Buồn, vui nghề chụp ảnh thuê

Sau một thời gian dài 'ngủ yên' do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, du lịch tỉnh ta đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực. Du lịch phục hồi đã mang lại niềm hy vọng cho rất nhiều lao động, trong đó có những người chụp ảnh thuê ở các khu, điểm du lịch. Tuy nhiên, để bám trụ được với nghề trước sự cạnh tranh khốc liệt của công nghệ số, những người thợ ảnh đã phải rất chật vật.

Phần lớn du khách tự trang bị thiết bị để chụp ảnh lưu niệm. Ảnh Minh Quang

Phần lớn du khách tự trang bị thiết bị để chụp ảnh lưu niệm. Ảnh Minh Quang

Nhân chuyến về thăm quê, chị Đinh Thị Bình, xã Gia Phương (huyện Gia Viễn) chọn ngày thảnh thơi cuối tuần để đi chiêm bái chùa Bái Đính. Tha thẩn với cảnh đẹp, chị Bình liên tục được các thợ ảnh mời chào chụp những bức hình lưu niệm. Dẫu có chiếc smart phone khá hiện đại, có thể tự chụp được những bức hình lưu niệm thật đẹp, song chị Bình vẫn vui vẻ sử dụng dịch vụ chụp ảnh của thợ.

"Thợ chụp ảnh ở đây chắc hẳn đã phải rất chật vật khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Vì vậy, một vài bức hình của khách sẽ mang đến niềm vui, hy vọng cho họ. Tôi rất thích cách hoạt động của thợ ảnh ở đây, họ khá tế nhị và nhiệt tình, du khách không cảm thấy bị làm phiền bởi sự chèo kéo. Thợ ảnh chụp cũng đẹp hơn vì họ có kinh nghiệm trong việc chọn vị trí, góc chụp đẹp nhất cho khách..."- Chị Bình chia sẻ.

Một nữ thợ ảnh tên Tho, tự giới thiệu quê ở huyện Gia Viễn và làm nghề chụp ảnh dạo được hơn 10 năm. Chị Tho tâm sự, những người thợ chụp ảnh như chị đã gặp rất nhiều khó khăn trong hơn 2 năm qua do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thậm chí, từ đầu năm 2021, những người thợ chụp ảnh như chị Tho phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Cuộc sống trở nên rất khó khăn vì không còn nguồn thu nhập.

Trong thời điểm khó khăn nhất ấy, chị Tho được nhận khoản tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng từ ngân sách hỗ trợ của tỉnh. Chị cũng năng động xin việc làm tại một xưởng may ở địa phương. Không biết may, chị Tho xin vào làm ở bộ phận nhặt chỉ. Thu nhập tuy không cao, nhưng cũng giúp chị Tho trang trải phần nào cho cuộc sống trước mắt và chờ ngày được trở lại với nghề chụp ảnh.

Chị Tho cho biết, nghề chụp ảnh cũng có một thời hoàng kim, chứ không phải thời nào cũng khó như thế này. Nhớ lại trước đây, khi mà những chiếc máy ảnh cơ chụp bằng phim là chủ yếu, phải người có điều kiện lắm mới dám bỏ tiền mua một chiếc. Thành thử những thợ chụp ảnh ở đây cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà khách tham quan thì lại càng ít tự trang bị được máy ảnh riêng. Bởi vậy, vào mùa du lịch thì thợ ảnh làm không hết việc.

Khách địa phương, hay khách tỉnh ngoài khi đến chiêm bái chùa đều muốn chụp ảnh làm kỷ niệm. Rồi các đoàn tham quan cũng vậy, một bức ảnh tập thể, sau đó mỗi thành viên trong đoàn lại có nhu cầu rửa bấy nhiêu kiểu ảnh, chưa kể chụp riêng cá nhân từng người và mỗi ngày chỉ cần gặp một đoàn khách đông là thấy vui lắm rồi.

Nhưng chụp ảnh là một nghề đặc biệt. Khi xã hội càng phát triển với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ, nghề lại khó tồn tại. Có khi lang thang cả ngày, thợ chụp ảnh cũng chẳng tìm được khách có nhu cầu. Chúng tôi gặp một thợ chụp ảnh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, chị giới thiệu tên là Bích.

Chị Bích cho biết, Lễ hội Hoa Lư được tổ chức trong ba ngày từ 9-11/3 âm lịch vừa qua là cơ hội để tôi trở lại công việc chụp ảnh thuê sau một thời gian dài nghỉ vì dịch COVID-19. Năm nay lượng khách về trẩy hội rất đông, nhiều người trong số đó có nhu cầu chụp ảnh lưu niệm. Tín hiệu lạc quan này đã giúp chúng tôi lấy lại tinh thần, năng lượng và niềm hy vọng để tiếp tục đeo đuổi nghề nhọc nhằn này.

Chị Bích vốn là một nông dân, quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Những lúc nông nhàn, chồng đi xây, vợ cũng theo phụ hồ kiếm công để trang trải cuộc sống. Thế nhưng từ khi du lịch ở địa phương phát triển, thì chị Bích đã theo các chị em trong xã đi học thêm nghề chụp ảnh để làm nghề mỗi lúc nông nhàn. Gọi là làm vào lúc nông nhàn, nhưng đã có thời nguồn thu từ nghề thợ ảnh lại là thu nhập chính của gia đình, nhờ đó cuộc sống đỡ chật vật hơn hẳn.

"Ngày trước, khách tham quan chụp ảnh nhiều lắm, một thợ ảnh có thể nuôi sống được cả gia đình. Nhưng nghề nào cũng vậy, có lúc thịnh lúc suy, nghề chụp ảnh cũng vậy. Giờ hầu hết mọi người đều có thể tự chụp ảnh, nhất là những người trẻ. Họ có thiết bị, công nghệ và có xu thế chụp mới. Không chỉ chụp ảnh, họ có thể quay video, thậm chí phát trực tiếp trên trang cá nhân mà không cần phải trả tiền để có bức ảnh. Nghề chụp ảnh dạo vì thế mà cũng dần mai một. Làm nghề chụp ảnh bây giờ chủ yếu là phụ nữ, chứ nam giới họ phải tìm kiếm nghề khác để thu nhập tốt hơn"- chị Bích nói.

Đối với người làm nghề chụp ảnh dạo là nữ, việc mưu sinh vất vả hơn không chỉ bởi sự thịnh- suy của nghề. Muốn có khách thì phải chiều khách vô điều kiện. Thường thì khách sẽ yêu cầu thợ chụp ở những địa điểm khác nhau, có khi phải leo hàng trăm bậc thang để chụp một vài kiểu ảnh. Chưa kịp ráo mồ hôi đã phải chạy xuống trước để in ảnh giao sớm cho khách… In ảnh rồi có khi không tìm thấy khách để giao cũng là chuyện thường ngày. Hoặc gặp được khách rồi, khách lại chê không đẹp và đòi giảm giá, thậm chí là không lấy, hoặc lấy một cách miễn cưỡng… cũng là những ngậm ngùi của nghề.

Chị Bích chia sẻ thêm: Hầu hết những người thợ chụp ảnh dạo ở các điểm tham quan, du lịch… đến với nghề là để mưu sinh, nhưng để duy trì được nghề một cách dài lâu lại đòi hỏi người thợ chụp phải là những tay máy đam mê nhiếp ảnh. Theo thời gian, sự phát triển không ngừng của công nghệ… buộc chúng tôi phải liên tục học hỏi để đổi mới chính mình nếu không muốn bị đào thải. Thói quen dần trở thành đam mê, nhiều người lại yêu, lại thích cái nghề này. Có dịp vì vất vả mà thu nhập thấp, tôi đã bỏ nghề. Nhưng bỏ nghề một thời gian thì lại thấy nhớ nghề, nhớ đồng nghiệp, thế là lại vác máy đi làm...

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/buon-vui-nghe-chup-anh-thue/d20220426141650569.htm