ nguyện vọng về công tác tại bệnh viện tâm thần. Với Linh, đây là môi trường tốt nhất để em có thể tìm tòi, học hỏi, phát triển bản thân ở lĩnh vực này. Để giữ chân bác sĩ, cán bộ trẻ, bệnh viện tâm thần tỉnh có nhiều chế độ thu hút, đãi ngộ, tạo điều kiện tốt nhất cử bác sĩ đi học, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện.

Cử nhân tâm lý Quản Phương Linh là cán bộ trẻ nhất Bệnh viện Tâm thần tỉnh

Cử nhân tâm lý Quản Phương Linh là cán bộ trẻ nhất Bệnh viện Tâm thần tỉnh

Ngày 29/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, giai đoạn 2022-2025. Trong đó, một mục tiêu cụ thể là “tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý, điều trị chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần”. Phấn đấu, phát hiện ít nhất 70% người mắc tâm thần phân liệt và động kinh, 50% người mắc trầm cảm, 30% người bị sa sút trí tuệ và một số rối loạn tâm thần khác; quản lý, điều trị ít nhất 80% người bệnh tâm thần phân liệt, 70% người động kinh và 50% người trầm cảm đã được phát hiện.

Để hoàn thành được mục tiêu trên, nguồn nhân lực phải được bổ sung. Tỉnh Phú Thọ cần quan tâm về chính sách, chế độ đãi ngộ, thu hút đội ngũ y bác sĩ tâm thần, tâm lý.

Ngày nay, áp lực từ cuộc sống hiện đại khiến số người mắc các bệnh lý về tâm thần có xu hướng tăng lên. Đó là căn cứ để chúng ta có thể tin tưởng chuyên khoa tâm thần sẽ mạnh hơn trong những năm tới, trước hết là để phòng ngừa, sau đó là điều trị tốt hơn, có vị thế xứng đáng trong ngành y nói chung, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/buon-vui-chuyen-bac-si-o-benh-vien-tam-than-222815.htm