Buồn - vui chuyện khởi nghiệp

Khởi nghiệp là một hành trình đầy gian nan mà không phải ai cũng gặt hái được 'trái ngọt' dù dành hết tâm huyết hay gửi gắm toàn bộ hy vọng. Buồn - vui trong khởi nghiệp là những câu chuyện chỉ những ai đã từng bắt tay vào làm mới thấu hiểu.

Anh Nguyễn Bá Hùng (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) đăng ảnh cách phối quần áo trên Facebook để bán sản phẩm

Anh Nguyễn Bá Hùng (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) đăng ảnh cách phối quần áo trên Facebook để bán sản phẩm

Con đường đầy chông gai

Có một công việc vừa phù hợp với đam mê, vừa làm chủ được thời gian là ước muốn của nhiều người, nhất là các bạn trẻ, nhưng khởi nghiệp không đơn giản, “bài toán” kinh doanh đã khiến nhiều người "vỡ mộng".

Anh Nguyễn Bá Hùng (SN 1992, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) tốt nghiệp Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM, quyết định nghỉ làm sau 5 năm gắn bó với công việc đúng chuyên môn để theo đuổi đam mê.

Anh Hùng bộc bạch: “Sau thời gian bị cuốn vào công việc rập khuôn, tôi cảm thấy mình cần bước ra khỏi “vùng an toàn" nên quyết định nghỉ việc mà không tính toán được - mất”.

Trên các nền tảng mạng xã hội thường xuất hiện các câu chuyện khởi nghiệp đầy "màu hồng", hành trình tự chủ kinh tế dễ dàng khiến giới trẻ lầm tưởng khởi nghiệp rất dễ dàng mà quên những thách thức, khó khăn phải đối mặt.

Kể về hành trình kinh doanh mặt hàng quần áo đã qua sử dụng theo phong cách Ametora (quần áo kiểu Âu Mỹ mang hơi hướng Nhật Bản), anh Hùng tiếc nuối: “Phong cách thời trang có phần độc, lạ này rất khó tiếp cận khách hàng và hiếm khi có khách hàng mới nên tôi phải đầu tư nhiều chi phí cho quảng cáo mà không chắc mang về được doanh thu”.

Từ lúc khởi nghiệp, anh Hùng cố gắng để cân bằng thu - chi của cửa hàng. Các chi phí mặt bằng, nhân viên, hàng tồn kho,... cũng cân nhắc, cắt giảm dần.

Chọn sản phẩm kinh doanh theo sở thích cá nhân, không có chiến lược cụ thể và thiếu sự chuẩn bị cho rủi ro là những vấn đề mà nhiều người trẻ gặp phải khi khởi nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Phương (SN 1995, ngụ xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) kể: “Cảm thấy mỗi ngày đều đến công ty rất ngột ngạt nên tôi quyết tâm mở tiệm nước ép trái cây. Tôi thuê mặt bằng, nhân viên và mua nhiều máy ép trái cây với suy nghĩ món này tốt cho sức khỏe nên sẽ được nhiều người yêu thích".

Sau 2 tháng kinh doanh thua lỗ, chị nhận ra, địa điểm mở quán tuy đông người qua lại nhưng đa số là công nhân nên ưa chuộng cà phê, trà đá và nước ngọt hơn vì giá rẻ, phù hợp với nhu cầu. Vậy là, chị thanh lý hết tất cả máy ép trái cây với giá rẻ và tốn nhiều thời gian để tìm công việc văn phòng mới.

Những kinh nghiệm quý giá

Sau thời gian kinh doanh không có lợi nhuận, anh Hùng quyết định trả lại mặt bằng, tập trung vào kênh bán hàng online. Nhiều người cho rằng anh Hùng đã sai lầm khi nghỉ việc chỉ vì đam mê nhưng anh lại xem đó là cơ hội để rút ra bài học kinh nghiệm.

“Khi bắt đầu lại, tôi cân nhắc kỹ lưỡng hơn để cân bằng giữa thực tế và sở thích của bản thân. Tôi tìm hiểu thị trường, trau dồi khả năng quản lý tài chính và nhiều kiến thức liên quan khác trước khi bắt tay vào kinh doanh” - anh Hùng cho biết.

Việc lên kế hoạch chi tiết và khả thi là rất quan trọng với mọi dự án khởi nghiệp dù lớn hay nhỏ. Bản kế hoạch giống như bản đồ chỉ đường, giúp định hướng rõ ràng mục tiêu, đích đến và hành trình phải đi qua. Từ đó, người khởi nghiệp xác định được những việc cần làm, những rủi ro có thể gặp phải để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để nắm bắt nhu cầu của khách hàng cũng quan trọng không kém. Khi hiểu rõ sở thích, mong muốn của khách hàng không chỉ dễ dàng tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu mà còn xây dựng được các chiến lược thu hút khách hàng hiệu quả.

Ngoài ra, cần biết cách sử dụng vốn hợp lý và tiết kiệm. Nếu không biết cách quản lý chi tiêu sẽ dẫn đến nguồn vốn đầu tư dễ rơi vào thiếu hụt; nên tập trung vào các hạng mục quan trọng, mang lại lợi nhuận như quảng bá sản phẩm, chất lượng sản phẩm, hậu mãi khách hàng,...

Bên cạnh đó, người chuẩn bị khởi nghiệp nên biết khởi nghiệp đòi hỏi sự linh hoạt và sẵn sàng thay đổi để thích ứng với những tình huống mới.

“Sau thất bại, tôi nghĩ nên chuẩn bị tinh thần cho thất bại trước khi bắt tay vào làm. Có sự chuẩn bị trước sẽ ứng phó tốt hơn nếu rủi ro xảy ra" - chị Phương chia sẻ.

Khởi nghiệp là một hành trình có nhiều "trạm dừng chân" và thất bại không phải là dấu chấm hết mà là cơ hội để rút ra bài học kinh nghiệm, điều chỉnh chiến lược và tiếp tục tiến lên.

Khởi nghiệp không nên là một việc làm bộc phát mà hãy chuẩn bị kỹ lưỡng cả về kiến thức và tài chính./.

Thi Mỹ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/buon-vui-chuyen-khoi-nghiep-a182043.html