Buồn, vui quanh chuyện tăng lương

Từ ngày 1/7 tới, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6%. Bên cạnh niềm vui tăng lương, thêm thu nhập là nỗi lo lắng của nhiều người lao động, người làm công ăn lương, bởi họ phải lo co kéo chi tiêu khi vật giá rục rịch tăng theo.

Theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng, với mức tăng 6% từ ngày 1/7 tới, mức điều chỉnh tăng vùng I sẽ là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng. Mức điều chỉnh này cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu đến hết năm 2024, cải thiện phần nào đời sống cho người lao động.

Ngoài việc thu nhập tăng lên thì người lao động còn được hưởng lợi khi hàng loạt chế độ trợ cấp BHXH cũng tăng theo lương cơ sở mới. Đây là tin vui với lực lượng công chức, viên chức khu vực công và người lao động.

Chị Nguyễn Thu Minh, giáo viên mầm non (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đã cập nhật thông tin về việc tăng lương cơ sở cách đây vài tháng, chị Minh mừng lắm và hy vọng đời sống sinh hoạt của gia đình chị sẽ được cải thiện hơn so với trước.

“Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thêm được 1 đồng cũng là đáng quý. Từ khi biết tháng 7 tới đây sẽ được tăng lương, tôi rất vui vì như vậy đồng nghĩa với việc cuộc sống sẽ bớt vất vả phần nào”.

Lương tăng, giá cả hàng hóa tăng theo là nỗi lo của nhiều người lao động (Ảnh minh họa)

Lương tăng, giá cả hàng hóa tăng theo là nỗi lo của nhiều người lao động (Ảnh minh họa)

Cũng có niềm vui như chị Minh, chị Đinh Hồng Hạnh - nhân viên văn phòng (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Việc tăng lương là niềm vui chung của nhiều công chức, viên chức như chúng tôi. Ngoài công việc ở cơ quan, chúng tôi không có thời gian làm thêm bất cứ công việc nào khác. Do vậy, tăng lương dù ít, dù nhiều chúng tôi vẫn rất phấn khởi và hy vọng đời sống sẽ được cải thiện hơn”.

Đi liền với niềm vui tăng lương lại là nỗi lo của không ít người lao động. Bởi thực tế, từ nhiều năm nay, mỗi lần có thông tin về việc tăng lương, người lao động chưa kịp vui với mức lương mới thì đã phải đối mặt với việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng vọt và số tiền lương được tăng nhiều khi không đủ bù trượt giá.

Là người “tay hòm chìa khóa” trong gia đình, chị Đào Thu Hương, một công chức sống tại quận Hoàng Mai cho hay, cả hai vợ chồng chị đều là công chức nhà nước, nên thông tin tăng lương tới đây khiến cả nhà vui mừng. Thế nhưng bên cạnh niềm vui đó là nỗi lo hàng hóa “té nước theo mưa”, lương tăng 1 đồng thì hàng hóa tăng 1 đồng, thậm chí là tăng gấp đôi.

“Tổng thu nhập của vợ chồng tôi hiện là hơn 14 triệu/tháng. Tới đây khi tăng lương, tổng thu nhập của gia đình tôi sẽ được gần 15 triệu đồng/tháng. Với một gia đình công chức như chúng tôi thì mức tăng này cũng bù đắp thêm một phần nhỏ chi phí cuộc sống hàng ngày. Điều mà tôi cũng như một số người khác lo lắng là mỗi lần tăng lương thì giá cả của nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo. Còn 1 tháng nữa mới chính thức tăng lương cơ sở, nhưng cách đây 1-2 tháng, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu rục rịch tăng lên”, chị Hương nói.

Để việc tăng lương không còn là nỗi lo

Tình trạng lương cơ sở chưa tăng, giá hàng hóa đã tăng như một “kịch bản” luôn đi kèm mỗi kỳ tăng lương, là nỗi lo lắng của nhiều người lao động. Do đó, để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống của người lao động, các chuyên gia cho rằng, trước thông tin tăng lương cơ sở, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá vô tội vạ.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc tăng lương chỉ thật sự có ý nghĩa nếu giá cả được giữ ổn định ở mức tương đối. Những mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu, lương thực, thực phẩm thì phải kiểm soát được giá cả hoặc điều tiết hợp lý. Nếu lương chưa tăng mà giá đã tăng trước, vượt qua ngưỡng 6% của lương thì việc tăng lương không có ý nghĩa nữa.

Việc tăng lương phải đi kèm với việc kiểm soát giá cả hàng hóa, để hạn chế tình trạng "té nước theo mưa"

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, đợt cải cách tiền lương vào tháng 7 tới đây là điều mà rất nhiều người lao động trông chờ, bởi mức lương hiện nay là quá thấp, không đủ sống ở các đô thị lớn. Việc cải cách tiền lương với mức tăng khoảng hơn 30% cho công chức, viên chức trở thành một trong những niềm vui với rất nhiều người làm công ăn lương. Tuy nhiên, niềm vui đó sẽ trọn vẹn nếu không có nỗi lo đi kèm, đó là giá cả tăng theo lương, thậm chí còn cao hơn cả mức tăng tiền lương. Nếu vậy, mức tăng lương đó có khi lại đánh lùi mức thu nhập thực tế của người lao động.

Cũng theo ông Thịnh, nhiều lần và nhiều năm nay, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ban, ngành đã có quyết tâm là khi tăng lương thì kiểm soát thị trường giá cả thật tốt, trên cơ sở đó khiến cho người được tăng lương được nâng cao đời sống thực tế. Việc tăng lương lần này là rất cần thiết. Thời gian vừa qua, giá cả đã có áp lực tăng do giá vàng tăng, tỷ giá hối đoái tăng cũng như giá nguyên vật liệu đầu vào của một số ngành nghề tăng lên. Tuy nhiên, với quyết tâm của Tổng cục quản lý thị trường, Cục quản lý giá, Cục quản lý nhà nước thì chúng ta vẫn đang kiềm chế tăng giá ở mức hợp lý.

“Trong vòng 1 tháng trở lại đây, Ngân hàng nhà nước đã có điều chỉnh giá, từ đó tỷ giá VND với USD chênh nhau chỉ khoảng hơn 3%. Đây là tín hiệu đáng mừng. Trong 4 tháng đầu năm nay, lạm phát chỉ ở mức 3,53%, đang ở mức ổn định và giảm. Vì vậy, việc quản lý ổn định lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền đang làm cho hy vọng về việc tăng lương nhưng giá tăng ở mức không đáng kể trở thành hiện thực. Có như vậy thì việc tăng lương sẽ đem lại niềm vui trọn vẹn cho người lao động hưởng công ăn lương như mong muốn mà Chính phủ, Quốc hội đã đề ra”, ông Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.

Ông Thịnh kỳ vọng, với sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước thì giá cả của các loại hàng hóa sẽ không tăng, thậm chí giảm. Về phía Nhà nước cần có sự quản lý những mặt hàng do Nhà nước định giá hoặc đang quản lý giá như, dịch vụ về bệnh viện, trường học, điện nước… để mức tăng giá sao cho phù hợp, không tạo nên cú sốc đối với giá cả hàng hóa, khi đó giá cả của hàng hóa trên thị trường mới có thể tương đối ổn định. Với việc giảm chi phí, giảm thuế phí và thậm chí giá cả hàng hóa giảm đi thì đời sống của người dân mới được nâng cao.

“Để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say làm việc thì cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng”, ông Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/buon-vui-quanh-chuyen-tang-luong-post1099265.vov